Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 10-10 đã công bố giải Nobel Kinh tế học năm nay thuộc về hai nhà khoa học Oliver Hart và Bengt Holmstrom. Nghiên cứu đoạt giải đề cập đến Lý thuyết Hợp đồng.
Oliver Hart là công dân Mỹ, giáo sư kinh tế của Đại học Harvard. Bengt Holmstrom là người Phần Lan, cư trú tại Mỹ, đang giảng dạy tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nghiên cứu của hai nhà khoa học tưởng như không thú vị nhưng lại rất thiết thực và quan trọng trong việc thấu hiểu nền kinh tế hiện đại. Hợp đồng là khái niệm quen thuộc với tất cả mọi người, như hợp đồng bảo hiểm, lao động, quyền sở hữu trí tuệ…
Nghiên cứu của Hart và Holmstrom tập trung vào việc cân bằng nhu cầu của các bên tham gia hợp đồng – chia sẻ lợi ích tài chính giữa các bên. Đây là vấn đề giữa “rủi ro và động lực”.
Nghiên cứu nói trên có thể giúp trả lời cho các câu hỏi: Liệu các tổ chức cung cấp dịch vụ công, như trường học, bệnh viện hay nhà tù nên thuộc sở hữu công hay tư; liệu giáo viên, nhân viên y tế và nhân viên nhà lao nên được trả lương cố định hay dựa vào thành quả công việc; hoặc vị lãnh đạo nên được trả lương bằng tiền thưởng hoặc quyền chọn cổ phiếu ở mức độ nào… Nhìn chung, nó sẽ là công cụ giúp đánh giá chính xác các hợp đồng, để xem liệu cá nhân, chính phủ và các doanh nghiệp đang có một thương vụ tốt hay không.
Công trình của hai nhà khoa học này tập trung vào sự cần thiết phải cân bằng các yếu tố khác nhau (trade-offs) khi xác lập những điều khoản hợp đồng; khám phá những khiếm khuyết không thể tránh được của nhiều thị trường thiết yếu. Việc phân tích các hợp đồng bảo hiểm y tế của ông Holmstrom chẳng hạn miêu tả tính cân bằng tất yếu giữa sự hoàn chỉnh của bản hợp đồng với yếu tố rủi ro về đạo đức. Từ quan điểm bảo hiểm, việc bệnh nhân phải cùng chi trả (co-payment) chi phí điều trị là một sự lãng phí; nếu bệnh nhân được chi trả toàn bộ thì tốt hơn. Nhưng vì nhà bảo hiểm không thể nào biết được, liệu có phải tất cả bệnh nhân đều chỉ được khám và điều trị đúng với nhu cầu hay không cho nên điều khoản cùng chi trả được coi như một cách ngăn chặn rủi ro đạo đức: ngăn ngừa việc lạm dụng bảo hiểm y tế dẫn tới nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm.
Ông Holmstrom phân tích sâu hơn vấn đề trả lương theo hiệu quả công việc và chỉ ra rằng, trả lương thưởng theo hiệu quả công việc (performance-based pay) cần phải được kết nối càng nhiều càng tốt với các thước đo về hiệu quả quản trị.
Việc tăng lương, thưởng cho viên chức quản lý khi công việc trôi chảy và ngược lại trừng phạt họ khi giá cổ phiếu sụt giảm chẳng hạn thường có rất ít ý nghĩa vì công việc tăng tiến hay không phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kinh tế rộng lớn khác.
Công trình nghiên cứu bổ sung của ông Hart phát hiện những trường hợp mà sự phân bổ quyền quyết định có vai trò hết sức quan trọng.
Quyền quyết định thường đi cùng với quyền sở hữu. Công trình của ông Hart lưu ý rằng, người nắm quyền sở hữu không chỉ rất quan trọng trong việc quyết định sẽ làm gì trong các trường hợp bất ngờ cả trong công việc hằng ngày. Một nhà khoa học làm việc ở bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ sử dụng thời gian và công sức của mình theo cách khác nếu như được chủ công ty cam kết trong hợp đồng sẽ chia cho anh/chị ta phần sở hữu xứng đáng trong tài sản trí tuệ mà anh/chị ta góp phần tạo ra, thay vì quy định toàn bộ bản quyền công nghệ thuộc về công ty.
Kinh tế thường là giải thưởng cuối cùng được trao trong mỗi mùa Nobel hằng năm, sau Nobel Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học và Hòa bình. Nobel cho lĩnh vực kinh tế không thuộc cơ cấu giải thưởng ban đầu trong di chúc của nhà khoa học Thụy Điển – Alfred Nobel. Riêng giải dành cho kinh tế được bổ sung từ năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển – Sveriges Riksbank, cũng là đơn vị đóng góp quỹ cho giải thưởng này.
Dù vậy, quy trình đề cử, chọn lọc và trao giải Nobel Kinh tế vẫn tương tự các lĩnh vực khác. Nhà khoa học giành Nobel Kinh tế sẽ được trao 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 930.000 USD).
Năm ngoái, giải thưởng được trao cho nhà khoa học gốc Scotland kiêm giáo sư Đại học Princeton (Mỹ) – Angus Deaton. Nghiên cứu của ông bàn về mối quan hệ giữa tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi.
V.Đ (DNSGCT)