Việc chủ đầu tư mang căn hộ chung cư đi thế chấp ngân hàng để vay tiền khá phổ biến ở Việt Nam, thế nhưng lỗ hổng trong việc rà soát, quản lý hoạt động cho vay đang đẩy nhiều cư dân vào cảnh có thể mất nhà, mất tiền.
Những ngày qua, dư luận bức xúc khi liên tiếp ba chung cư ở TP.HCM bị phát hiện đang được thế chấp nhiều lần ở các ngân hàng. Người mua nhà hoang mang vì dù đã hoàn tất nghĩa vụ chi trả thế nhưng họ vẫn phải đối diện với nguy cơ mất nhà, mất tiền nếu ngân hàng đem phát mại tài sản mà chủ đầu tư đã đem thế chấp. Nhiều người cho rằng, để tự bảo vệ quyền lợi của mình, người mua cần tìm hiểu thật kỹ dự án có đủ điều kiện mua bán hay không và có được ngân hàng bảo lãnh hay không, trước khi đưa ra quyết định mua căn hộ… Thế nhưng, làm thế nào để người dân xác minh căn hộ mình đang mua đã được giải chấp các khoản vay nợ ngân hàng hay chưa là rất khó, khi việc minh bạch thông tin trên thị trường bất động sản hiện này còn nhiều hạn chế.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, người mua không có nghĩa vụ phải điều tra khi chủ đầu tư chung cư thông tin dự án đủ điều kiện bán. Đặc biệt, khi hầu hết dự án căn hộ chung cư hiện nay đều có sự hỗ trợ từ phía ngân hàng trong việc cho người mua thế chấp nhà ở trong tương lai để vay tiền. Ông Châu cũng khẳng định, việc chủ đầu tư đem tài sản đã bán cho cư dân đi thế chấp và thế chấp nhiều lần là vi phạm pháp luật. Với nghiệp vụ thẩm định gắt gao, ngân hàng không thể không biết về những tài sản mà chủ đầu tư đã thế chấp; để chuyện cho vay tiếp xảy ra có lỗi của ngân hàng. Theo một số luật sư, trường hợp ngân hàng đã quản lý không tốt thủ tục thẩm định cho vay, nếu chủ đầu tư không trả được nợ thì rủi ro thuộc về ngân hàng chứ không phải người mua nhà.
Qua các vụ việc có thể thấy chung cư bị thế chấp nhiều lần là lỗ hổng lớn trong liên kết thông tin giữa thị trường tài chính với thị trường bất động sản. Điều này đang tạo ra rủi ro lớn cho các ngân hàng và cả người mua nhà. Để giải quyết tình trạng này, theo các chuyên gia, cần tăng cường tính minh bạch giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Theo đó, các cơ quan quản lý cần có giải pháp để quản lý chặt chẽ và rà soát việc thế chấp bất động sản; hệ thống ngân hàng cần thực hiện đúng những quy định ở khâu thẩm định cho vay, kiểm tra thông tin khách hàng. Hệ thống tín dụng nên có sự liên kết, chia sẻ thông tin để khi chủ đầu tư đã cầm cố, thế chấp ở một ngân hàng nào đó và mang hồ sơ đến ngân hàng khác thì ngân hàng này sẽ được cảnh báo để tránh tình trạng một dự án được cầm cố đến hai, ba lần. Đặc biệt, việc chính quyền địa phương và cơ quan quản lý xác nhận và chia sẻ thông tin những công trình, dự án nhà ở hợp pháp, không thuộc những trường hợp bị thế chấp cũng là điều cần thiết để tránh những rủi ro cho người mua nhà và tạo sự lành mạnh trên thị trường.
- Bích Tuyền