Trong 30 năm qua, chuối là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất thế giới, tạo nên thị trường ước tính khoảng 15 tỉ USD/năm. Dù giá chuối thường có biên độ biến động lớn nhưng nhìn chung mức tăng giá của loại trái này vẫn đi lên khá mạnh, từ khoảng 300 USD/tấn vào những năm 1980 lên trên 1.100 USD/tấn vào năm 2012.
Tại đại hội cổ đông tháng 6 vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty Hoàng Anh Gia Lai cho biết 1 hécta chuối thời điểm này cho doanh thu 1,9 tỉ đồng, cao hơn hẳn so với mía đường. Ước tính mỗi ngày công ty thu lợi nhuận 2,3 tỉ đồng từ trái cây, trong đó chuối chiếm tỷ trọng lớn. Trồng chuối tiềm năng là thế nhưng tại Việt Nam, việc xây dựng ngành công nghiệp chuối vẫn còn khá xa vời.
Xuất khẩu chuối còn manh mún
Vài tuần trước, sự kiện những tấn chuối đầu tiên của Hoàng Anh Gia Lai xuất sang Trung Quốc đã gây chú ý trên thị trường nông sản. Bởi lẽ đây cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam cỡ lớn tham gia đầu tư vào vùng nguyên liệu chuối. Theo ghi nhận, chuối là một trong những cây ăn quả có diện tích lớn nhất (trên 100.000ha, chiếm 19% tổng diện tích cây ăn quả của Việt Nam hằng năm) và sản lượng cao (khoảng 1,4 triệu tấn/năm).
Vậy mà, trong quy hoạch nhóm cây ăn quả ở các địa phương thì hầu như cây chuối vẫn không được coi là cây chủ lực và không có trong kế hoạch phát triển. Sự liên kết sản xuất giữa nông dân trồng chuối và doanh nghiệp thu mua rất lỏng lẻo. Nông dân hầu như không có thông tin về nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp thì phải thu gom sản phẩm không rõ xuất xứ, chất lượng không đồng đều, rủi ro cao.
Cách đây chưa lâu, tại thành phố cảng Vladivostok thuộc tỉnh Primorie, vùng Viễn Đông Liên bang Nga, 20 tấn chuối tươi Hưng Yên chính thức được thông quan. Để những nải chuối tươi đầu tiên của Việt Nam vào được nước Nga, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam đã tích cực đồng hành cùng với lãnh đạo Công ty Top Global (có trụ sở tại Vladivostok) trong việc tham gia hỗ trợ, tư vấn ký kết hợp đồng với đối tác Việt Nam.
Lãnh sự phụ trách thương mại của Việt Nam tại Vladivostok cho biết thời gian xuất hàng từ cảng Hải Phòng tới cảng đến Vladivostok là 12 ngày. So với nước xuất khẩu chuối lớn nhất vào thị trường Nga là Ecuador thì Việt Nam có lợi thế lớn về thời gian và chi phí vận chuyển. Người tiêu dùng Nga không quá khó tính như tại một số thị trường khác (chỉ cần chuối được trồng và thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP), giá mua cũng cao hơn giá hiện một số doanh nghiệp đang bán cho Trung Quốc. Chủ tịch Công ty Global cho biết, chuối Việt Nam có giá tốt mà lại không thua kém chuối nước khác về kích cỡ và chất lượng.
Nhiều công ty ở vùng Viễn Đông, Nga đã liên hệ để mua lại chuối Việt Nam mà Top Global nhập về. Nhu cầu tiêu thụ về chuối của vùng Viễn Đông còn rất lớn. Nếu có sự ổn định về nguồn cung và sự bảo đảm của chính quyền, nhiều đối tác uy tín của Nga sẵn sàng thanh toán trước 70% hoặc thậm chí toàn bộ giá trị lô hàng.
Năm ngoái, tờ The Manila Times của Philippines có đăng tải nhận định của Hiệp hội các nhà trồng chuối và xuất khẩu Philippines (PBGEA) rằng Việt Nam có thể sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn đối với ngành xuất khẩu chuối nước này. Nhưng để đạt được điều đó, theo cách nhìn của PBGEA thì Việt Nam cần phải công nghiệp hóa ngành sản xuất chuối, bắt đầu bằng việc loại bỏ một số giống chuối truyền thống và thay vào đó phát triển những loại chuối hiện đang được thị trường quốc tế ưa chuộng.
Đồng ý với nhận định trên, nhiều chuyên gia nông nghiệp Việt Nam cho biết chuối Việt tuy có đa dạng về chủng loại, mùi vị nhưng các giống chuối quý vẫn chưa được đầu tư nghiên cứu nên cơ hội tìm chỗ đứng trên thị trường quốc tế vẫn hạn chế. Ông Vũ Kim Sơn, chủ một trang trại trồng chuối ở huyện Bến Cát, Bình Dương cho rằng để ngành trồng chuối xuất khẩu phát triển thì ngoài các thông tin về thị trường xuất khẩu, công tác thông tin tại thị trường nội địa cũng cần được cải thiện hơn để người nông dân có kế hoạch từ khâu sản xuất. Ngoài ra, muốn có thị trường tiêu thụ ổn định nội địa cũng như xuất khẩu, quả chuối Việt cần phải được xây dựng và quảng bá, phát triển thương hiệu thật mạnh.
Doanh nghiệp Việt có nguy cơ chậm chân
Nhìn sang những quốc gia xuất khẩu chuối thành công như Philippines, Ecuador…, các giống chuối chủ lực đều được cải tạo giống để cho năng suất cao và có thể chuyên chở bằng đường biển trong thời gian dài. Ngoài ra phải ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản và marketing tiên tiến nhất, cộng thêm hệ thống vận chuyển bằng tàu biển hiện đại, chuối mới có thể kết nối thành công với thị trường thế giới.
Theo thống kê, khoảng 30% số chuối nhập khẩu vào thị trường EU bị từ chối chỉ vì lý do tính thẩm mỹ. Vì vậy tại các đồn điền trồng chuối xuất khẩu luôn có một đội ngũ chuyên viên kiểm soát về kỹ thuật và chất lượng: từ độ ẩm, nhiệt độ đất trồng, phân bón, kiểm soát chất lượng thu hoạch. Chuối thu hoạch được đem rửa sạch, hong khô và dán nhãn, đóng gói. Từng khâu này đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Các nhà xuất khẩu cũng phải tính toán thời gian thu hoạch sao cho những nải chuối phải đảm bảo độ tươi ngon cho đến khi chúng đến được các kệ hàng siêu thị các nước châu Âu.
Vừa qua, Hand&Hand – một doanh nghiệp nông sản đến từ Hàn Quốc đã làm việc với chính quyền TP. Cần Thơ để phát triển trang trại trồng chuối ở tỉnh này. Sau hai năm vào Việt Nam, Hand&Hand ký kết hợp tác trồng trái cây xuất khẩu với hầu hết các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Công ty này đặt mục tiêu đến năm 2022 thành lập và phát triển ổn định trang trại trồng chuối rộng ít nhất 300 hécta tại Việt Nam. Giám đốc Hand&Hand – ông Kim Min cho biết đúc kết từ kinh nghiệm trong những lần hợp tác trước đây với các quốc gia khác, nên tại Việt Nam, công ty chủ trương ký hợp đồng thuê đất với nông dân và tự chịu trách nhiệm toàn bộ quy trình trồng và sản xuất.
Nhìn vào các tập đoàn chuối lâu đời trên thế giới như Dole, Bonita, Golden Force… sẽ thấy khi các tập đoàn này vào quốc gia nào, họ sẽ mang theo cả quy trình quản lý chất lượng chuối, từ khâu sản xuất đến đóng gói và xuất khẩu. Tuy nhiên bài học từ Philippines cho thấy khi doanh nghiệp nội địa chần chừ, để cho các tập đoàn nước ngoài đi tiên phong khai thác, khi đó nguồn lợi nhuận lớn nhất từ chuối sẽ chảy vào túi các tập đoàn toàn cầu, còn người nông dân lẫn công nhân chỉ được trả một phần rất nhỏ trên mảnh đất của chính mình.