Một trong những vấn đề khiến cho các phụ huynh và du học sinh đau đầu nhất chính là vấn đề chi tiêu và quản lý tài chính trong thời gian du học. Với nhiều bạn trẻ, trước giờ vẫn sống trong sự bảo bọc của gia đình, cần gì cũng được bố mẹ trang bị sẵn thì nay lại cần phải biết cách tự quản lý chi tiêu. Và với một khoản đầu tư tốn kém như việc du học, khi các yếu tố khác như học phí, bảo hiểm… là khoản chi cố định thì việc tiết kiệm chỉ có thể trông chờ vào việc quản lý chi tiêu hằng tháng. Vì vậy, làm sao để quản lý chi tiêu khoa học và hiệu quả khi du học chính là kỹ năng mà du học sinh nào cũng nên trang bị cho mình.
Dự trù trước một ngân sách cố định hằng tháng
Khi còn ở với gia đình, chuyện chi tiêu với các học sinh khá dễ dàng, thường chỉ cần “tự cân đối” một số khoản tiêu vặt. Tuy nhiên, du học có nghĩa là các học sinh sẽ phải sống độc lập, tự mình cân đối nhiều khoản chi tiêu khác nhau, lớn có nhỏ có. Đó là chưa kể đến tình huống khi sống ở một xã hội mới với mức sống và chi phí sinh hoạt hoàn toàn khác biệt, sự bối rối trong việc tìm cách cân bằng chi tiêu là khó tránh khỏi. Việc dự trù ngân sách chi tiêu chính là phương pháp đầu tiên cần được áp dụng. Bắt đầu bằng việc tính toán tổng số tiền có được trong tháng qua các nguồn khác nhau: tiền bố mẹ cho, tiền làm thêm, các khoản vay…, sau đó là các khoản cần phải chi tiêu theo thứ tựưu tiên. Những việc cần ưu tiên chắc chắn phải kể đến tiền thuê nhà, đi lại, ăn uống, mua sách vở… sau đó mới đến các khoản khác như mua sắm, giải trí… Và khi đã có kế hoạch chi tiêu cụ thể, cần cố gắng theo sát kế hoạch đó hết mức có thể. Những khoản chi chưa cần thiết nhưng được xếp vào dạng “mơước” nên được xếp hàng dần dần, mỗi tháng một món hoặc nếu cuối tháng tiết kiệm được một khoản thì có thể tự thưởng thêm cho mình.
Tận dụng các ứng dụng giúp quản lý chi tiêu
Nếu như trước đây, việc quản lý chi tiêu chỉ có thể được thực hiện thủ công trên một cuốn sổ thì nay mọi việc đã dễ dàng hơn với các ứng dụng quản lý chi tiêu trên di động. Được thiết kế thông minh để người dùng chỉ cần nhập những thông số cơ bản, ứng dụng đó giúp xây dựng hẳn một kế hoạch chi tiêu chi tiết có thể được cập nhật bất cứ nơi nào. Ngoài ra, những ứng dụng này còn có chức năng nhắc nhở khi đến hạn trả tiền để người sử dụng tránh được những khoản phạt oan uổng do đãng trí hay bận rộn.
Sử dụng các chương trình giảm giá cho sinh viên
Sinh viên thường nhận được nhiều ưu đãi khi sử dụng những dịch vụ khác nhau. Chính vì vậy, đừng quên ghi nhớ danh sách những cửa hàng, dịch vụ có ưu đãi dành cho sinh viên. Không những vậy, ở các nước phát triển, sinh viên có thể đăng ký làm thành viên của một số chương trình hỗ trợ giảm giá và nhận được một tấm thẻ để sử dụng cho nhiều dịch vụ khác nhau.
Tìm hiểu thật kỹ về “credit card”
Credit card (thẻ tín dụng, có thể xài cả khi tài khoản không còn tiền) là một loại hình chi trả hấp dẫn, đặc biệt là với du học sinh vừa được sống tự lập. Tuy nhiên trên thực tế, credit card lại là loại hình chi trả mà chỉ những người đã có kinh nghiệm và quản lý tốt chi tiêu của mình mới nên dùng. Đối với những sinh viên còn thiếu kinh nghiệm, lại thêm cảm giác chi tiêu bằng credit card quá dễ dàng, các bạn rất dễ rơi vào những trường hợp bị nợ và lãi suất tăng cao. Chính vì vậy, trước khi quyết định sử dụng credit card, sinh viên nên tìm hiểu kỹ thông tin, hoặc dễ dàng hơn, chỉ nên sử dụng “debit card” (thẻ ghi nợ, chỉ sử dụng được khi tài khoản còn tiền) để “có bao nhiêu xài bấy nhiêu” nếu cảm thấy khả năng tự chủ của mình vẫn còn hạn chế.
Mua lại sách giáo khoa cũ
Sách giáo khoa là một trong những khoản chi lớn nhất của đời sinh viên. Tuy nhiên tin mừng là đa phần sách giáo khoa đều có thể được dùng lại. Điều đó có nghĩa là sinh viên hoàn toàn có thể tìm mua những cuốn sách cũ để có thể tiết kiệm chi phí. Sách giáo khoa cũ có thể được tìm mua trong chính cộng đồng sinh viên của trường, hoặc ngay các trang mua sắm online như Amazon hay Ebay cũng bán rất nhiều sách giáo khoa cũ. Còn nếu không, sinh viên có thể mượn sách từ nhà trường để giảm chi phí. Và điều hay ở sách giáo khoa chính là sau khi học xong, sinh viên vẫn có thể bán lại cuốn sách của mình cho một sinh viên khóa sau.
Không chỉ sách giáo khoa, nếu có thể, hãy cố gắng tìm mua những món đồ cũ vẫn còn tốt để dùng. Ở một thị trường tiêu dùng lớn như Mỹ, Anh, Úc hay các nước phát triển, các món đồ cũ còn tốt rất dễ tìm. Sự phát triển của các trang mua sắm qua mạng đã tạo điều kiện cho việc rao bán, tìm mua những món đồ cũ trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt là đối với những đồ dùng học tập, đều có thể mua đồ cũ, dùng cẩn thận và sau đó bán lại vào năm sau để tiết kiệm chi phí.
Bảo vệ thông tin cá nhân
Ở những nước phát triển nơi hệ thống thanh toán cá nhân qua tài khoản thịnh hành, đánh cắp thông tin cá nhân là một loại tội phạm phổ biến. Với nhiều du học sinh lần đầu tiên sử dụng hình thức thanh toán này, nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân là một trong những mối lo đáng quan tâm. Theo một nghiên cứu của Javelin Strategy and Research, lứa tuổi 18-24 là đối tượng dễ bị các kẻ cắp tấn công nhất. Và đối tượng này cũng thường mất cảnh giác nên thời gian phát hiện và báo cáo trung bình lên đến 132 ngày.
Để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, nên cảnh giác và đừng bao giờ đưa mật khẩu, các số thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, kể cả bạn bè. Các tài liệu chứa thông tin cá nhân nên được cất giữ cẩn thận. Thường xuyên kiểm tra tài khoản để phát hiện các khoản chi bất thường và khi phát hiện vấn đề phải ngay lập tức báo cáo và phong tỏa tài khoản.
Nhật Hà (DNSGCT)