Mục đích quan trọng nhất của tiến trình cổ phần hóa là giúp các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đổi mới được quản trị, tăng tính tự chủ, linh hoạt trong hoạt động, đặc biệt là vấn đề công khai, minh bạch thông tin. Những cái tên như PVPower, Petrolimex, Vinamilk, PV Gas, Vietnam Airlines… là những điển hình hoạt động hiệu quả sau cổ phần hóa. Tuy nhiên, dù cổ phần hóa mang lại nhiều lợi ích nhưng tiến độ thực hiện vẫn rất chậm.
Thực tế, việc bàn giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) còn chậm. Đặc biệt giai đoạn 2016-2017, danh mục là 62 doanh nghiệp bàn giao nhưng thực tế chỉ bàn giao được 37 doanh nghiệp. Trong tám tháng đầu năm 2018, mới có bốn doanh nghiệp được bàn giao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên bao gồm cả công tác định giá, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược lẫn tư tưởng, quyết tâm của người đứng đầu đơn vị cổ phần hóa.
Về công tác định giá doanh nghiệp, nút thắt lớn nhất nằm ở khâu xác định giá trị đất đai của doanh nghiệp, vốn bắt nguồn từ bất cập trong quy định pháp luật về đất đai. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 đưa ra quy định doanh nghiệp có thể trả tiền một lần hoặc trả tiền hằng năm đối với đất thuê. Thuê đất trả tiền một lần là giá trị quyền sử dụng đất đã được tích lũy, nhưng nghị định quy định về cổ phần hóa DNNN hiện nay lại vẫn quy định đất thuê không đưa vào tính giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Điều này đúng với Luật Đất đai 2003, nhưng không đúng với Luật Đất đai 2013. Đây là một khoảng hở gây thất thoát rất lớn đối với tài sản là đất thuê trả tiền thuê đất một lần. Chính quy định này là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình định giá đất thực hiện cổ phần hóa DNNN suốt thời gian qua.
Về công tác tìm nhà đầu tư chiến lược, theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa, khoản ký quỹ mà nhà đầu tư chiến lược được yêu cầu thực hiện tăng từ 10% lên 20% tổng giá trị cổ phần đã đăng ký bị đánh giá là quá cao so với hầu hết các giao dịch M&A quốc tế. Ngoài ra, nếu có từ hai nhà đầu tư chiến lược trở lên đăng ký mua số lượng cổ phần lớn hơn số lượng được đề xuất bán cho nhà đầu tư chiến lược trong kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt, thì việc bán cổ phần sẽ được thực hiện thông qua đấu giá trên sở giao dịch chứng khoán. Điều này sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư chiến lược trong việc đàm phán các quyền lợi và sẽ không có quy trình thẩm định, gây cản trở các nhà đầu tư tiềm năng khi họ xem xét tham gia vào quy trình đấu giá. Cũng theo Nghị định 126/2017, chỉ có doanh nghiệp mà Nhà nước tiếp tục nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ (sau cổ phần hóa) mới được quyền chào bán cổ phiếu của mình cho các nhà đầu tư chiến lược và ít nhất 20% số cổ phần trong một doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa phải được bán thông qua hình thức công khai. Một nhà đầu tư chiến lược cũng không được nắm giữ hơn 30%. Tỷ lệ cổ phần này còn thấp nên khó thu hút nhà đầu tư chiến lược vì đa phần họ đều mong muốn có được quyền cổ đông đa số. Thêm vào đó, Nghị định 126/2017 cũng dường như loại trừ khả năng đầu tư của các nhà đầu tư tài chính khi đặt ra yêu cầu nhà đầu tư chiến lược phải có lợi nhuận trong ít nhất hai năm và phải có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp…
Về ý chí của người điều hành, nguyên nhân lớn nhất của sự chậm chạp cổ phần hóa hiện nay chính là sự e ngại của người đứng đầu doanh nghiệp. Họ lo ngại về tổ chức doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa sẽ phải tiến hành quản lý công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, sự quyết tâm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vẫn chưa cao. Vẫn còn sự luyến tiếc về đơn vị mà mình đã quản lý dẫn đến một số cơ quan ngại bàn giao. Muốn giải bài toán cổ phần hóa hiện nay thì việc đầu tiên là phải thay đổi nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp. Sau đó cần tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát lẫn chế tài đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đứng đầu doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp đã đăng ký cổ phần hóa năm 2017-2018 mà không làm được thì cần mạnh dạn chuyển về SCIC.