Một trong những đặc sản quý hiếm nhất miền Tây Nam bộ từ xưa đến nay là con đuông. Có nhiều loại: đuông dừa, đuông đủng đỉnh, đuông chà là và đuông măng. Đuông mẹ có cánh, mỏ nhọn, hai càng cứng như thép, có thể khoét thủng cả gỗ để vào đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng, béo múp míp, trở thành thứ đặc sản “đệ nhất Nam bộ”, ngày xưa phải tiến về triều cho vua hàng năm.
Sau mùa giao hoan, đuông tìm một cây dừa đang sung sức, khoét ngọn vào đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng. Mẹ con nhà đuông bắt đầu chiến dịch công phá, chén củ hũ dừa thỏa thuê. Mỗi cây dừa có hàng trăm con đuông, rúc rỉa “tủy sống” của cây dừa.
Đến khi cây dừa úa ngọn, chết vô phương cứu chữa thì người ta buộc phải đốn dừa bắt đuông. Bửa củ hũ ra, hàng trăm con ngọ nguậy, lăn tròn, đứng không nổi. Con nào đã mọc cánh thì không bắt.
Ở cây đủng đỉnh cũng vậy.
Đặc sắc nhất là đuông chà là, “tên chữ” là “hồ da (dâu da) tử”, ngày xưa là vật để tiến về cung cho vua thưởng thức nhân dịp Tết. Chà là chỉ có ở các vùng ven biển đông bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là ở miệt Trà Vinh, Bến Tre. Cây chà là gai góc cùng mình, đuông thường chui vào ngọn những cây chà là cỡ bắp chân, cao ngang bụng.
Đi bắt đuông phải là người giỏi lội rừng, nhiều kinh nghiệm. Cả rừng chà là nhìn phớt qua, người săn đuông giỏi biết cây nào có, cây nào không. Ai giỏi, đi cả ngày kiếm hơn chục bắp chà là là nhiều. Tuy nhiên, đuông chà là rất lớn, có con nửa cườm tay. Ngày xưa, có lệ bắt phu, đi đốn đuông cống nạp về triều đình. Vùng Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Gò Công (Tiền Giang) xưa thuộc tỉnh Định Tường, trong đó Bến Tre thuộc huyện Kiến Hòa.
Trước Tết một tháng, bọn tri huyện, cai tổng hối thúc dân Kiến Hòa đi phu bắt đuông để 25 tháng chạp tập kết về bó lại thành chục gánh lên tỉnh, một số tết quan, một số để quan tiến về triều đình cho vua. Đại Nam nhất thống chí viết : “Hồ gia giống như cây dừa ở huyện Kiến Hòa, trong đọt có sinh thứ trùng gọi là hồ da tử. Thường năm đến cuối mùa đông bắt đem thượng tiến”.
Ấu trùng đuông có thể so sánh với “sơn dương trùng” mà Tây Thái Hậu thường đem đãi sứ thần. Mỗi loại đuông có mỗi cách ăn riêng. Đối với đuông dừa món ngon nhất là nướng lửa than. Đuông nướng phải ăn với các loại rau hoang dại như cải trời, bù ngót, cải đất, càng cua, tai tượng, thêm ít cọng húng, tía tô, quế và ớt trái còn xanh.
Với đuông đủng đỉnh người ta thường đem nấu cháo nước cốt dừa. Trước khi nấu cho đuông vào tô nước muối tương đối mặn ngâm khoảng nửa tiếng để đuông nhả chất dơ ra.
Độc đáo nhất là con đuông chà là, ăn nó cũng công phu hơn. Đuông về đến nhà còn nằm trong bắp cây, chẻ sao cho “nghệ thuật” để đuông không bị dập, xì chất bổ dưỡng ra ngoài. Sau đó, cho ngay đuông vào tô nước mắm ngon để nhả chất dơ ra và tự ướp mình! Ngày xưa dân quí tộc thường lấy đuông chà là lăn bột chiên hoặc sau này Pháp thuộc, mấy “quí bà” trưởng giả học làm sang thường đem chiên bơ. Đuông ăn kiểu đó chỉ sang chứ không ngon.
Đặc sắc nhất là món đuông hấp xôi. Sáng mồng một Tết hấp nồi xôi ăn với gà ram mặn thì ngày xưa chỉ có vua mới được nếm. Nồi xôi vừa cạn nước, người ta để đuông vô miếng lá chuối đặt trên mặt rồi đậy nắp lại. Xôi chín thì đuông cũng chín.
Nhà Nguyễn xưa có hai ông vua cực kỳ thích ăn là Gia Long và Minh Mạng. Lúc ở Bến Tre, cha con ông hoàng được dân bắt đuông về hấp xôi dâng lên, khoái khẩu sau này bắt tiến kinh hàng năm. Vua Minh Mạng còn cho khắc trái bần và con đuông vào trong cữu đỉnh đặt ở thế miếu ngoài Huế, coi như sản vật quí lạ nước Nam.
Ở Tây Nguyên có con đuông măng, bà con M’Nông gọi con mẹ là nrâng, ấu trùng của nó là con nhu. Mưa xuống, những cánh rừng tre, lồ ô, le, đồng loạt nẩy mầm non. Khi măng lớn, nrâng mẹ vào khoét ngọn đẻ trứng. Mụt măng nào bị đuông khoét sẽ lớn không nổi, có mụt chứa cả chục con. Ăn đuông là thói quen lâu đời của người Tây Nguyên. Dân ca M’Nông có câu: “Nhiều người như chuối, nhiều đuông như măng, nhiều miếng như thịt…” Đặc sản Tây Nguyên có món đuông nướng lửa bỏ vào canh thục nấu với đọt mây. Thơm ngon, béo ngọt đậm hương vị núi rừng.
- Xem thêm: Đuông