Không ít vị sếp nghĩ rằng để quản lý nhân viên có hiệu quả thì trước hết cần phải được đa số nhân viên yêu mến. Tuy nhiên, theo Janine Popick, Tổng giám đốc điều hành đồng thời là người sáng lập VerticalResponse, một công ty cung cấp các giải pháp tiếp thị bằng thư điện tử trực tiếp và truyền thông xã hội, tiếp thị qua sự kiện, thực hiện các cuộc khảo sát trực tuyến, để quản lý nhân viên hiệu quả, sếp cần phải tập trung vào các mục tiêu thực tế…
Popick cho rằng một nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường phải “đội nhiều chiếc nón” khác nhau, nhưng không phải vì thế mà phải hướng đến mục tiêu trở thành một nhà quản lý được nhiều người yêu mến. Bởi lẽ, nhiệm vụ hàng đầu của nhà quản lý là phục vụ khách hàng và các cổ đông.
Tuy nhiên, họ cũng phải thực hiện vai trò quản lý của mình sao cho nhân viên có thể tiến hành các công việc của tổ chức một cách hiệu quả nhất. Popick đưa ra các lời khuyên dưới đây giúp các nhà lãnh đạo đạt được điều này.
- Xem thêm: Vì sao nhân viên không tin tưởng sếp?
1. Xây dựng các mục tiêu “SMART” cho nhân viên
Các mục tiêu chung của công ty sẽ được cụ thể hóa thành các mục tiêu cho từng phòng ban và các nhân viên thuộc nhiều cấp bậc khác nhau. Nguyên tắc hàng đầu khi lập ra các mục tiêu này được viết tắt là SMART, theo tiếng Anh có nghĩa là cụ thể (Specific), có thể đánh giá được (Measurable), có thể thực hiện được (Achievable), có liên quan (Relevant) và có thời hạn (Time-bound).
2. Xác định một tầm nhìn rõ ràng
Ngay từ khi thành lập cũng như lúc trải qua những thăng trầm, đổi thay của thị trường, nhà quản lý phải luôn luôn cởi mở và minh bạch về vị trí hiện tại, hướng đi tiếp theo của doanh nghiệp và thường xuyên chia sẻ, truyền thông đến toàn thể nhân viên về các rủi ro, các thách thức hay rào cản mà doanh nghiệp đang đối diện.
Tại VerticalResponse, các nhà quản lý thường tổ chức các buổi họp toàn nhân viên (town hall meeting) hai lần mỗi tháng để cập nhật tình hình cho nhân viên và tạo cơ hội cho nhân viên đưa ra các câu hỏi, các ý kiến phản hồi hoặc đóng góp các ý tưởng.
Theo Popick, những cuộc họp như vậy rất hiệu quả, làm cho toàn thể nhân viên bắt cùng nhịp với những diễn biến của doanh nghiệp, hiểu được tầm quan trọng của từng cá nhân đối với sự phát triển và thành công của tổ chức và động viên tinh thần họ cùng hướng đến những mục tiêu chung.
3. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh
VerticalResponse chủ trương xây dựng một doanh nghiệp nghiêm túc, nỗ lực để trở thành một nhà cung cấp các giải pháp và các nguồn lực tiếp thị trực tuyến tốt nhất cho khách hàng. Nhưng theo Popick, điều đó không có nghĩa là toàn thể nhân viên phải mặc vest trịnh trọng, giao tiếp bằng những ngôn ngữ “khô cứng” của một doanh nghiệp.
Thay vào đó, VerticalResponse khuyến khích nhân viên xây dựng một văn hóa vui vẻ, thân mật, gần gũi và cởi mở với khách hàng nội bộ cũng như khách hàng bên ngoài. Popick chia sẻ rằng, điều mà cô tự hào nhất ở VerticalResponse là các nhân viên làm việc tại công ty này đều cho biết họ rất yêu mến các đồng nghiệp của mình. Theo Popick, xây dựng một môi trường văn hóa doanh nghiệp vững mạnh cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc thu hút nhân tài.
- Xem thêm: Để là người được nhân viên yêu mến
4. Cùng nhân viên tiến lên phía trước
Popick khuyên, để làm điều đó sếp phải là người luôn kiên định với đam mê mà mình đã lựa chọn, luôn hướng đến lợi ích lâu dài của khách hàng và luôn chia sẻ, giúp đỡ nhân viên để cùng họ thực hiện các mục tiêu đã đặt ra.
Popick tự hào chia sẻ, qua hơn 12 năm thành lập, VerticalResponse đã vượt qua được nhiều thay đổi lớn để có được vị trí của ngày hôm nay (công ty hiện đang xếp hạng 2.802 trong danh sách 5.000 doanh nghiệp hàng đầu do tạp chí Inc. bình chọn năm 2012) và tin tưởng rằng công ty này sẽ còn tiến xa hơn nữa.
Popick cho rằng, nhà quản lý không thể đưa doanh nghiệp đi đến những vị trí như vậy nếu không có sự hỗ trợ của các nhân viên, không chia sẻ tầm nhìn, các mục tiêu cụ thể với họ và cùng họ vượt qua các khó khăn.