Gần như không nhà nào ở miền Tây Nam bộ không trồng dừa. Những hàng dừa xanh trĩu quả ven bờ sông rạch nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, những vườn dừa bạt ngàn ở Bến Tre, những thân dừa lão cao vút trên các đảo Nam Du, An Thới, Phú Quốc, Thổ Chu… Hầu hết các thành phần của cây dừa đều được tận dụng để phục vụ cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt là những sinh vật sống cộng cư trên thân dừa cũng được bà con chế biến thành các món ăn vừa ngon miệng vừa độc đáo.
Đuông dừa
Đuông dừa là ấu trùng của kiến dương(*) – loài côn trùng gây thiệt hại nhiều nhất cho cây dừa mọi lứa tuổi: chúng ăn lá non đang phát triển, đục vào chồi và phần đọt tăng trưởng của dừa, có thể gây chết cây dừa. Kiến dương thường chọn những cây dừa khỏe, khoét lỗ củ hủ dừa (phần non nhất trên đọt cây dừa) rồi đẻ trứng vào đó. Trứng nở thành ấu trùng mà dân gian gọi là con đuông. Đuông dừa thân mềm nhũn màu sữa, dài cỡ hai lóng tay, bò trườn tới trườn lui, phần răng cứng, sậm màu hơn phần thân. Khi thấy đọt dừa gãy xụm xuống, người trồng dừa biết ngay cây dừa đang bị đuông tấn công; lúc đó dùng dao chặt ngang đọt dừa, khoét vào phần đuông đang cắn phá để bắt chúng một cách dễ dàng.
Đuông dừa sống trong thân dừa nên rất sạch và béo, ngọt. Chỉ cần rửa sơ qua nước cho hết bụi dừa bám vào, đuông dừa đã trở thành món ăn vừa ngon, vừa bổ dưỡng. Dân nhậu khoái nhất cách ăn khá hoang dã: thả con đuông còn ngọ nguậy vào chén nước mắm pha tỏi, ớt rồi ăn ngay. Vị beo béo gần giống như lòng đỏ trứng gà quyện cùng vị mặn, cay, chua của nước mắm tan dần trong vòm miệng, đưa cay với chung rượu đế thì đã đời không gì sánh được!
Hoặc bắc chảo mỡ lên bếp nóng, phi hành tỏi cho thơm rồi thả đuông vào. Khi đuông ngả màu vàng ươm, thêm ít nước mắm pha chút đường, bột ngọt. Đuông dừa rang mặn ăn với cơm nóng, người khó tính mấy cũng không chê được. Cầu kỳ hơn thì khuấy bột mì với nước, thêm trứng gà đánh nổi, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi cho đuông vào “lăn bột”. Chiên đuông lăn bột trong chảo nhiều mỡ hay dầu; khi lớp bột áo bên ngoài vàng, gắp đuông ra để cho thật ráo mỡ. Món này ăn kèm với rau sống hái trong vườn như lá đọt mọt, chùm đuông, lá sộp, lá cách hay chuối chát, khế chua… ngon nhức răng luôn!
Các em nhỏ lúc đầu thấy đuông còn sợ, nhưng khi được người lớn bày cách ăn, các em hăm hở chặt những lóng trúc, chẻ nhỏ làm gắp cặp con đuông đem nướng bếp than. Đuông nướng bếp than kiểu đó khi chín tươm sữa là món ăn chơi không gì có thể đổi được, giống như nắm xôi của thằng Bờm. Còn với các bà, các mẹ, khi nấu xôi, nếu may mắn có được chừng chục con đuông dừa thì rải đuông lên mặt lớp xôi đang hấp trong xửng. Xôi chín thì đuông cũng mềm. Xôi đuông ăn với thịt gà, vịt quay chan ít nước mắm ngon thật khó kiếm.
Tương tự như cách nấu cháo bằng nhộng ong vò vẽ, người miền Tây Nam bộ còn nấu cháo đuông dừa. Cháo nấu bằng gạo ngon, đậu xanh cà nấu với nước giảo dừa khô cho thật nhừ, sau đó thả đuông đã làm sạch vào. Cháo chín, nêm nước mắm, tiêu xay nhuyễn, hành lá xắt, chút bột ngọt cho vừa ăn. Có người còn chan thêm vô tô cháo nước cốt dừa đã vắt sẵn, độ béo càng tăng thêm. Cháo đuông ăn nóng có tác dụng giải cảm vừa tăng cường sức lực cho những người lao động vất vả ngoài đồng ruộng.
Một cách ăn khác là luộc con đuông với nước dừa tươi. Đuông chín rất thơm và béo đem cuốn bánh tráng cùng với rau thơm, chấm nước mắm cơm mẻ trộn sả, ớt bằm nhuyễn. Hoặc lấy củ hủ dừa xắt mỏng hay bào thành sợi, trộn với nước mắm chanh đường cho vừa ăn, đem trộn đều với đuông đã luộc chín bằng nước dừa, rắc thêm ít lát ớt, ngò gai xắt nhuyễn, đậu phộng rang đâm nhỏ là có dĩa gỏi đuông ngon lành. Có thể thêm vào dĩa gỏi đuông vài miếng thịt heo luộc xắt mỏng hay ít con tép bạc luộc chín lột sạch vỏ. Gỏi đuông chấm với nước mắm chua ngọt pha tỏi ớt.
Chuột dừa
Chuột dừa hình dạng giống như chuột đồng nhưng có bộ răng sắc nhọn hơn, chuyên phá hoại cây dừa. Chuột dừa ít khi sống ở môi trường khác ngoài cây dừa. Chúng ăn, hút chất ngọt từ các trái dừa tươi và khô vì thế thịt chuột dừa vừa thơm ngon vừa béo bùi. Người ta bắt chuột dừa bằng cách gài bẫy hoặc leo dừa, phá ổ bắt chúng.
Chuột dừa làm sạch để ráo nước có thể nướng chao, khìa nước dừa, nấu canh chua, nấu lẩu…, nhưng với người sành ăn thì ngon nhất vẫn là hấp chuột dừa trong nồi cơm. Nấu cơm trên bếp than, khi cơm sôi, chắt cạn nước rồi lót một miếng lá chuối lên mặt gạo, xếp chuột lên trên. Cơm chín cũng là lúc chuột chín. Thịt chuột dừa hấp cơm trắng phau như thịt ếch, thịt gà lại có một mùi thơm đặc biệt. Chuột dừa hấp cơm chấm muối tiêu chanh hoặc muối ớt chanh, ăn kèm rau răm và các loại rau hái trong vườn nhà ngon thấu trời! Bữa chuột dừa hấp cơm thêm ít chung rượu đế, ngà ngà thì đờn ca vài bài vọng cổ là một nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng ở miền quê sông nước.
(*) Phân họ kiến vương (thường bị viết sai là kiến dương, do cách đọc theo phương ngữ miền Nam), tên khoa học Dynastinae, là một phân họ bọ cánh cứng trong họ Bọ hung – Scarabaeidae