Thời bão giá toàn cầu, chi phí sinh hoạt đắt đỏ đã “oằn” thêm gánh nặng tài chính cho du học sinh (DHS), đặc biệt, những DHS lần đầu sống xa nhà chưa hề có kinh nghiệm quản lý chi tiêu.
DHS phải làm gì để quản lý tài chính một cách hợp lý nhất? Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích giúp các bạn tiết kiệm chi phí và biết cách tiêu xài khôn ngoan.
Dẹp bỏ chữ “sĩ”
Trong khoản tiền sinh hoạt phí, tiền nhà được ví von giống “hàm cá mập” ngốn nhiều nhất, đặc biệt đối với DHS đi học theo dạng tự túc.
Để tiết kiệm khoản này, các DHS thường rủ nhau mướn chung phòng/nhà, không chỉ vơi bớt gánh nặng tiền nhà mà các bạn còn có thể đỡ đần cùng nhau lúc “tắt lửa, tối đèn”.
Nhưng chẳng phải lúc nào cũng có thể tìm được người “hợp ý”, hoặc người cùng gốc Việt với nhau, do vậy, cách tốt nhất giúp những “ý tưởng lớn” gặp nhau là các bạn hãy đăng tải thông tin cần lên các trang web, diễn đàn của Hội Sinh viên Việt Nam nơi mình đang du học.
- Xem thêm: Có nên vay tiền cho con đi du học?
Đứng thứ hai trong danh sách “bắt buộc phải tiêu” là tiền ăn. Ăn sao ngon – bổ – rẻ mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe phục vụ “sự nghiệp học hành” quả là câu hỏi khó đối với hầu hết DHS khi ở Việt Nam chưa hề “xuống bếp”.
Bạn Võ Thành Nhân, DHS Mỹ khuyên “nên học nấu ăn. Ăn ở nhà đỡ ngán và tiết kiệm tiền nhiều so với ăn ở tiệm. Kỹ năng nấu ăn sẽ đi theo mình suốt cuộc đời.
Phạm Minh Hương, cũng là DHS Mỹ nói: Ăn một mình tốn kém nhiều, do vậy nên ăn với “nhiều mình” vừa vui, vừa rẻ.
Nhóm của Hương chia nhau ra mỗi ngày một người làm đầu bếp “you can cook”, vừa tiết kiệm thời gian, chi tiêu, vừa thưởng thức văn hóa ẩm thực ở nhiều nước.
Trần Nguyễn Trường Sinh, DHS Phần Lan “bật mí”: Đi chợ vào những đợt siêu thị giảm giá rau thịt, mua về để dành trong tủ lạnh ăn dần sẽ ít tốn hơn việc mua lắt nhắt.
Ngoài ra, nên hạn chế ăn gia vị, rau quả tươi, đồ ăn VN vì ở nước ngoài những nguyên liệu cho các món này sẽ tương đối mắc.
Học ở nước ngoài chủ yếu là tự học nên sách vở và tài liệu là nguồn không thể thiếu. Ở đây cũng không có chuyện “sao y bản chính” vô tội vạ như ở Việt Nam nên nhiều khi các DHS phải “bấm bụng” mua những cuốn sách khá đắt.
Nhiều cửa hàng sách ở trường ĐH bán sách đã qua sử dụng với giá thấp hơn hoặc nhận bán giùm sách của bạn vào cuối kỳ, giúp bạn thu lại một phần tiền.
Theo Minh Thắng, DHS Mỹ, việc mua sách đã qua sử dụng tiết kiệm được rất nhiều tiền, thậm chí Thắng còn đặt sách “second hand” từ Ấn Độ, giá chỉ có 6 USD, rẻ hơn rất nhiều so với giá sách mới 67 USD bán ở Mỹ.
“Tuy sách ở Ấn Độ cũ hơn, các chương hơi bị đảo ngược so với sách mới nhưng điều đó không thành vấn đề vì sách cùng một nội dung với sách bán ở Mỹ.
Vấn đề là bạn phải chịu khó “săn lùng” và “hô” trên các diễn đàn nhu cầu của mình để nhận được sự chia sẻ thông tin và hỗ trợ từ sinh viên quốc tế của nhiều nước.
“Đa số lớp của mình đều mua sách cũ từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả SV bản xứ cũng mua lại sách của những SV khóa trước hoặc lên mạng tìm sách điện tử”, Minh Thắng cho biết.
Đối với Quang Huy, Singapore, bạn đã có ý thức quản lý tài chính rất chặt chẽ ngay từ những ngày đầu tiên bước chân ra xứ người.
Cuối ngày, Huy chịu khó ghi lại từng khoản đã xài trong một ngày vào sổ tay. Nhưng, cuối tháng tổng kết lại, số tiền ghi chú chênh lệch với số tiền còn trong tài khoản.
Ngẫm nghĩ hoài, Huy mới phát hiện ra “thủ phạm” cũng chính là mình. Vì “cái tội” dậy trễ nên thay vì đón xe bus đến trường, Huy cứ leo lên taxi.
Ký túc xá không xa trường nhưng cứ đi hoài nhiều lần trong tháng cũng “góp gió thành bão” thổi lủng cái ví tiền của Huy.
Theo Quang Huy, DHS nên thường xuyên kiểm tra tài khoản ngân hàng bằng điện thoại, mạng internet hay máy rút tiền tự động sẽ tránh được sự chủ quan nghĩ rằng mình còn “khấm khá” trong khi có thể thực tế số dư trong tài khoản chẳng còn bao nhiêu.
Điều này còn giúp bạn không “vung tay quá trán” trước sự cám dỗ của một món hàng nào mình yêu thích.
Nếu như chỗ ở của bạn không xa trường, hãy đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi đi học. Bạn cũng nên mua vé tàu, xe theo năm sẽ rẻ hơn được rất nhiều.
“Sau những ngày học căng thẳng, nếu muốn thư giãn, các DHS hãy tận dụng tối đa các chương trình khuyến mại, khi muốn đi xem phim, tập gym, mua sắm…”, là lời khuyên của Thảo Nguyên, cựu DHS Anh. Ở vương quốc sương mù này có loại vé dành cho SV (student Standby tickets) với giá “rất phải chăng”.
Khéo co thì ấm
Tỷ giá ngoại tệ gia tăng kéo theo khoản “viện trợ” cho con cái du học nước ngoài cũng tăng theo đã khiến nhiều PHHS đau đầu.
Trung bình mỗi DHS ở Úc, Mỹ tốn mỗi tháng khoảng 1.000 USD sinh hoạt phí cho tiền phòng, tiền ăn, tiền sách, tiền đi lại, mua sắm, tiền bảo hiểm, các chi phí cá nhân khác… Mức này có thể “co” hay “giãn”, nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều lối sống cá nhân.
Theo Trung tâm Tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ (Education USA), ở những thành phố lớn, ở bang California hay tại vùng Đông Bắc có chi phí sinh hoạt cao nhất. Tuy nhiên, tại miền Nam, miền Trung Tây và các khu vực khác, sinh hoạt phí có thể thấp hơn.
Nhiều DHS đã đi làm thêm (nhiều nước như Anh, Mỹ, Úc… quy định thời gian DHS làm thêm tối đa 20 giờ/tuần) bằng nhiều việc, từ những công việc “chân tay” như giữ trẻ, chạy bàn, bán hàng, làm vườn, hái táo, hái nho… cho đến những việc “trí óc” như kế toán, làm việc ở phòng thí nghiệm, làm trợ giảng… để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Tìm việc trong khuôn viên của trường (campus) tương đối dễ dàng và hợp pháp hơn, như làm việc ở các cơ sở hoạt động kinh doanh trong khuôn viên của trường là nhà hàng, tiệm bán sách).
DHS cũng có thể làm việc ngoài khuôn viên của trường với điều kiện cơ sở này có hợp tác về mặt giáo dục với nhà trường.
Thông thường, DHS không thể nào làm việc cho một công ty ngoài khuôn viên của trường nếu công ty đó không cung cấp dịch vụ trực tiếp cho SV, ngoại trừ việc thực tập. Với khát khao kiếm một công việc làm thêm để tăng thu nhập, hầu như các DHS đi làm đều không sợ cực, ngại khó.
Tuy nhiên, các bạn đừng mải mê lao vào kiếm tiền mà quên mất nhiệm vụ chính là học hành. DHS cũng nên tránh những việc đòi hỏi “sức người” quá nhiều hay chiếm nhiều thời gian.
Điều này sẽ “hạ gục” sức khỏe của các DHS – vốn là cậu ấm, cô chiêu vốn không quen lao động nặng nhọc – trước khi làm việc học của các bạn sa sút. Các bạn nên tham khảo Văn phòng dịch vụ tư vấn nghề nghiệp ngay tại trường học của mình.
Các chuyên viên tư vấn tại đây sẽ cung cấp cho DHS nhiều thông tin và lời khuyên về việc làm, đào tạo và học nâng cao, những cơ hội sau khi tốt nghiệp, giấy phép làm việc và những cơ hội để lấy kinh nghiệm làm việc.