Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu, nghị sĩ Bernd Lange, trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 15-9 cho biết còn nhiều việc phải làm trong hơn tám tháng tới để Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) có thể thông qua vào mùa hè năm 2018. Đây là vấn đề rất được chúng ta quan tâm sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần như phá sản.
Theo lộ trình, Ủy ban châu Âu sẽ gửi hồ sơ lên Nghị viện châu Âu để xem xét, đảm bảo cam kết trong EVFTA là đầy đủ. Các cam kết đó cần chi tiết để có cơ sở nhằm thuyết phục các nghị sĩ.
“Tôi có mặt ở đây để xem tất cả nội dung, các cam kết được triển khai thế nào trong tương lai. Nếu các cam kết được thực hiện đầy đủ sẽ giúp rất nhiều cho Nghị viện thông qua”, ông Bernd Lange nói.
Theo ông Bernd Lange, còn ba vấn đề lớn Việt Nam cần giải quyết.
Thứ nhất, có 3/8 công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chưa được Việt Nam phê chuẩn. Các công ước đó đảm bảo môi trường lao động bình đẳng, đảm bảo lợi ích công bằng cho người lao động.
Thứ hai là vấn đề môi trường. Theo ông, không thể tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà phải có tấm lưới an toàn cho môi trường, chẳng hạn đánh bắt cá phải bền vững.
Thứ ba là cần tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm tư vấn trong việc tham vấn cho các chính phủ trong quá trình thực thi EVFTA.
Ông Bernd Lange giải thích: “Đây không phải là vấn đề chính trị mà là quy định mang tính nguyên tắc, là luật lệ quốc tế đã được công nhận rộng rãi để đảm bảo thương mại công bằng. Nghị viện châu Âu bám chặt vào các nguyên tắc này. Với Canada và Nhật Bản chúng tôi đều như vậy”.
Trong cuộc gặp với nghị sĩ Bernd Lange hôm 14-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực, mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa với EU. Việc ký EVFTA thời gian tới sẽ là cột mốc quan trọng, đưa quan hệ hai bên lên một tầm cao mới. Cả hai bên đều tin rằng EVFTA toàn diện, chất lượng cao sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, người dân hai bên.
Thủ tướng đề nghị INTA và Chủ tịch Bernd Lange tiếp tục xem xét, hỗ trợ, đóng góp tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để sớm ký kết EVFTA. Nếu có vướng mắc, hai bên cần chân thành thảo luận, hài hòa lợi ích các bên trên cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn dành ưu tiên cao nhất để rà soát pháp lý, đi tới ký kết và phê chuẩn EVFTA. Trong quá trình này, các bộ, ngành, đoàn đàm phán Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với EU.
Một mặt hàng xuất khẩu chính của chúng ta đang gặp khó khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa có thông báo về quyết định sơ bộ đánh thuế chống bán phá giá của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam.
Mức thuế mới được công bố là 2,39 USD/kg – cao gấp ba lần mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 cách đây mấy năm.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong bảy tháng đầu năm nay đạt 996,5 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường số 1 về xuất khẩu cá tra Việt Nam, đạt 223 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Tuy nhiên, với mức thuế 2,39 USD/kg đánh trên sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường quan trọng này.
Phản đối mức thuế trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường, đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ.
Theo VASEP, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) không hợp tác trong quá trình xem xét và không cung cấp đầy đủ các dữ liệu cần thiết cho bộ này, để áp mức thuế mới đối với mặt hàng cá tra của Việt Nam là thiếu cơ sở. Công ty GODACO đã có sự chuẩn bị tốt nhất trong việc cung cấp đầy đủ dữ liệu được yêu cầu liên quan đến các yếu tố sản xuất, số liệu bán hàng, cũng như trả lời đầy đủ, đúng hạn các câu hỏi của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
VASEP khẳng định nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ căn cứ vào hồ sơ và số liệu do GODACO cung cấp để làm cơ sở tính mức thuế phá giá như những lần xem xét trước đây thì chắc chắn GODACO sẽ có một mức thuế suất không đáng kể.
Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc họp để tìm nguyên nhân nhập siêu từ Thái Lan trong thời gian qua và bàn các giải pháp nâng cao sự cạnh tranh của hàng Việt, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, hướng tới mục tiêu cân bằng hơn cán cân thương mại giữa hai nước.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, trong tám tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt – Thái đạt khoảng 9,64 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỉ USD. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan là 3,5 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Năm nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan trong thời gian này góp phần lớn vào giá trị nhập siêu từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ôtô nguyên chiếc (432 triệu USD), xăng dầu các loại (406 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (403 triệu USD), linh kiện phụ tùng ôtô (340 triệu USD).
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Công thương đã lý giải các nguyên nhân dẫn đến nhập siêu lớn từ Thái Lan.
Nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu từ Thái Lan như các mặt hàng điện, điện tử gia dụng và linh kiện, rau quả, máy vi tính, sản phẩm nhựa, sắt thép, các sản phẩm gia dụng như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, sản phẩm nội thất…
Điều đáng nói là Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan các loại rau quả gồm đậu hạt, nấm, sầu riêng, dâu tây, chôm chôm, bòn bon, nhãn, măng cụt, mít, me, mận, mơ, xoài, bơ, ổi, chà là, bưởi, cam, dừa, hạt điều – đều là những nông sản Việt Nam sản xuất chất lượng không thua kém. Tám tháng đầu năm 2017, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đã lên tới 618 triệu USD.
Trong khi đó, Thái Lan chỉ mới cấp phép cho thanh long, vải và nhãn của Việt Nam được chính thức nhập khẩu vào thị trường nước này.
- Gia Minh