Từ đầu năm đến nay, loại hình du lịch nông nghiệp tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh tỏ rõ sự sa sút khi nhiều nhà vườn có tiếng phải tạm dừng hoạt động. Trong khoảng ba năm qua, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã kết hợp với Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tổ chức nhiều chuyến khảo sát các địa điểm sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành nhằm phát triển thành những điểm du lịch.
Bản thân nhiều nhà vườn cũng chuyên nghiệp hơn trong đầu tư, tổ chức, quảng bá nhằm thu hút du khách. Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện, việc duy trì đón khách đã trở nên quá sức với một số điểm đến.
Thiếu vốn đầu tư
Từ sau tháng 2-2018, khu du lịch sinh thái cá koi Hải Thanh tại xã Trung An – một địa điểm thu hút khách khá đông đã tạm ngưng phục vụ khách tham quan, nguyên nhân công bố là do đang tìm nguồn vốn bổ sung. Tiếp đó là vườn lan của Hợp tác xã (HTX) Hoa lan Huyền Thoại, xã An Nhơn Tây – địa điểm được đánh giá có nhiều tiềm năng do thuận đường trong tuyến tham quan địa đạo Củ Chi.
Bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc HTX Hoa lan Huyền Thoại cho biết sau khi được Sở Du lịch đề nghị mở cửa đón khách du lịch, HTX đã đầu tư nhà nghỉ, bàn ghế, hạ tầng khuôn viên khang trang và bán vé giá 20.000 đồng/người/lượt. Mua vé, du khách được phục vụ nước uống, khăn lạnh, riêng khách tham quan học tập (học sinh, sinh viên) còn được nhận cây lan về chăm sóc và tìm hiểu.
Được một thời gian, do nhiều người vào vườn đã mang theo mầm bệnh khiến cây lan bị lây nhiễm, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, HTX đành tạm ngưng đón khách tham quan. Theo bà Thanh Huyền, nếu muốn đầu tư cho du lịch thì phải xây dựng mô hình dành riêng cho tham quan rộng khoảng 1.000m2, nhằm cách ly với khu sản xuất. Đồng thời, hằng tháng phải thay đổi nhiều loại lan khác nhau để tránh nhàm chán. Những điều này đòi hỏi tiêu tốn nhiều chi phí. Hiện HTX vẫn duy trì hoạt động đối với việc hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Cũng với lý do chi phí, vườn cây kiểng Minh Tân dù được đánh giá cao trong nhiều chuyến khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa trở thành địa điểm du lịch. Chủ vườn kiểng cho biết để đón khách, điểm đến phải đầu tư hạ tầng để xe khách chạy vào, nhà vệ sinh, khu nghỉ ngơi, khu ẩm thực và phải thiết kế lại khu vườn theo phong cách du lịch… với kinh phí ít nhất khoảng 5 tỉ đồng.
Nhà vườn không thể đầu tư lớn như vậy khi không có công ty du lịch nào cam kết ký hợp đồng đưa khách đến. Theo ý kiến của một số người làm lữ hành, tại TP. Hồ Chí Minh, du lịch nông nghiệp chỉ là một phần kết hợp sau khi tham quan địa đạo Củ Chi. Dù Củ Chi có trại nuôi bò sữa, trang trại dưa và nhiều nhà vườn đáng chú ý nhưng những điểm khảo sát không thuận tiện trong kết nối, làm mất khá nhiều thời gian di chuyển.
Thiếu cả hạ tầng và chiến lược tổng thể
Những năm qua Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã mở nhiều chuyến khảo sát thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó còn tổ chức hội thảo, mời nhiều chuyên gia và nhà vườn đóng góp ý kiến, mở lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho nông dân, tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ nhiều đơn vị và ký kết với Khu Nông nghiệp công nghệ cao (AHTP) để phát triển du lịch nông nghiệp. Theo nhận xét của AHTP, các mô hình của AHTP chỉ phù hợp cho những khách học tập, trong khi du khách tham quan thì thường chỉ thích trải nghiệm thực tế hoặc du lịch sinh thái. Ngoài ra, để có thể phục vụ khách đại trà, các công ty du lịch đòi hỏi vườn phải có khu ẩm thực với kinh phí đầu tư lớn.
Ngoài những trở ngại nêu trên, một số nhà vườn gặp khó khăn khi xin phép xây dựng thêm các công trình phụ trợ phục vụ du khách (như đường vào, nhà vệ sinh, nhà nghỉ chân, điểm phục vụ ăn uống, mua sắm) do vướng quy định của Luật Xây dựng, không cho phép xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp.
Đó là chưa kể kiến thức chuyên môn về du lịch cộng đồng, phục vụ du khách của các chủ sở hữu, nhân viên các nhà vườn, điểm nuôi trồng thủy hải sản… còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của một điểm đến du lịch. Để giải quyết phần nào vướng mắc, mới đây Sở NN-PTNT đã trình UBND TP. Hồ Chí Minh đề án khuyến khích người dân làm du lịch, trong đó có chính sách hỗ trợ vay vốn và tháo gỡ những khó khăn nói trên.
Theo ý kiến một số người làm du lịch, hiện nay tại châu Á đã có nhiều nước phát triển du lịch nông thôn thành công. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan, Đài Loan… hay tại Nhật Bản với một thành công điển hình thường được nhắc đến là thị trấn Yufuin thuộc tỉnh Oita, nằm trên đảo Kyushu.
Những năm cuối thập niên 1970, người nông dân ở đây đã xác định các yếu tố để phát triển du lịch của Yufuin là sự kết hợp của sản phẩm nông nghiệp, phong cảnh nông thôn và nước khoáng nóng, mặc dù cả ba yếu tố này nếu so sánh riêng rẽ với các vùng lân cận thì thị trấn hoàn toàn không thể cạnh tranh. Sau đó, các nông dân xây dựng quy hoạch phát triển, quy chế quản lý và phát triển du lịch địa phương, và thành lập Hội đồng quản lý du lịch, thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý. Họ cũng chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương, tạo sự khác biệt cho điểm đến.
Các sản phẩm gắn logo do người dân địa phương tự sản xuất. Trong làng sẽ sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do chính địa phương sản xuất, hạn chế tối đa việc nhập khẩu. Để phục vụ khách, người dân địa phương khôi phục, bảo tồn các món ăn truyền thống của Yufuin và sáng tạo ra các món ăn mới, sử dụng tối đa nguyên liệu là các sản phẩm nông nghiệp, làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch.
Tại Nhật Bản cũng như một số nước phát triển, du lịch nông nghiệp được hiểu như một loại hình du lịch độc lập do có các hoạt động canh tác quy mô lớn với các trang trại tư nhân, khách du lịch có thể trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau trong một chu trình khép kín.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, do quy mô canh tác nhỏ, hoạt động sản xuất nông nghiệp thường đan xen với các hoạt động kinh tế khác nên hoạt động du lịch nông nghiệp thường được kết hợp như tham quan ngắm cảnh nông thôn, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống người dân địa phương, homestay… Để du lịch nông nghiệp có thể phát triển, Củ Chi hay bất kỳ địa phương nào cũng đều cần có đủ cả ba yếu tố. Đó là chiến lược tổng thể, hạ tầng và vốn.