Nghị định 60 đã tạo ra hành lang pháp lý cho nhiều doanh nghiệp quyền quyết định việc có mở “room” lên 100% hay không, tuy nhiên việc hút được vốn ngoại hay nâng giá trị của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng hiện tại của doanh nghiệp.
Nhìn lại nghị định 60
Ngày 1-9-2015, Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm nhấn quan trọng của nghị định này là quy định không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều lệ công ty quy định khác đối với công ty đại chúng không hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc chưa có quy định cụ thể.
Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên hoàn tất nới room lên 100%. Lập tức, nhà đầu tư ngoại Daiwa Securities Group Inc đã liên tục tăng tỷ lệ sở hữu tại SSI, đồng thời Quỹ Market Vectors Vietnam ETF cũng thêm công ty này vào danh mục trong kỳ rà soát, cơ cấu sau đó, tạo nên đợt tăng giá tích cực cho thị giá cổ phiếu trên thị trường.
Tiếp sau SSI, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng tiến hành đại hội đồng cổ đông, trình thông qua các kế hoạch mở room như EVE, HCM, VNM, PAN… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chủ động xin rút bớt ngành nghề kinh doanh thuộc nhóm bị hạn chế, cơ cấu lại tổ chức hoạt động để đủ điều kiện mở room. Dù vậy, nhìn chung, tính đến đầu tháng 9-2018, trong hơn 740 doanh nghiệp niêm yết, mới có chưa đến 30 doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục nới room.
Đâu là nguyên nhân?
Có hai nguyên nhân chính khiến cho chưa tới 5% doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán nới “room ngoại” lên 100% kể từ khi ban hành nghị định 60/2015/NĐ-CP. Thứ nhất, quy định giới hạn sở hữu cho khối ngoại hiện nay chưa cho phép tất cả các ngành đều được nới “room” sở hữu cho khối ngoại lên 100%. Nhiều ngành vẫn duy trì ở mức thấp hơn 49%. Đây là rào cản khiến những doanh nghiệp dù muốn, cũng chưa thể thực hiện được. Bên cạnh đó, với nhiều doanh nghiệp khi thay đổi sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ dẫn đến việc phải loại bớt một số ngành nghề kinh doanh, điều này khiến doanh nghiệp phải lựa chọn, cân nhắc khi quyết định vấn đề về “room”.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp và cổ đông, việc mở room lên 100% trong khi bản thân doanh nghiệp làm ăn chưa hiệu quả, chưa có vị thế trong ngành cũng sẽ khó thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp khi không nhìn thấy tính khả thi của việc gọi vốn ngoại, họ không thực hiện việc xin nới room ngay.
Hiện số doanh nghiệp do nước ngoài sở hữu trên 50% đang niêm yết chưa phải quá lớn, chỉ khoảng dưới 10 doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, thời gian nâng sở hữu thực của nhà đầu tư nước ngoài lên trên 50% mới ở thời gian ngắn nên chưa thể có những đánh giá chính xác về ảnh hưởng của dòng vốn ngoại đến những doanh nghiệp nới “room”. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy một số ảnh hưởng thực tế như: tính minh bạch và hiệu quả của doanh nghiệp sẽ cải thiện dần theo thời gian; các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển mang tính toàn cầu hơn, tham gia mạnh hơn vào chuỗi sản xuất ở nhiều tập đoàn lớn.
Nhưng bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng phải đánh đổi, để đạt được việc mở room. Một số doanh nghiệp như SBT, DHG đã phải lên kế hoạch để bỏ một số ngành nghề như phân phối thuốc, đóng gói bao bì… để đảm bảo điều kiện được phép mở “room”. Ngay trong ngắn hạn, việc bỏ bớt các ngành nghề khiến kế hoạch lợi nhuận của các doanh nghiệp được đặt ở mức tăng trưởng thấp hơn thông lệ.
Về cơ bản, Nghị định 60 đã tạo ra hành lang pháp lý cho nhiều doanh nghiệp quyền quyết định việc có mở “room” lên 100% hay không, tuy nhiên việc hút được vốn ngoại hay nâng giá trị của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng hiện tại của doanh nghiệp, mức sở hữu một nhà đầu tư nước ngoài có thể đạt được, hay phụ thuộc chính vào chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp.
Trước hết, về mặt các quy định, cần có cách đối xử công bằng hơn giữa doanh nghiệp trong nước, và doanh nghiệp nước ngoài để hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không buộc phải thay đổi, xáo trộn quá nhiều sau khi nhà đầu tư nước ngoài nâng sở hữu lên trên 50%. Bên cạnh đó, mức sở hữu tối đa một nhà đầu tư nước ngoài đạt được khi mua lô lớn cũng là yếu tố quan trọng để thu hút sự quan tâm của các đối tác. Điều này có thể thấy được thông qua đợt thoái vốn SAB. Cùng với các yếu tố về chính sách, quan điểm khi thoái vốn, các doanh nghiệp cũng cần cải thiện tính minh bạch, tăng hiệu quả, từ đó mới thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược.