Kiến trúc là một ngành thú vị, nhưng cũng đòi hỏi sinh viên phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng liên quan đến cả khoa học kỹ thuật lẫn nghệ thuật, thẩm mỹ. Chính vì vậy, để theo học ngành kiến trúc, dù ở trong nước hay du học, đều là thử thách với các bạn trẻ.
Những kỹ năng cần có
Sinh viên ngành kiến trúc cần thành thạo nhiều kỹ năng tùy thuộc theo chuyên ngành của mình, để có thể bao quát được nhiều yếu tố trong xây dựng. Kiến trúc cũng là một trong những ngành có thời gian học kéo dài nhất, kéo dài khoảng năm năm ở hầu hết các nước trên thế giới. Ngoài các kỹ năng chuyên môn cần thiết để có thể xây dựng, sắp đặt và trang trí một công trình, một kiến trúc sư phải thành thạo nhiều kỹ năng khác như lên kế hoạch, hoạch toán, đàm phán…
Các sinh viên học kiến trúc thường sẽ hoàn thành phần đầu chương trình học của mình sau 3-4 năm với bằng Cử nhân nghệ thuật (Bachelor of Arts) hoặc Cử nhân khoa học (Bachelor of Science). Ở Anh, để lấy bằng đại học, sinh viên thường phải vượt qua kỳ thi ARB/RIBA 1 trước khi có thể thi văn bằng 2 và 3 sau một thời gian học tập và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Sau khi hoàn thành các kỳ thi cần thiết, sinh viên sẽ chính thức được trao bằng Cử nhân kiến trúc (BArch) và được công nhận là một kiến trúc sư.
Ngọc Quân – du học sinh ngành kiến trúc tại Hà Lan chia sẻ: “Tôi đã có kế hoạch du học về ngành kiến trúc từ những năm đầu trung học. Khác với Việt Nam, nhiều trường ở nước ngoài không yêu cầu sinh viên phải vượt qua các kỳ thi vẽ nhưng lại yêu cầu sinh viên nộp một bộ portfolio trong đó có những tác phẩm thể hiện năng khiếu và sự đầu tư, tìm tòi về ngành kiến trúc. Dù vậy, tôi vẫn quyết định học vẽ như các bạn khác ôn thi vào đại học tại Việt Nam vì nghĩ rằng đây cũng là một kỹ năng quan trọng cần được trau dồi, càng thành thục thì càng tốt”.
Các chuyên ngành kiến trúc
Chương trình học kiến trúc thường sẽ bắt đầu với các môn đại cương cần thiết để trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng nhất về việc xây dựng, kết cấu, lịch sử kiến trúc cũng như các xu hướng thiết kế hiện đại. Chương trình đại cương còn bao gồm các kỹ năng nghiên cứu, các vấn đề liên quan đến luật và quy định của ngành, các thảo luận về chủ đề môi trường và phát triển bền vững cùng các kỹ năng liên quan đến toán.
Từ năm thứ hai trở đi, sinh viên sẽ được tập trung hơn vào chuyên ngành mà mình đã chọn. Mỗi một trường, mỗi một nước sẽ có sự khác nhau trong chương trình học nhưng đa phần đều bao gồm các chuyên ngành sau:
Công nghệ kiến trúc
Chuyên ngành này kết hợp các yếu tố sáng tạo và nghệ thuật với công nghệ kỹ thuật để có thể thực hiện các bản thiết kế. Sinh viên chọn chuyên ngành công nghệ kiến trúc sẽ phải thành thạo về công nghệ thông tin và có khả năng làm việc với nhiều phần mềm khác nhau bao gồm các phần mềm vẽ 3D. Sinh viên sẽ được học cách áp dụng các nguyên tắc khoa học cũng như kiến thức thực tế để có thể hiểu được các yêu cầu, cũng như thử thách phải vượt qua được để thực hiện một bản thiết kế, từ đó áp dụng những công nghệ, vật liệu phù hợp để có thể đưa công trình từ bản vẽ thành hiện thực. Sinh viên cũng cần phải có khả năng vẽ tốt, khả năng giải quyết tình huống cũng như sự cẩn thận, chú ý đến từng chi tiết.
Kỹ thuật kiến trúc
Đây là một chuyên ngành đòi hỏi sinh viên phải nắm vững kiến thức về kỹ thuật, toán học, kết cấu và ít tập trung hơn về các yếu tố thiết kế, nghệ thuật. Sinh viên theo học chuyên ngành này sẽ phải nắm vững các kỹ năng liên quan đến các thiết kế về công năng như hệ thống đèn, đối lưu không khí, hệ thống máy lạnh hay sưởi ấm. Gần với ngành xây dựng, kỹ thuật kiến trúc tập trung nhiều hơn về công năng của công trình thay vì các yếu tố liên quan đến thẩm mỹ.
Thiết kế kiến trúc
Chuyên ngành này tập trung vào khía cạnh sáng tạo và thẩm mỹ của công trình. Chính vì vậy, sinh viên cần phải có khả năng vẽ tốt và sáng tạo. Ngoài ra, sinh viên cũng sẽ được học các môn giúp phát triển các kỹ năng liên quan đến kỹ thuật, tập trung nhiều vào khía cạnh thiết kế và xây dựng các công trình phục vụ cho nhu cầu sinh sống và làm việc của con người. Nội dung học của ngành thiết kế kiến trúc đa phần được giảng dạy trong môi trường studio – nơi sinh viên có thể trau dồi khả năng nghiên cứu và sáng tạo với những dự án được thực hiện xuyên suốt chương trình học.
Lịch sử kiến trúc
Đây có thể được xem là chuyên ngành nặng về lý thuyết và ít thực tiễn nhất trong tất cả các chuyên ngành kiến trúc. Sinh viên sẽ có cơ hội nghiên cứu sâu về lịch sử kiến trúc cũng như các tác nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của kiến trúc xuyên suốt lịch sử trên khắp thế giới. Ngành học bao gồm các chủ đề liên quan đến lịch sử, xã hội, chính trị xung quanh các công trình kiến trúc.
Thiết kế nội thất
Sinh viên theo học ngành thiết kế nội thất sẽ tập trung hơn vào các khía cạnh liên quan đến trang trí và tạo dựng không gian nội thất, chú trọng đến các yếu tố trang trí để thỏa mãn thị giác người sử dụng. Sinh viên sẽ học cách áp dụng màu sắc, chất liệu, ánh sáng, hình và khối vào trong trang trí. Đây là ngành học ít có nội dung liên quan đến toán, kết cấu mà tập trung nhiều vào khía cạnh sáng tạo.
Kiến trúc cảnh quan
Là ngành học chú trọng đến môi trường và các yếu tố sắp đặt, trang trí không gian và khu vực ngoài trời. Chuyên ngành này tập trung nhiều vào các yếu tố như môi trường và phát triển bền vững, cũng như các môn học liên quan đến quy hoạch cảnh quan. Sinh viên sẽ học về các chủ đề liên quan đến xã hội, sinh thái và tính chất địa lý của cảnh quan thiên nhiên hiện hữu, cũng như học về các kỹ thuật thiết kế, xây dựng cảnh quan.
Quy hoạch đô thị
Sinh viên sẽ được học về các kỹ thuật sắp đặt, quy hoạch môi trường và khu vực sinh sống. Thay vì chú trọng vào việc xây dựng từng công trình, ngành quy hoạch đô thị chịu trách nhiệm về mặt sắp xếp, phân bổ các công trình sao cho phù hợp và tạo thành một khu đô thị hợp lý với các nhu cầu sinh sống của người sử dụng. Quy hoạch đô thị được xem là cầu nối giữa ngành kiến trúc và quy hoạch, với chương trình học bao quát nội dung về thiết kế, quy hoạch, nghiên cứu cộng đồng…
Nhật Hà (DNSGCT)