Trong năm 2018, mặc dù mua ròng khá lớn (chủ yếu qua thỏa thuận) nhưng dòng tiền khối ngoại không đầu tư trên diện rộng, mà tập trung vào một số cổ phiếu của doanh nghiệp có câu chuyện IPO, thoái vốn, bán vốn nhà nước.
Kể từ đầu năm 2018 đến nay, khối ngoại ở vị thế mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam hơn 38.000 tỉ đồng, tuy nhiên khối này chỉ mua ròng qua các giao dịch thỏa thuận lô lớn và mua qua đấu giá khi các doanh nghiệp IPO, còn trên sàn, thực chất họ lại bán ròng khá mạnh.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trái chiều trên là khả năng khối ngoại đã phải bán các cổ phiếu đang niêm yết để dành nguồn lực cho những thương vụ mới lên sàn.
Cụ thể, trong quý I-2018, ba đợt IPO lớn của các đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là BSR, POW và OIL đã giúp Nhà nước thu về 16.440 tỉ đồng. Đối với BSR và POW, 61% số cổ phần chào bán đã được khối ngoại mua còn tỷ lệ này ở OIL là 33%.
Sức hấp dẫn của các đợt đấu giá này được cho là đến từ vị thế đầu ngành trong lĩnh vực mà các doanh nghiệp hoạt động, mặt khác là định hướng thoái vốn nhà nước xuống dưới mức sở hữu chi phối (51%). Quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) do Vina Capital quản lý công bố đã chi gần 45 triệu USD để mua cổ phiếu BSR và POW.
Song song với hoạt động IPO tại các doanh nghiệp nhà nước, thị trường cũng ghi nhận giao dịch IPO tư nhân “khủng” như tại Ngân hàng Techcombank (TCB) hay của Công ty cổ phần Vinhomes (VHM).
Cụ thể, trong tháng 3 và 4-2018, Techcombank bán 172,4 triệu cổ phiếu quỹ, thu về hơn 16.870 tỉ đồng. Tại Vinhomes, một tháng trước niêm yết, công ty đã bán 153,4 triệu cổ phiếu VHM cho Quỹ GIC (Singapore), tương đương 5,74% vốn điều lệ. Một ngày sau khi niêm yết (17-5-2018), có 267,8 triệu cổ phiếu VHM được chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận, trong đó khối ngoại mua 248,9 triệu đơn vị, trị giá 28.548 tỉ đồng.
Đầu tháng 10-2018, Tập đoàn SK Group (Hàn Quốc) cũng đã chi 11.000 tỉ đồng để mua 110 triệu cổ phiếu quỹ của MSN, qua đó nắm giữ 9,45% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này. Và mới đây nhất là thương vụ thoái vốn tại VCG của SCIC và Viettel với tổng giá trị thu về là hơn 9.000 tỉ đồng. Tính chung, các thương vụ giao dịch IPO, bán vốn nhà nước và tư nhân từ đầu năm đã hút lượng vốn khoảng 100.000 tỉ đồng (tương đương hơn 4,3 tỉ USD).
Có thể thấy trong năm 2018, mặc dù mua ròng khá lớn (chủ yếu qua thỏa thuận) nhưng dòng tiền khối ngoại không đầu tư trên diện rộng, mà tập trung vào một số cổ phiếu của doanh nghiệp có câu chuyện IPO, thoái vốn, bán vốn nhà nước. Tính riêng bảy mã POW, BSR, OIL, TCB, VHM (không tính lô bán cổ phần cho GIC), YEG và MSN, giá trị mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài là gần 3 tỉ USD.
Theo quan sát, một số khoản đầu tư như SK Group mua cổ phiếu MSN, Nawaplastic mua cổ phiếu BMP do SCIC thoái vốn có thể là đến từ dòng vốn mới. Nhưng với các quỹ đầu tư, đặc biệt là nhóm quỹ đầu tư tài chính như VOF hay VEIL, thì để có tiền đầu tư vào TCB, VHM, POW…, một lượng tiền đáng kể đã được rút ra từ nguồn vốn đầu tư trên sàn chứng khoán.
Chẳng hạn, tại VEIL và VOF, với đặc thù là các quỹ đóng, ước tính các quỹ này đã phải bán giảm tỷ trọng nhiều cổ phiếu trong danh mục như MBB, HSG, VNM, GAS… để có tiền đầu tư vào VHM, TCB, BSR. Sau IPO, cả BSR, POW, OIL, VHM, hay TCB đều đã nhanh chóng niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, kỳ vọng dòng tiền đầu tư vào đây quay trở lại thị trường.
Tuy nhiên, diễn biến kém khả quan của thị trường cũng như thị giá các cổ phiếu khiến nhiều quỹ đầu tư rơi vào trạng thái “kẹt hàng”, khó khăn trong thu hồi vốn nhằm tái đầu tư (VHM giảm 16%, TCK giảm 40%, BSR giảm 36% so với giá IPO). Năm 2019, trong bối cảnh hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, một lượng tiền không nhỏ được dự báo sẽ chảy vào các thương vụ này để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Sự thu hút mạnh dòng tiền vào thị trường sơ cấp đang mang đến lo ngại về nguy cơ dòng tiền trên thị trường thứ cấp tiếp tục sụt giảm, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của điểm số và thanh khoản.