Mới đây, tổ chức giáo dục QS đã công bố bảng xếp hạng các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Bảng xếp hạng dựa trên các yếu tố như xếp hạng về chất lượng giáo dục của các trường đại học, quy mô nền giáo dục, tình hình kinh tế đất nước… Kết quả là nước Mỹ đã giành vị trí dẫn đầu, vượt qua các đối thủ nặng ký khác như Anh (vị trí số 2), Đức (vị trí số 3). Đáng chú ý là trong Top 10 cũng có sự góp mặt của hai quốc gia châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Định nghĩa lại bản đồ giáo dục thế giới
Kết quả bảng xếp hạng của QS năm nay vừa có những điểm dễ đoán, lại cũng có những điểm bất ngờ. Trong Top 10 là sự có mặt của hầu hết các cường quốc du học trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Đức, Hà Lan, Canada… Tuy nhiên, việc Đức giành được vị trí thứ 3 lại là một bất ngờ khá thú vị. Từ trước đến nay, những nước có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Anh luôn có nhiều lợi thế về mặt ngôn ngữ, tài liệu giảng dạy, mức độ kết nối toàn cầu. Ngoài ra, ở ngay trong khu vực châu Âu cũng có nhiều cường quốc giáo dục như Hà Lan hay Pháp. Tuy nhiên, Đức đã chứng tỏ được sự phát triển vượt bậc của nền giáo dục với những chính sách đúng đắn trong suốt nhiều năm qua: miễn học phí và đầu tư vào phát triển công nghệ. Chính sự đầu tư nghiêm túc vào nền giáo dục này đã biến Đức trở thành một nền giáo dục lý tưởng, không chỉ với sinh viên bản xứ mà còn đối với sinh viên quốc tế.
Ngoài ra, sự góp mặt của hai quốc gia châu Á trong Top 10 là Trung Quốc (thứ 8) và Hàn Quốc (thứ 9) đã giúp khẳng định được sự phát triển của lục địa này. Nếu như mới một thập niên trước, người ta còn phải chứng kiến dòng chảy du học sinh từ Đông sang Tây thì hiện nay, đã có những cơn sóng ngược dòng. Du học sinh quốc tế đã đến các quốc gia châu Á để tìm kiếm những nền giáo dục chất lượng cao với chi phí rẻ và cơ hội trải nghiệm văn hóa phương Đông. Cả nền giáo dục Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã đạt được mục tiêu phát triển để theo kịp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật của thế giới.
Mỹ vẫn là nhà quán quân
Trong khi bảng xếp hạng có khá nhiều điều bất ngờ, Mỹ vẫn khá ung dung ở vị trí số 1, vị trí mà có lẽ Mỹ sẽ tiếp tục giữ vững nhiều năm nữa nhờ vào những lý do sau:
- Mỹ là cái nôi của nhiều trường đại học hàng đầu thế giới: Với hơn 150 trường đại học nằm trong top những trường đại học tốt nhất thế giới của QS, Mỹ nắm thế thượng phong cả về mặt chất lượng lẫn số lượng. Và nếu cần phải kể tên những trường đại học hàng đầu mà ai cũng thuộc tên, Mỹ lại một lần nữa dẫn đầu về số lượng với Harvard, MIT, Stanford, Yale… Có thể nói, nước Mỹ và các trường đại học của Mỹ luôn là điểm đến mơước của hầu hết sinh viên trên khắp thế giới.
- Cơ hội việc làm tại Mỹ cho các sinh viên tốt nghiệp tại đây: Mỹ không chỉ có nền giáo dục lớn mạnh mà còn là một thị trường việc làm mơ ước. Dẫn đầu thế giới trên hầu hết các lĩnh vực từ y tế, kỹ thuật, công nghệ cho tới văn hóa, nghệ thuật…, Mỹ là nơi tập trung những nhân tài với mức đãi ngộ và cơ hội phát triển nghề nghiệp đáng mơước. Và những sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học của Mỹ sẽ có nhiều cơ hội tìm việc và làm việc tại đây hơn. Sau khi tốt nghiệp, visa F-1 của du học sinh sẽ được phép ở lại làm việc tại Mỹ trong vòng một năm. Những du học sinh theo học STEM (science, technology, engineering and mathematics – khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) còn được phép ở lại làm việc với thời gian lên đến 17 tháng.
- Nền giáo dục Mỹ có cách tiếp cận đa ngành: Không như các nền giáo dục khác, nơi mà sinh viên phải theo sát với ngành học mà mình lựa chọn từ những ngày đầu tiên, giáo dục đại học ở Mỹ lại khuyến khích sinh viên trau dồi các kỹ năng, kiến thức trên nhiều phương diện khác nhau. Đặc biệt là ở các trường đại học khai phóng (liberal arts college), sinh viên còn được khuyến khích lựa chọn thêm một ngành học phụ bên cạnh ngành học chính của mình. Thế mạnh của triết lý giáo dục này là sinh viên tốt nghiệp sẽ có nhiều kỹ năng hơn cũng như có sự thích nghi linh hoạt hơn với thị trường lao động luôn thay đổi không ngừng.
- Đời sống học đường đáng nhớ: Bên cạnh những giờ lên lớp, chính cuộc sống học đường là một trong những điều đáng nhớ nhất với các sinh viên đã và đang theo học tại Mỹ. Tại Mỹ, các sinh viên thường ở trong ký túc xá và chính điều này đã giúp tạo nên một cuộc sống học đường đậm chất Mỹ, chất liệu của rất nhiều bộ phim về đề tài đời sống sinh viên.
- Nhiều cơ hội nghiên cứu: Nhờ vào quy định Bayh-Dole Act, các trường đại học ở Mỹ được phép thương mại hóa các nghiên cứu của mình. Đây cũng chính là lý do giúp hoạt động nghiên cứu tại đại học phát triển mạnh ở Mỹ. Thậm chí cả những phát minh hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và y tế cũng ra đời từ các phòng nghiên cứu của các trường đại học. Một trong những ví dụ điển hình chính là việc công nghệ tìm kiếm của Google được Đại học Stanford nắm giữ bản quyền và mỗi năm công nghệ tìm kiếm này mang lại hàng triệu USD cho trường đại học này.
- Nhiều học bổng và hỗ trợ tài chính dành cho mọi đối tượng sinh viên: Tuy giáo dục Mỹ được biết đến là một trong những nền giáo dục đắt đỏ nhất thế giới, sinh viên khắp nơi trên thế giới vẫn đổ về đây nhờ chính sách hỗ trợ tài chính hào phóng của chính phủ và các trường đại học. Nếu nhưở nhiều quốc gia khác, học bổng dành cho sinh viên quốc tế là rất hạn chế thì ở Mỹ, sinh viên quốc tế có thể dễ dàng tìm được nhiều nguồn hỗ trợ lên đến 100% chi phí học tập và sinh hoạt. Và càng là những trường đại học hàng đầu, mức độ hỗ trợ càng nhiều giúp thu hút rất nhiều sinh viên ưu tú khắp nơi trên thế giới về Mỹ.
Nhật Hà (DNSGCT)