Đã từng có thời, nhiều phụ huynh có con du học cảm thấy không vui khi con mình phải làm thêm ngoài giờ học… Trong suy nghĩ của họ, chỉ những sinh viên nghèo trong nước mới phải chật vật làm thêm để trang trải, còn con mình xuất thân từ gia đình có điều kiện, lại được du học nước ngoài thì cứ tập trung vào việc học cho có kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, quan niệm này đã dần trở nên lỗi thời. Ngày nay, du học được nhìn nhận như là một cơ hội để trưởng thành, từ kiến thức cho đến các kỹ năng sống, nên việc đi làm thêm có đóng góp không nhỏ cho quá trình trưởng thành của các du học sinh. Nhiều người còn gọi việc đi làm thêm là “Lớp học được trả tiền”.
Làm thêm – kiếm tiền, kiếm kinh nghiệm sống
Có một thực tế là phần đông bạn trẻ có điều kiện du học đều xuất thân từ gia đình khá giả, ít phải lo toan, chật vật với cuộc sống và thường được bố mẹ tạo điều kiện để có thể tập trung vào chuyện học hành. Chưa phải được nuông chiều đến mức hư hỏng nhưng những “cậu ấm, cô chiêu” này khi ở nhà nhiều khi còn không phải tự chăm sóc bản thân mình, huống gì là đi làm thêm những công việc tay chân cần sự nhẫn nại. Vậy nên có những du học sinh mới đầu cũng e ngại và các bậc phụ huynh khó tránh khỏi tâm lý xót con. Tuy nhiên, đây là quá trình “thích nghi” mà nhiều khi cả các bậc cha mẹ cũng phải trải qua.
“Ban đầu khi cháu nói sẽ đi tìm công việc làm thêm vì các bạn chơi chung nhóm bạn nào cũng có ít nhất một việc làm thêm, tôi đã phản đối với lý do gia đình lo cho cháu khá đầy đủ, cháu cũng nên để thời gian cho việc học. Sau một hồi “tranh luận”, tôi mới đồng ý để cháu thử đi làm một thời gian. Cháu bảo nhận việc bán hàng trong một cửa hàng bán thức ăn nhanh, công việc an toàn, tử tế. Tuy nhiên, thời gian đầu tôi cũng lo và rất hay hỏi han cháu về công việc và việc học. Dần dần, tôi cũng quen và thấy việc cháu đi làm cũng là điều đáng khuyến khích.Bây giờ cháu cũng hay kể cho tôi nghe những tình huống đáng nhớ khi làm thêm, trong đó có những bài học khá bổ ích”. Đấy là chia sẻ của chị Ngọc Thủy, một phụ huynh có con đang du học tại Úc.
Đối với các du học sinh, khi quyết định làm thêm thì tài chính luôn là lý do đầu tiên. Một công việc làm thêm đôi khi có thể giúp các bạn chi trả tất cả chi phí sinh hoạt.Cảm giác không phải tiêu tốn quá nhiều tiền của cha mẹ phần nào giúp các bạn trẻ cảm thấy thoải mái và độc lập hơn. Khôi Minh, một du học sinh Pháp cho biết: “Cứ tính từ tiền Việt sang ngoại tệ, nhiều khi cũng “xót” giùm cho cha mẹ vì số tiền Việt không nhỏấy khi chuyển đổi sang ngoại tệ lại chẳng được bao nhiêu. Trong khi nếu đi làm thêm thì đồng tiền kiếm được là ngoại tệ, tương ứng với mức sống cao bên này, nên cảm thấy thỏa đáng”.
Lý do thứ hai cũng không kém phần quan trọng chính là cơ hội được va chạm với cuộc sống thực tế mà cuộc sống học đường không thể nào mang đến được. Môi trường làm việc tại các nước phát triển đa phần đều khá văn minh, nên khái niệm “va chạm” ở đây cũng chỉ trong phạm vi an toàn. Đây là cơ hội tốt để các bạn trẻ trau dồi ngôn ngữ và các kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp, giải quyết tình huống, làm việc nhóm…
Việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu
Song song đó, cũng có một thực trạng là nhiều du học sinh vì thấy lợi ích trước mắt của việc làm thêm mà cố tình làm “chui” quá số giờ làm thêm được phép. Số tiền có thể kiếm được từ việc làm thêm là không nhỏ, đặc biệt là với những bạn tháo vát, khéo léo. Trong trường hợp này, đa phần đều “giấu”, không nói cho phụ huynh biết vì làm chui nếu bị phát hiện sẽ phải lãnh chịu hệ quả. Thứ nhất, làm chui đồng nghĩa với phạm luật.Nếu bị phát hiện, du học sinh chắc chắn sẽ bị trục xuất về nước. Việc học dở dang chỉ vì những lý do như vậy thì thật đáng tiếc. Gần đây nhất chính là vụ24 du học sinh tại Nhật bị trục xuất về nước do bị phát hiện làm chui. Tuy không khỏi tiếc cho 24 thanh niên bị dang dở việc học, nhưng vẫn khó có thể biện hộ cho hành động “biết trước mà vẫn phạm” này. Phạm luật thì phải về nước, đó chính là rủi ro mà các sinh viên đi làm chui phải chuẩn bị tinh thần đối mặt. Chưa kể khi làm chui, du học sinh rất dễ bị bóc lột và trả lương thấp, vừa phải “bán” sức lao động một cách không xứng đáng, vừa tiếp tay cho những người chủ thiếu đạo đức.
Thứ hai, các du học sinh phải luôn nhớ việc học mới là mục đích chính.Tuy nhiên, khi đã vào guồng làm chui và kiếm được nhiều tiền, các bạn trẻ thường rất khó dừng lại. Đã có nhiều du học sinh chỉthu được những bài học nhớ đời khi đã muộn. Ngay cả các bậc phụ huynh khi mọi chuyện đã vỡ lở mới tiếc nuối vì sao không đặt câu hỏi khi con bỗng nhiên kiếm được quá nhiều tiền.Ngoài ra, mải mê với việc làm thêm đến mức không còn sức lực và thời gian để học, kết quả là cuối kỳ thi rớt gần hết.Lúc đó, số tiền kiếm được từ việc làm thêm chẳng đủ một phần chi phí đóng lại học phí.Trong trường hợp đi học bằng học bổng hoặc hỗ trợ của chính phủ, nguy cơ bị cắt hỗ trợ là rất cao.
Kết lại, làm thêm tuy là một việc rất đáng khuyến khích nhưng cũng vẫn phải có giới hạn và không thể được xem như là nguồn cung tài chính chủ yếu cho việc du học.Tuy thực tế cũng có những trường hợp du học sinh có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt của mình bằng việc làm thêm, nhưng cũng có rất nhiều rủi ro đi kèm.Chính vì vậy, các bậc phụ huynh và sinh viên vẫn phải lên một kế hoạch tài chính chi tiết, có thể bao gồm việc làm thêm nhưng chỉở trong một chừng mực nhất định. Và cuối cùng, việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu.
[note color=”#d9d7d0″]Quy định làm thêm với sinh viên tại một số quốc gia
• Mỹ: sinh viên được cho phép làm thêm tối đa 20 tiếng/tuần trong thời gian học và 40 tiếng/tuần trong kỳ nghỉ cho nhà trường và các tổ chức cung cấp dịch vụ của trường. Nếu muốn ra ngoài làm thêm, sinh viên phải xin phép Sở Di trú Mỹ và chỉ được làm những công việc liên quan đến ngành học hoặc đi thực tập.
• Anh: sinh viên chỉ được làm thêm nếu chính phủ có quy định cho phép các sinh viên học chuyên ngành của sinh viên được làm thêm, tối đa 10-20 tiếng/tuần trong thời gian học và 40 tiếng/tuần trong kỳ nghỉ.
• Canada: không giới hạn thời gian làm nếu làm cho nhà trường. Nếu muốn làm ở ngoài, sinh viên phải xin phép chính quyền địa phương và chỉ được làm tối đa 20 tiếng/tuần trong thời gian học và 40 tiếng/tuần trong kỳ nghỉ.
• Úc, New Zealand: tối đa 10-20 tiếng/tuần trong thời gian học và 40 tiếng/tuần trong kỳ nghỉ.
• Pháp: sinh viên có thể làm thêm 964 giờ/năm. Trong thời gian học, sinh viên chỉ có thể làm bán thời gian, còn trong kỳ nghỉ thì sinh viên có thể làm toàn thời gian mà không vượt quá số giờ cho phép.
• Đức: sinh viên có thể làm thêm 120 ngày mỗi năm nếu làm việc toàn thời gian và 240 ngày mỗi năm nếu làm việc bán thời gian.
[/note]Nhật Hà