Các triển lãm nhóm họa sĩ khá phổ biến trong đời sống mỹ thuật hôm nay. Có khi chỉ là một cuộc chơi chóng vánh, nhưng cũng có những hội tụ bền lâu. Có thể là sự đồng điệu, đồng lòng hay “đồng chất” như tên của nhóm họa sĩ chỉ dùng chất liệu màu nước trong sáng tác. “Gặp” (tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, 97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 18-3 đến 2-4-2017) là một cuộc gặp gỡ của tám họa sĩ nhiều thế hệ, có người đã thành danh từ lâu, có người chưa được biết đến nhiều, song sự kết hợp của họ tại triển lãm là khá thú vị về nhiều mặt từ phong cách tạo hình đến ngôn ngữ hội họa, từ chất liệu đến kỹ thuật.
Họa sĩ Nguyễn Lâm, một tên tuổi lớn của hội họa Sài Gòn là người chăm chỉ đến với các triển lãm mỹ thuật. Ông xem kỹ, trầm trồ khen ngợi nhiều tác phẩm; đứng trước tranh của Hứa Thanh Bình ông hào hứng chỉ ra những mảng, những chi tiết đáng chú ý trong tranh cho các bạn trẻ mới bước vào nghiệp vẽ: “Không dễ để có được nhiều chi tiết đẹp như thế trong một bức tranh”. Có thể mở rộng điều ấy với cả phòng tranh “Gặp”, nơi mà khách thưởng ngoạn tìm thấy được nhiều nét đẹp trong một bức tranh tổng thể, tập hợp đến 120 tác phẩm.
Người có thâm niên nghề nghiệp nhất của nhóm “Gặp” là họa sĩ Hứa Thanh Bình. Thật dễ nhận ra tác phẩm ông bởi cách tạo hình và bảng màu, đặc biệt là cái chất Nam bộ dung dị không lẫn vào đâu được. Nhưng tác phẩm của Hứa Thanh Bình tại triển lãm có những tìm kiếm mới mẻ thể hiện qua những vệt màu loang kín đáo, những tỉa tót công phu mà phải tĩnh tâm ngắm nhìn mới thấy hết được. Hứa Thanh Bình cho biết, trong chuyến đi triển lãm tại Hàn Quốc năm qua họa sĩ đã tìm thấy một chất liệu gần như màu nước mà lại không dị ứng với chất liệu sơn dầu thường dùng trong tranh ông. Sự kết hợp với chất liệu đó giúp Hứa Thanh Bình có thể làm mới hội họa của ông, có được những chi tiết đẹp trong tranh như nhận định của bậc đàn anh Nguyễn Lâm.
Nhân vật năng nổ nhất của nhóm “Gặp” chắc chắn là họa sĩ Ngô Đồng, người nhiều năm qua mê mải đưa đời sống thực, con người thực vào các tác phẩm thể hiện cuộc sống của người đương thời. Bên cạnh vài tác phẩm mới, nhiều bức tranh của Ngô Đồng tại triển lãm “Gặp” đã được trưng bày ở các triển lãm trước đây, tuy nhiên mảng tranh của họa sĩ vẫn là một nét đặc sắc của triển lãm. Ngô Đồng còn bất ngờ trở thành người phát ngôn và có phần là nhà lý thuyết của nhóm với nhiều nhận định về tranh của các thành viên, đồng thời luôn say sưa truyền cảm xúc từ phòng tranh đến người khác.
Mới mẻ nhất có lẽ là Trần Thùy Linh nếu như đã biết đến tác phẩm của cô trước đây, một Trần Thùy Linh của hội họa trừu tượng có phần ảnh hưởng hội họa Đức đương đại. Nhưng tại “Gặp” là một Thùy Linh khác hẳn, gần như “kim thiền thoát xác” cô quả quyết bước sang hội họa biểu hình và trồng được cả một vườn hoa kỳ ảo. Những bức vẽ hoa khổ lớn, nét bút vờn tỉa mà mạnh mẽ, màu sắc thay đổi ngoạn mục, thu hút thị giác người xem, khiến gợi nhớ đến một nữ họa sĩ vẽ hoa đã thành kinh điển: Georgia O’Keeffe. Không gian trưng bày tranh của cô vì thế lôi cuốn rất nhiều người xem.
Nguyễn Thị Mai cũng là một trường hợp đặc biệt. Được biết đến với mảng tranh sơn mài “âm” không đánh bóng, gần như đã thành riêng biệt của cô, Nguyễn Thị Mai lại gây ngạc nhiên với loạt tranh acrylic tại triển lãm này, nhất là bộ tranh gà mười hai bức của cô với màu sắc và tạo hình đều rất “ngộ”. Họa sĩ Đặng Thị Dương nhận định: “Nét độc đáo là hình trong tranh Mai, không chủ tâm vẽ được như vậy đâu mà nó chỉ đến bất ngờ trong quá trình sáng tác”.
Ba họa sĩ trẻ Nguyễn Duy Nhựt, Nguyễn Thành Nhân và Nguyễn Hồng Đức đều công tác tại bảo tàng. Thành Nhân đang đi tìm nhân dạng nghệ thuật của anh với chất liệu màu nước sau khi gia nhập nhóm Đồng Chất với một triển lãm nhóm gần đây gây được ấn tượng khá tốt. Hồng Đức với những tranh khổ lớn, mạnh về cách nhìn và cả về tạo hình, song có gì đó như còn dang dở, như mới chỉ là một khúc dạo đầu. Ở Duy Nhựt đã dần rõ một cá tính nghệ thuật. Những tác phẩm nửa biểu hiện, nửa lập thể của anh cho thấy công phu lẫn tay nghề của họa sĩ mà theo họa sĩ Trần Thùy Linh nhận định: “Nguyễn Duy Nhựt đã tìm ra được tiếng nói của riêng mình”, và tranh anh thể hiện “nỗi đớn đau và bao điều thầm kín chung và riêng không dễ giãi bày của phận người trong xã hội đương đại”. Việt Thị Kim Quyên mang đến triển lãm mảng tranh được cô đặt tên là “Thành phố – tranh và âm nhạc”, như cô tự bạch “đây là thành phố nhỏ trong tôi, cùng tình yêu hội họa và âm nhạc mà trái tim tôi đã cảm nhận cũng như có thể tưởng tượng được để vẽ”.
“Gặp” còn là một triển lãm được dư luận quan tâm ngay từ khi chưa ra mắt công chúng. Đông đảo khách thưởng ngoạn và giới tạo hình có mặt trong ngày khai mạc cho thấy “Gặp” có khả năng là một sự kiện nghệ thuật đáng nhớ với nhiều người. Có được điều đó là nhờ sự tự quảng bá trên mạng xã hội, cách làm có một vai trò không nhỏ đối với sinh hoạt mỹ thuật trong thời đại công nghệ số. Họa sĩ Ngô Đồng là người phát ngôn cho nhóm “Gặp” qua các bình chú về tranh của hầu hết các thành viên được anh đăng trên Facebook, sau đó được đăng trên một số trang mạng mỹ thuật. Với Hứa Thanh Bình, anh viết “Gần đây tranh Bình bỗng dưng như thoát sang một cõi mới, đẹp đến xuýt xoa với người trong nghề. Cái khắc khoải xưa nay như đã được làm mềm đi, lan tỏa nhẹ hơn đi, nhường chỗ cho vẻ đẹp đã mỡ màng mướt mát hơn, như thể những gai góc của cuộc đời không còn đáng làm Bình trăn trở nữa. Nỗi buồn thẳm sâu khó giải thích trong tranh Bình đang ngày càng được thay thế bằng sự dịu êm lóng lánh, điềm đạm, bình tĩnh hơn, ấm áp hơn, sang hơn và cũng đẹp hơn nhiều lắm…”. Còn viết cho Trần Thùy Linh: “Lần này Linh làm chúng ta ngỡ ngàng trước những bức tranh vẽ hoa như sương như khói, óng ả mượt mà tơ lụa, ngan ngát dịu dàng tính nữ, cái ngan ngát đẹp thậm chí làm cho ta phải ngời ngợi khẽ khàng, không dám làm kinh động mà cũng thì thầm yêu quý biết bao”. Hay với Nguyễn Thị Mai: “Tranh của Mai đầy thân phận, chạm đến được những khát khao tinh tế nhất, khó nói nhất bằng lời luôn có trong cõi đàn bà, mà chỉ có thể cảm nhận bằng tri giác đầy mẫn cảm… Cái đẹp trong tranh Mai đi ra từ sâu thẳm bản năng, cũng chỉ bởi cố gắng để nói được, nói hết những gì mình muốn nói bằng hội họa. Chính vì thế mà tranh Mai rất riêng, thậm chí kén người chia sẻ…”.
- Diên Vỹ