Sau nhiều lần phát tín hiệu, các thành viên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 17-12 đã chấp thuận nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Như vậy sau bảy năm duy trì ở mức gần 0, lãi suất cơ bản sẽ tăng lên từ 0,25% – 0,5%, chấm dứt thời kỳ giữ mức lãi suất thấp kỷ lục.
Trong đợt khủng hoảng tài chính năm 2008, nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ, Fed đã quyết định hạ lãi suất xuống mức gần bằng 0, sau khi Lehman Brothers sụp đổ và tình hình thất nghiệp tăng cao đến 10%.
Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen, nói rằng các nhà hoạch định chính sách quyết định tăng lãi suất trong khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với “mức độ vừa phải” và cho biết việc tăng tỷ lệ lãi suất trong tương lai sẽ được tiến hành “từ từ”.
Ai hưởng lợi nhiều nhất?
Loại lãi suất mà Fed điều chỉnh lần này là lãi suất liên bang (Federal funds rate), lãi suất mà các ngân hàng trên toàn nước Mỹ áp dụng đối với những khoản vay qua đêm dành cho các ngân hàng khác. Sở dĩ có các khoản vay này vì Fed yêu cầu hằng đêm các ngân hàng phải gửi một lượng tiền tối thiểu nhất định vào các tài khoản mở tại Fed. Do đó, những ngân hàng có lượng tiền dư thừa sẽ cho bên thiếu hụt vay để đạt chỉ tiêu.
Trong quá khứ, Fed điều chỉnh lãi suất này bằng cách mua vào và bán ra trái phiếu Chính phủ. Chẳng hạn khi Fed bán trái phiếu Kho bạc, tiền trong hệ thống sẽ trở nên khan hiếm hơn trong khi các ngân hàng vẫn phải đáp ứng yêu cầu về dự trữ, kết quả là giá của các khoản vay qua đêm sẽ tăng, qua đó tác động đến lãi suất liên bang và rộng hơn nữa là chi phí đi vay của toàn nền kinh tế.
Nhưng sau đó thì Fed không thể sử dụng cơ chế này được nữa, vì kể từ năm 2008, theo chính sách nới lỏng định lượng (QE), Fed đã mua vào khoảng 3.800 tỉ USD trái phiếu kho bạc và những loại tài sản khác để kích thích nền kinh tế. Điều này cũng tạo ra nguồn tiền mới, do đó các ngân hàng đã không còn tình trạng thiếu hụt dự trữ.
Quyết định tăng lãi suất mới đây của Fed đã được chờ đợi suốt năm qua và được xem là một sự kiện lịch sử khi sức ảnh hưởng của nó được đánh giá ở quy mô toàn cầu, đặc biệt là với các thị trường mới nổi – trong đó có Việt Nam.
Người được hưởng lợi nhất sau khi Fed quyết định tăng lãi suất là các ngân hàng Hoa Kỳ. Theo đó người dân Mỹ sẽ phải nhanh chóng thanh toán các khoản nợ khi mà thời kỳ vay nợ với lãi suất thấp đã bắt đầu chấm dứt.
Các ngân hàng lớn nhanh chóng tăng lãi suất, gồm Ngân hàng Bank of America (BofA) tăng 1,8% và Citigroup 2,6%. Cả ngân hàng BofA và Wells Fargo nằm trong số các ngân hàng tuyên bố tăng lãi suất cho vay từ 3,25% lên 3,5%.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng hưởng lợi do giới đầu tư tin tưởng nền kinh tế Mỹ đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Ngay khi Fed công bố tăng lãi suất, chỉ số Dow Jones lập tức tăng thêm 0,6%, Nasdaq tăng 0,61% và S&P 500 lên 0,43%, sau khi đã tăng khá ấn tượng trong các phiên trước đó.
Phản ứng tại các thị trường
Tại châu Âu, các thị trường cũng phản ứng tích cực với bước đi của Fed. Các thị trường ở Paris và Frankfurt đều tăng hơn 2%, trong khi London tăng 1,6%.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 2%, trong khi các thị trường ở Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc lục địa, Đài Loan và New Zealand cũng tăng.
Đợt tăng lãi suất lần này của Mỹ tác động lớn lên thị trường tài chính của thế giới. Đón đầu cho sự kiện này từ giữa năm khi mà Fed rục rịch tính chuyện tăng lãi suất, đã có sự chuyển dịch vốn đầu tư từ những thị trường mới nổi, đặc biệt là thị trường chứng khoán Trung Quốc, sang Mỹ.
Đặc biệt trong thời gian này, các nhà đầu tư rất lo lắng về tình hình kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng thấp nên họ tìm chỗ trú ẩn an toàn hơn và sinh lợi nhiều hơn.
Thị trường Trung Quốc cũng tăng trưởng tích cực hôm 17-12. Chỉ số Hang Seng của Hongkong đã tăng 0,83% lên 21.881,97 và chỉ số Shanghai Composite tăng 0,95% lên 3.549,66.
Còn Ngân hàng trung ương Hongkong đã tăng lãi suất chiết khấu thêm 0,25, lên mức 0,75%. Lãi suất tăng có thể tác động đến giá bất động sản – sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với những người vay tiền để mua nhà.
Ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia có thể sẽ có phản ứng trước quyết định của Fed tuy giới phân tích không cho rằng sẽ có biến động gì mạnh. Các nước này đang ở thế khó là phải giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng đồng thời cũng không được giảm quá nhanh vì đồng tiền sẽ bị yếu đi.
Ở chiều ngược lại, vàng và dầu được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc đồng USD tăng giá. Vàng sẽ không còn là lựa chọn ưu tiên khi USD tăng lên. Trong khi đó, dầu vốn đang chịu áp lực cung lớn sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng khi được giao dịch bằng đồng USD mạnh.
Lãi suất tăng sẽ khiến dòng tiền chạy về Mỹ, tạo áp lực lên nhiều nền kinh tế mới nổi. Người ta lo ngại các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng dòng vốn vào những tài sản nợ của Mỹ. Nền kinh tế châu Âu đang vật lộn với khó khăn cũng chịu sức ép tương tự.
Còn ở Việt Nam thì sao? Các chuyên gia cho rằng tỷ giá trong nước sẽ chịu áp lực lớn, bởi khi đồng USD tăng giá thì đồng VND cũng tự tăng giá trị do đồng tiền của chúng ta neo theo đồng bạc xanh và trong thực tế thanh toán thương mại của Việt Nam chủ yếu là bằng đồng USD.
Việt Nam có chịu áp lực không?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng tuyên bố sẽ không thay đổi tỷ giá cho đến thời gian đầu của năm 2016 và có khả năng để duy trì cam kết đó nhờ vào một số công cụ. Cụ thể để bình ổn thị trường, trước tiên NHNN có thể sử dụng dự trữ ngoại tệ quốc gia để bán ra thị trường nhằm đảm bảo cân bằng cung cầu. Tuy nhiên khả năng bán ra là có giới hạn vì dự trữ ngoại hối của chúng ta không nhiều. Thứ hai, NHNN đã dùng biện pháp hành chính rất mạnh là đưa lãi suất tiền gửi đồng USD xuống bằng 0% cho tất cả đối tượng gửi USD. Thực tế cho thấy thời gian gần đây lãi suất đồng USD gửi ngân hàng xuống 0,25% nhưng lượng tiền gửi vẫn không giảm. Phải chăng người gửi vẫn nuôi hy vọng NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất này?
Lãi suất của đồng VND có thể sẽ chịu tác động bởi sự điều chỉnh lãi suất của FED, vì để ngăn chặn được tình trạng găm giữ ngoại tệ thì lãi suất của đồng VND phải rất hấp dẫn người gửi tiền, thế nên ít nhất tại thời điểm trước mắt lãi suất tiền gửi VND không thể kéo xuống được. Lãi suất USD chỉ tăng 0,25%, trong khi lãi suất của tiền đồng vẫn ở mức rất cao, với chênh lệch lên tới 5 – 7%. Vì vậy, lợi thế vẫn nghiêng hẳn về đồng Việt Nam. Việc nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi cho nhà đầu tư.
Đánh giá toàn cảnh về việc Fed tăng lãi suất đến thị trường chứng khoán, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho biết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, dệt may, công nghệ… sẽ được hưởng lợi lớn từ quyết định này, khi đồng USD sẽ được định giá cao hơn.
Năm nay, tỷ giá của Việt Nam với đồng USD đã được điều chỉnh khoảng 5%. Tuy nhiên, đây là bước điều chỉnh bất khả kháng. Trong khi đó, hiện lạm phát của chúng ta rất thấp, hỗ trợ giá trị đồng tiền ổn định. Hơn nữa, tình trạng cán cân thương mại của Việt Nam đã cải thiện, dù có nhập siêu nhưng con số 4-5 tỉ USD là nhỏ, còn lượng kiều hối vẫn chuyển về nhiều, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vẫn tìm tới.
Dĩ nhiên ai cũng biết tỷ giá luôn được tính toán giao dịch ở mức nào có lợi nhất cho nền kinh tế. Điều này phụ thuộc vào hai yếu tố, gồm chủ định của người làm chính sách (Ngân hàng Nhà nước) và phản hồi tác động ngược lại của thị trường cung – cầu. Xét cả hai yếu tố đó thì Việt Nam sẽ không để đồng nội tệ lên giá cao quá hay mất giá quá nhiều.
Trong khi đó tác động tăng lãi suất của Mỹ lên nợ vay nước ngoài của Việt Nam sẽ không lớn. Trong nợ công của Việt Nam thì một nửa vẫn là vay bằng tiền đồng, phần còn lại là vay bằng USD và các đồng tiền khác.
Trong số vay nước ngoài, tỷ trọng của đồng USD chiếm 50%. Nếu USD tăng giá thì cũng có nghĩa là những đồng tiền kia sẽ rẻ hơn một cách tương đối. Do vậy, tác động hai chiều sẽ tự tiêu diệt nhau, dẫn đến ảnh hưởng tăng nợ là không đáng kể.
- Tổng hợp