Rạch Xuyên Tâm dài khoảng 8,2km, từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (quận Bình Thạnh) đến sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp). Đây là trục thoát nước chính của nhiều khu vực dân cư quận Bình Thạnh, Gò Vấp nhưng bị ô nhiễm và lấn chiếm, thời gian qua đã được xử lý nhiều lần nhưng không triệt để nên ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan thành phố. Đã 13 năm kể từ khi lần đầu tiên Sở Giao thông – Vận tải TP. Hồ Chí Minh đề xuất dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm gồm tuyến chính dài 6,21km có lý trình từ kênh Nhiêu Lộc đến sông Vàm Thuật và ba tuyến nhánh dài 1,94km gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi, nhưng do chưa đảm bảo kinh phí và thống nhất được về vấn đề đền bù, giải tỏa nên chưa thực hiện được. Mãi đến năm 2015, dự án này được Sở Giao thông – Vận tải TP. Hồ Chí Minh tiếp tục trình lên UBND TP. Hồ Chí Minh sau khi đưa ra phương án khả thi và lộ trình cụ thể để thực hiện. Ông Nguyễn Hữu Tín – Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về dự án này.
Theo Sở Giao thông – Vận tải TP. Hồ Chí Minh, trong chương trình xử lý ô nhiễm tại các dòng kênh chính khu vực nội thành và chương trình chống ngập trong năm năm tới của thành phố có dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm, gồm các hạng mục chính như nạo vét cải tạo rạch, xây dựng đường ven kênh trên hệ thống cống hộp để tăng khả năng tiêu, thoát nước cho khu vực… Bên cạnh dự án nạo vét, cải tạo môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cũng đã trình UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, phê duyệt đề xuất dự án phát triển cơ sở hạ tầng vận tải và đô thị thông minh tại khu vực rạch Xuyên Tâm. Phương án xây dựng khả thi được các cơ quan đề cập đến là theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BT gồm xây dựng, chuyển giao), trong đó có sử dụng nguồn vốn vay đáng kể của Nhật Bản.
Được biết, tổng mức đầu tư dự kiến theo đề xuất của Công ty cổ phần Hà Nội Ngàn Năm – đơn vị hợp tác thực hiện dự án là hơn 5.100 tỉ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 1.100 tỉ đồng. Theo thống kê, khi thực hiện dự án sẽ có khoảng 1.600 hộ dân bịảnh hưởng, và để bố trí chỗở cho những hộ dân bị giải tỏa, nhà đầu tư sẽ tiến hành xây dựng khu tái định cư, đồng thời khai thác quỹ đất hai bên rạch để kinh doanh thu hồi vốn. Về phía đối tác Nhật Bản, vào cuối tháng 6-2015, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã chính thức lên tiếng bằng văn bản qua thư gửi UBND TP. Hồ Chí Minh rằng dự án nạo vét rạch Xuyên Tâm, cải tạo môi trường, phát triển hạ tầng vận tải và phát triển đô thị thông minh có mục tiêu phù hợp với JICA về đầu tư dự án PPP (cải tạo môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng…) nên JICA sẵn sàng tham gia. Theo đó, JICA có thể đầu tư đến 70% (hơn 3.500 tỉ đồng) tổng kinh phí dự án, với điều kiện có ít nhất một nhà đầu tư Nhật Bản tham gia thực hiện dự án. Nếu chấp nhận điều kiện trên, văn phòng JICA tại Việt Nam sẽ thảo luận thêm về chi tiết dự án.
Trước mong muốn hợp tác của JICA, Công ty cổ phần Hà Nội Ngàn Năm kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh để đơn vị này tiếp tục lập báo cáo nghiên cứu dự án theo hình thức đối tác công tư PPP – phương án được đánh giá là khả thi nhất trong hoàn cảnh thực tế hiện nay. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định rằng dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm là dự án có quy mô lớn, việc JICA quan tâm và mong muốn hỗ trợ thực hiện dự án sẽ tăng tính khả thi về mặt tài chính cho dự án. Do đó, việc tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi này là cần thiết trong tình hình ngân sách thành phố còn nhiều hạn chế, cần tiến hành sớm để kịp tiến độ triển khai dự án. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai trong năm 2015 và hoàn thành vào năm 2022.
Thuận An (DNSGCT)