Lâu lâu, ở Sài Gòn ra, thăm nhà bà con cô bác, bạn bè, ai cũng tíu tít giữ lại ăn cơm. Hình như vậy mới là tiếp khách chu đáo. Thì đúng. Khách đến nhà, gia chủ đi chợ, thường “mâm cơm khách” khá giống nhau. Nhất là vào dịp tết.
Gà luộc là đầu bảng, chặt ra vàng ươm rắc chút sợi lá chanh xắt mỏng. Nem rán, nước chấm ngon, thịt luộc và một tô canh chân giò nấu khoai củ.
So với thời bao cấp đói kém, vậy là rất tươm tất rồi.
Nhưng mà được mời đến nhà ăn cơm cũng khổ lắm. Hà Nội mở rộng, nhiều người dạt ra vùng ven rất xa. Hoặc ở trong các con phố cũ chật hẹp, xe cộ, người đông như nêm cối, ngột ngạt, chen lấn. Có nhà trong ngõ hẻm bé xíu, cửa nhà suốt ngày xe máy chạy qua bấm còi inh ỏi. Ngồi trong nhà còn thấy gió bụi tạt ngay sát chỗ ngồi.
- Xem thêm: Cảm ơn mùa đông
Vậy nên mỗi lần sắp từ Sài Gòn ra, phải “đe nẹt” thế này cho đỡ hí húi nấu nướng mệt mỏi: “Này thôi nhé, đừng có bày vẽ, anh chị có ăn gì được nhiều đâu. Với lại, nói cho cô chú biết, Hà Nội bây giờ chẳng hấp dẫn được anh chị kiểu đi Bờ Hồ, lên chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ… nữa đâu”.
Hà Nội bây giờ còn giá trị là… hàng quà vặt. Vậy để cho anh chị được “lê la” bánh cuốn Thanh Vân ở Hàng Gà, chẳng hạn. Thế Sài Gòn không có bánh cuốn Hà Nội à? Đầy, những hàng chuyên bán đồ Bắc, đắt lắm, mà cũng chỉ lai lai thứ của Sài Gòn thôi.
Nước mắm lai, ngọt quá, không đúng vị. Làm gì có loại bánh mềm, mỏng tang, có khi nhân gà, với hành phi, rau thơm. Ruốc tôm giã nhuyễn. Ngon ngất ngây mà chỉ hết ba mươi ngàn đồng một đĩa.
Rồi bún ngan, chả ngan nướng vỉa hè Hàng Bông thơm nứt mũi. Bốn hàng ốc luộc ở Cửa Bắc, Đinh Liệt, Quốc Tử Giám. Nem rán, nem lụi… chao ôi là thơm. Còn có kiểu “bánh mì chảo” nữa mới lạ miệng.
Mà rẻ ơi là rẻ. Một cái nem chua nướng chỉ có… 4.500 đồng. Tiền ấy tiêu được cái gì.
Vợ chồng cậu em hỏi: Nghe nói Sài Gòn hàng ăn, tiệm đẹp hoành tráng có đầy, mà quà vặt li ti, cổng trường, nhà máy, công sở nào lại không có? Mà sao lại… thèm quà vặt Hà Nội?
Nghe nói Sài Gòn nhà hàng lộng lẫy, vừa ngồi vào bàn là nhân viên phục vụ đem ngay ly nước trà đá cho đỡ khát đã, rồi kêu gì mới kêu. Chứ không lườm nguýt khách, dù người ta kêu nhiều lần, thêm ít tỏi, ớt, chẳng may rớt đôi đũa có người thay ngay. Người ta dịch vụ chuyên nghiệp, coi khách hàng là người nuôi sống mình, việc của mình là phục vụ chu đáo nhất có thể. Chứ đâu có thói… “miến chửi, bún chửi” bị đưa lên CNN?
Vậy nên vợ chồng cậu em mới thấy lạ, anh chị đang ở nơi văn minh lại cứ thèm ra… ăn vặt Hà Nội. Lại còn nói, “giá trị” Hà Nội chỉ có… quà vặt ngon rẻ vô địch. Còn phong cảnh này nọ nay đông đúc xô bồ hết đẹp rồi.
- Xem thêm: Về quê, là sẽ… buồn thương lâu lắm
Lúc vào lại Sài Gòn, mua một đống “quà vặt” ô mai mơ Hàng Đường, bánh chả, sấu bao tử, bánh đậu xanh… Chưa hết. Mọi thứ đóng thùng xong rồi, sáng ra máy bay còn giục em: Mua cho chị xách tay mấy hộp… xôi xéo đi. Lũ con cháu mê cái thứ xôi dẻo, thơm bùi, mà chỉ… mười ngàn đồng cũng có một suất khá bự.
Chao ôi, không hiểu nổi cái thị hiếu ẩm thực. Chẳng thế mà người Việt dù có đi đâu, cũng “kéo theo” những thứ “tinh vi” nhất, như… mắm tôm hay cọng rau thơm. Chân trời góc biển nào cũng đem theo bằng được… Lạ vậy đó.