Đuông là một con sâu, không hơn không kém. Nói một cách khác, thì đó là thứ ấu trùng của kiến dương, lớn bằng ngón tay út, béo nhũn nhà nhũn nhịn như con sâu đo, đầu bằng đít, đít bằng đầu. Sắc nó trắng màu ngà, không có chân nhưng ở đầu và đít có màu đen, và chân nó thì có ngấn kiểu ở ngoài Bắc ta vẫn kêu “béo mầm!”
Ấy đấy, con đuông như thế đấy.
Con đuông chỉ ăn chất bổ béo, mầm non, ngon lành nhất của cây dừa, cây chà là hay cây cau… Những người sành ăn thường ưa đuông chà là, thứ đến đuông dừa, rồi đến đuông cau sau rốt. Ở ba loại cây đó, đuông bao giờ cũng sinh sản và lớn lên trong đọt của cây, tức là chỗ non mềm nhất, bổ béo nhất. Đuông sống là vì chất bổ đó, nhưng đuông mà sống và lớn được thì cây dừa, cây chà là hay cây cau bị xác đi, cũng như người mẹ nuôi được đứa con nên người thì “thôi hồng đôi má, sữa teo vú cằn”.
- Xem thêm: Món ngon từ sinh vật trên cây dừa
Vì thế, ăn đuông không phải chỉ ăn một con sâu, nhưng là ăn cả một sự diễn tiến của mấy kiếp sống vào lòng, ăn đuông là ăn cả hương hoa của đất thơm, là ăn cỏ cây mây nước, là ăn mấy chục năm buồn vui, tươi đẹp và thơ mộng.
Thực ra, đuông không có mùi, mà chỉ có vị thôi, nhưng cái vị của nó thì quả là đặc biệt. Đuông lấy ở đọt ra, thả vào trong nước mắm độ vài tiếng đồng hồ hay ngâm nước muối để cho nó nhả nhớt ra rồi cặp lại nướng ở trên than. Có người ngâm rượu rồi nướng “hỏa than” nhưng cậu Bảy cho tôi biết là đuông không chịu rượu, nướng hỏa than, mất một phần cái “hay” đi, phải nướng bằng than tàu mới được.
Ta thoa bơ vào đuông, cặp lại, rồi đưa lên trên than; than không được hồng quá vì than mà hồng quá thì đuông khô xác, làm giảm bớt chất béo như phó mát ở trong đuông. Đưa lên trên lửa mà thấy phồng phồng một chút thì lấy ra ngay, đừng có chậm tay mà hỏng thì uổng lắm.
Muốn ăn cho lạ miệng ta còn có thể tẩm đuông vào với bột đánh kỹ với trứng gà rồi bỏ lò như kiểu bánh phồng ngọt súp-phơ-lê.
Nhưng nếu bạn là người chỉ muốn “ăn đuông vì đuông” thì có thể chiên đuông theo lối cổ truyền: cho bơ vào chảo, để cho nóng rồi thả đuông vào, hễ thấy vàng lên, một màu vàng ong óng thì vớt ra liền, đập vào thành chảo cho ráo rồi đặt vào đĩa, gắp từng con mà nhắm nháp.
Ăn đuông phải ăn trơn một thứ đuông không, chớ không thể ăn kèm với rau hay giá, hoặc với đồ chua như cà rốt, cải hay cần tây ngâm giấm.
Đuông là “anh hùng độc lập”.
Đuông có một chút bùi của tròng đỏ nát của trứng vịt bắc thảo, có một chút thơm của cái vỏ óc đậu chiên vừa ăn, nhưng nói như thế chỉ là đại khái mà thôi.
- Xem thêm: Ăn con cà cuống
Muốn tìm một tỷ dụ tương đối xác thực nhất, tôi phải xin một số bạn đọc rộng lòng tha thứ cho tôi vì với một thứ mà nhiều bạn thoạt nghĩ đã không chịu được, là phó mát ca-măm-be, ca-măm-be cả vỏ bột ở bên ngoài nhưng nát hơn một chút, béo hơn kem một chút và mùi phó mát Duy-xen-sơ một chút.
Ấy đó, cái ngon của đuông “lâm ly qui phương” như thế đó.
Thử tưởng tượng với cái ngon đó, có ông bạn nhậu lại đưa cay một ly rượu đế thì có “hại con nhà người ta” không!
Ăn đuông như thế tức là “ám sát” món đuông, vì gia thêm một món gì cay, chua hay đắng đều làm hại đến cái vị của đuông. Ăn đuông, người ta chỉ có thể nhấm nháp với một vài ly rượu trắng chát nhẹ, một vài ly rượu cúc nhẹ – mà nhấp nháp thủng thỉnh kiểu “đùa với ông thần khẩu” – chớ không được ăn phàm quá mà phí cả đuông đi đấy!
Đuông chà là, đuông dừa, đuông cau lấy ra ăn luôn đã ngon lắm rồi, nhưng có người “kỳ kèo”, cho thế là chưa đủ ngọt lại cho đuông ăn mía nữa. Cây mía, đem đục một lỗ to ở giữa; đuông sống bắt ra cho vào lỗ đó, đậy kín lại, con đuông ăn rỗng hết các cây mía ra. Bao nhiêu cây mía là bấy nhiêu con đuông. Đuông ăn hết mía rồi, lúc đó người ta mới đem đuông ra làm thịt. Ăn như thế, cha chả, không thể nào chê được vào đâu, ông bạn ạ. Yến cũng không quý bằng.