Trong số đó, vốn chủ sở hữu của khu vực doanh nghiệp này vẫn còn 40%. Ông giải thích: “Có nghĩa là cứ 100 đồng thì 40 đồng của Nhà nước, còn 60 đồng là đi vay. Tỷ lệ này không cao nhưng cũng không thấp so với các nước”.
Các tổng công ty, tập đoàn nhà nước nắm trong tay vốn chủ sở hữu của nhà nước lên tới 700.000 tỉ đồng, lớn hơn tổng số thu ngân sách hằng năm của quốc gia song hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng với đầu tư của nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến tháng 9-2011 dư nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp Nhà nước lớn đạt trên 415.000 tỉ đồng, tương đương gần 17% tổng dự nợ tín dụng tại các ngân hàng. Trong đó, nợ vay của 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước lên tới gần 218.740 tỉ đồng. Nợ lớn nhất thuộc về những “ông lớn” như Tập đoàn Dầu khí (PVN – 72.300 tỉ), Điện lực (EVN – 62.800 tỉ đồng), Than & Khoáng sản (Vinacomin – 19.600 tỉ đồng)…
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết 30 trên tổng số 85 tập đoàn, tổng công ty nêu trên đang có tỷ lệ nợ cao hơn ba lần vốn chủ sở hữu. Cá biệt, có bảy trường hợp đang có hệ số nợ cao hơn 10 lần, bao gồm Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1, 5 và 8, Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Thành An, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc.
Trong khi tình trạng nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã kéo dài nhiều năm nay thì kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị cũng khá bi quan. Theo số liệu của Bộ Tài chính, mức lỗ bình quân của các doanh nghiệp Nhà nước cao gấp 12 lần khu vực ngoài quốc doanh, tổng lỗ lũy kế của các tập đoàn, tổng công ty đến hết năm 2011 là 26.100 tỉ đồng. Một số đơn vị lỗ lớn như EVN (2010 là 12.313 tỉ đồng), Vinashin (2009 là 5.000 tỉ), Tổng công ty Bưu chính (2009 là 1.026 tỉ)…
Thời gian gần đây, chuyện nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lại được dư luận quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu của những bê bối tại các đơn vị quốc doanh nằm ở việc khu vực Nhà nước đang tham gia vào quá nhiều hoạt động, dự án khác nhau và ở nhiều lĩnh vực nhưng đều không hiệu quả. Theo thống kê, doanh nghiệp Nhà nước bỏ 13 đồng vốn mới thu được một đồng tăng trưởng, trong khi khối tư nhân chỉ cần chưa đến một đồng. Nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty cũng từ đó mà ra và rất khó giải quyết khi mà tỷ lệ nợ ở nhiều nơi đã cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu.
Mới đây WB có thống kê nợ công của ViệtNamkhoảng 52% GDP, đó là chưa tính đến khoản trái phiếu của các doanh nghiệp Nhà nước đã phát hành. Ví dụ như Tổng công ty Lắp máy (Lilama) đang đứng trước kỳ hạn (tháng 9) phải trả hơn 900 tỉ đồng cho khoảng 2.000 tỉ trái phiếu phát hành cách đây mấy năm nhưng đang khó về nguồn trả nợ. Còn nợ của các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước khác thì chưa biết là bao nhiêu cũng như trách nhiệm phải trả như thế nào.