Chỉ diễn ra trong ba ngày nhưng Triển lãm Nghệ thuật đương đại Việt Nam Filters (*) vào cuối tháng 10 vừa qua đã để lại những dư âm mà gần như không triển lãm mỹ thuật nào có được, đặc biệt là những bình luận trên mạng xã hội Facebook, điều hiếm thấy trong sinh hoạt tạo hình hiện nay.
Triển lãm Filters có nhiều cái nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Là triển lãm đầu tiên có bán vé vào cửa với giá không rẻ. Là triển lãm có tác phẩm kích thước lớn nhất. Là triển lãm được đầu tư công phu nhất với nhà tổ chức mới nhất. Là triển lãm được tổ chức trong không gian rộng lớn nhất… Nên dễ hiểu khi nhiều người đến với triển lãm không khỏi choáng ngợp trước quy mô cũng như với cách làm mới và tính nghiêm túc của nó. Ngay cả trong giới hoạt động mỹ thuật, triển lãm cũng đã đem lại nhiều ngẫm ngợi. Trên Facebook của mình, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình viết: “Không khó để nhận ra UrbanArt đã tiến hành một hoạt động không chỉ đơn thuần là triển lãm, mà từng bước tìm hiểu và xây dựng một hướng đi cho thị trường thứ cấp của nghệ thuật tạo hình…”. Theo anh, “các phòng tranh, gallery trong nước, trước giờ chỉ hoạt động dưới dạng sơ cấp, nghĩa là: lấy tranh hoặc nhận tranh ký gửi về bán, đối tượng của họ là người thích mua một bức tranh về treo, nhiều khi không cần biết rõ lắm về tác giả và tác phẩm”. Gallery vì vậy “đứng ở vị trí thụ động, thỉnh thoảng có tổ chức triển lãm cho họa sĩ ở nước ngoài cũng chỉ mang tính chất “mang hàng đến tận tay người tiêu dùng”. Còn ở thị trường “thứ cấp”, đối tượng của gallery là “những người nhìn nhận tác phẩm của các họa sĩ không chỉ là nghệ thuật mà còn là tài sản – có thể dùng để trao đổi, chuyển nhượng – người bán trong thị trường này đóng vai trò chủ động, định hướng cho người mua, bằng sự hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật, về tác giả và về thị trường. Và cuối cùng là thị trường “cao cấp” của các nhà đấu giá! Thị trường đìu hiu không có nghĩa là các nghệ sĩ kém. Ngược lại, các nghệ sĩ Việt Nam vẫn rất oách! Đến xem đi thì thấy…”.
Quả thật Filters cho thấy ba nghệ sĩ tạo hình là Bùi Hải Sơn, Nguyễn Quang Vinh, Lê Kinh Tài rất “oách”. Chưa bao giờ tranh và tượng có được một vị trí trang trọng như thế bởi các gallery hay phòng trưng bày thường có mặt bằng khiêm tốn, chỉ cần treo một bức tranh của Nguyễn Quang Vinh hay Lê Kinh Tài, đặt một tác phẩm điêu khắc của Bùi Hải Sơn cũng không đủ chỗ, chưa nói đến bố trí ánh sáng và nhiều chi tiết khác để tôn vinh tác phẩm. Khách thưởng ngoạn còn được xem những clip giới thiệu quá trình sáng tác của ba tác giả, được thực hiện tại xưởng vẽ hay ngoài trời, tất cả được thực hiện thật chuyên nghiệp. Đáng chú ý nhất là clip được quay tại An Giang, quê hương của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, cho thấy anh làm việc cẩn trọng ra sao với những tác phẩm khổ rất lớn bằng gỗ, đồng và thép không rỉ. Có thể nói, điêu khắc của Bùi Hải Sơn qua triển lãm này hoàn toàn đã mang một tầm vóc khác hẳn với những gì anh đã trưng bày lâu nay.
Nhà thơ – nghệ sĩ thị giác Ly Hoàng Ly cho biết nếu cô “không đứng cạnh tranh thì không thể hình dung được kích thước của tranh nếu chỉ xem qua hình”; “một triển lãm nghệ thuật thật đẹp, thú vị, hoành tráng, được tổ chức rất chuyên nghiệp” và “nể phục sức làm việc của ba tác giả trong triển lãm Filters”. Một họa sĩ khác thì chia sẻ: “vừa đi xem một cuộc triển lãm mỹ thuật, phải nói là rất phá cách về mặt tổ chức. Ngoài quy mô bề thế gần như “trong mơ” về không gian trưng bày cho một cuộc chơi mỹ thuật” thì việc triển lãm bán vé vào xem đã “thách thức lòng kiêu hãnh cùng nỗi đam mê của người xem”, tuy nhiên “theo chia sẻ từ những người trong cuộc” thì tiền bán vé chẳng thấm vào đâu so với kinh phí đầu tư cho toàn bộ việc tổ chức triển lãm này, cái chính là ban tổ chức và các nghệ sĩ sáng tác muốn được dịp tìm kiếm người xem – công chúng đích thực của mình, điều vốn dĩ tưởng chừng hiển nhiên nhưng có khi chỉ là mộng tưởng huyễn hoặc ở hầu hết các phòng tranh đã từng triển lãm nơi xứ Việt từ bấy lâu nay”.
Chưa rõ sau triển lãm Filters, nhà tổ chức urbanArt sẽ còn tiếp tục gây chấn động ra sao với các triển lãm trong tương lai, nhưng đây là một sự kiện rất đáng nhớ, hy vọng sẽ gây cảm hứng tích cực cho sinh hoạt mỹ thuật tại Việt Nam.
(*) Triển lãm được tổ chức tại tầng 3 của Gem Center (8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) từ 27 đến 29-10-2015
- Ngã Văn