Một số sinh viên có ý định du học ở Đức thường cân nhắc giữa học đại học và học nghề có lương. Bức thư sau đây của một cựu du học sinh từng là sinh viên của Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, sang Đức du học hơn mười năm trước, gởi Văn phòng Luật Kanzlei Relide – Đức sẽ cho các bạn sinh viên những kinh nghiệm quý, nhằm giúp các bạn chuẩn bị kỹ càng hơn trước khi bước đi trên con đường sang Đức để vào đại học hay học nghề.
Ngày tôi sang Đức, tất cả tài sản mà tôi có là số tiền 7.000 euro trong tài khoản và 500 euro bố mẹ tôi vay cho con. Số tiền này chỉ giúp tôi “cầm cự” trong vòng sáu, bảy tháng vì chi phí ở đây khá đắt đỏ, mỗi tháng, chi phí tiền nhà: 150 euro, tiền bảo hiểm: 50 euro, tiền học tiếng Đức khoảng 200 euro. Vì thế, tôi xác định việc đầu tiên là phải xin đi làm thêm bằng mọi giá. Nhưng một sinh viên mới sang, chưa rành tiếng Đức nên rất khó kiếm việc. Việc duy nhất tôi có thể làm lúc đó là đi phát tờ rơi với mức lương là 10 euro cho 1.000 tờ rơi, nhưng phải đi bộ 6 giờ đồng hồ liên tục với balô nặng trĩu. Nếu làm tốt công việc này, bạn có một quan hệ nhất định với chủ quán có thể được học phụ bếp, thái rau, rửa bát… Sau đó, nếu bạn học tiếng Đức khá hơn một chút thì khi thiếu người, sẽ có cơ hội trở thành phục vụ quán ăn với mức lương khi đó khoảng 40-50 euro cho một ngày làm việc 12 giờ.
- Xem thêm: Lưu ý về học nghề có lương ở Đức
Bên cạnh tôi cũng có nhiều bạn bè có điều kiện kinh tế tốt hơn, hoặc có học bổng thì không phải vừa học vừa làm như tôi, nhưng con số đó không nhiều. Còn với những người phải đi làm thêm, chúng tôi phải làm việc vất vả bảy ngày trong tuần mới mong có mức lương kha khá để trang trải chi phí. Chúng tôi cũng phải sống vô cùng tiết kiệm bằng cách mua đồ sắp hết hạn hoặc hàng giảm giá từ 30 – 50% vào sáng sớm ngày thứ Hai mỗi tuần, mua một lần và dùng cho cả tuần. Quần áo và các nhu yếu phẩm khác thì tôi thường mua đồ cũ trên mạng (trang Ebay.de) hoặc ra chợ đồ cũ (thành phố nào cũng có vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật).
Vì điều kiện sống khó khăn và việc làm thêm kéo dài trên dưới 10 giờ mỗi ngày nên việc một sinh viên Việt Nam phải mất từ 8-10 năm mới tốt nghiệp đại học là rất bình thường. Thực tế, tôi đã không thể hoàn thành chương trình Master tại Trường Đại học TU Berlin chuyên ngành Điện tử Viễn thông đúng thời hạn. Sau một thời gian lăn lộn đi làm kiếm sống từ việc giao đồ ăn đến tận nhà cho khách hàng, rửa bát phụ bếp… tôi quyết định xin đi học nghề đầu bếp sau đó đã tốt nghiệp và có bằng Chefkoch.
Theo tôi thấy, con số những người được “mời” ra khỏi trường hoặc chuyển sang học nghề đông hơn gấp bội. Thậm chí, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường khi đi xin việc tại nước Đức cũng rất khó khăn. Bạn cần xác định rằng để cạnh tranh với người bản xứ, bạn phải chứng minh được năng lực của mình cao hơn họ. Nếu không, bạn chỉ có thể kiếm việc ở những thành phố tỉnh lẻ, nơi nguồn nhân lực còn thiếu thốn.
So với việc học đại học, việc học nghề ở Đức có phần đơn giản hơn. Theo cách phân loại hệ thống đào tạo của Đức thì học nghề sẽ phù hợp với những người mà lực học ở mức trung bình hoặc thiên về thực hành. Khi học nghề thì lý thuyết và thực hành luôn song hành. Sau khi học lý thuyết bạn sẽ học thực hành ngay ở trong nhà máy, bệnh viện, nhà hàng… Một hợp đồng học nghề theo quy định của luật pháp Đức cũng là một hợp đồng lao động, nên phải chịu trách nhiệm và được hưởng đầy đủ quyền lợi như một người lao động bình thường. Bên cạnh đó học sinh vẫn phải tuân thủ theo những quy định về luật giáo dục dành cho học sinh.
Đối với những người đi học những nghề nước Đức cần chẳng hạn như chăm sóc người già, y tá, điện tử, điện lạnh, đường sắt, lái tàu, cơ khí… thì bạn có thể được tạo cơ hội vừa học vừa làm và việc xin được Visa dễ dàng hơn. Sau khi học nghề bạn vẫn có thể tiếp tục học những chương trình đào tạo nâng cao khác, để có thể tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình nếu bạn mong muốn. Cả hai trường hợp nêu trên, nếu xin được việc làm theo đúng nghề mình học thì có thể đặt đơn xin cư trú hợp pháp trên nước Đức. Sau đó có thể lấy chồng, cưới vợ và những người đó có thể ăn theo bạn để được phép sống hợp pháp trên nước Đức.
Cái lớn nhất mà các bạn học được khi sang Đức là khả năng sống độc lập, tự thân vận động. Cách sống và cách làm việc có nguyên tắc, tính kỷ luật cực cao của người Đức. Và trên hết đó là sự trung thực luôn được cả xã hội đề cao và tôn trọng. Mỗi người có một điều kiện hoàn cảnh kinh tế, mối quan hệ, khả năng tư duy, tính cách… khác nhau. Không thể so sánh người này với người khác, tôi chỉ đưa ra những thông tin về bản thân cũng như những người bạn sinh viên cùng thời với tôi để các bạn tự đánh giá so sánh cho chính bản thân mình. Mong là các bạn sẽ lựa chọn cho mình một quyết định đúng đắn.
Chuyển đổi hình thức cư trú từ du học sang học nghề
Nếu không đủ khả năng học đại học tại Đức, sinh viên có thể thực hiện chuyển đổi hình thức cư trú từ du học sang học nghề. Tuy nhiên, nhiều người cho biết họ đã tìm được nơi tuyển dụng học nghề nhưng lại không được sự đồng ý của Sở Ngoại kiều. Vậy quyết định của Sở Ngoại kiều phụ thuộc vào những yếu tố gì? Câu trả lời là họ muốn biết việc học hành, làm việc của bạn sẽ mang lại cái lợi gì cho nước Đức? Vì thế việc đầu tiên bạn cần phải tìm hiểu là nước Đức cần gì và xác định xem bản thân có những năng lực gì để đáp ứng. Sau đó, bạn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bao gồm: Hợp đồng học nghề, hợp đồng thuê nhà, giấy cho phép lao động của Bộ Lao động và tối thiểu là 4.000 euro trong tài khoản, mới có thể thuyết phục được Sở Ngoại kiều.
Lưu ý là thời gian để xin chuyển đổi cũng rất lâu, khoảng từ sáu đến tám tháng. Bạn cần phải có sự suy nghĩ cẩn trọng và quyết định nhanh chóng việc chuyển đổi này, đừng để Visa sắp hết hạn rồi mới lo đi làm. Việc bạn thuê luật sư giải quyết vấn đề này cho bạn giúp tăng khả năng xin chuyển đổi hình thức cư trú thành công. Dù có sử dụng dịch vụ của văn phòng luật sư, sinh viên cũng phải tham gia giải quyết trong nhiều khâu thì mới đạt được kết quả như mong muốn.
– Theo Luật sư Rechtsanwältin Julia Yen Vu (Văn phòng Luật Kanzlei Relide – Đức)