Dòng vốn ngoại đổ vào các công ty chứng khoán (CTCK) thời gian qua diễn ra theo hai xu hướng chính: mua cổ phiếu của các CTCK trên sàn và mua lại toàn bộ CTCK.
Hút vốn do không bị giới hạn về “room”
Chứng khoán không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do vậy việc sở hữu “room” của khối ngoại tại ngành này không bị giới hạn. “Room” cho khối ngoại được mở lên mức tối đa 100% miễn là có sự thông qua của đại hội cổ đông. Chính vì lý do này, nhiều CTCK đầu ngành với kết quả kinh doanh khả quan đã và đang thu hút được sự quan tâm lớn của khối ngoại.
Điển hình như SSI, tính đến hết phiên giao dịch ngày 12-11-2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty này là 57,7%. Còn tính từ đầu năm 2018 đến nay, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 25,6 triệu cổ phiếu SSI, tương ứng giá trị 939,2 tỉ đồng. Về tình hình kinh doanh, lũy kế chín tháng đầu năm 2018, SSI ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 2.794 tỉ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 1.355 tỉ đồng, tăng 38,4%. Với kết quả này, SSI đã hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và 84% kế hoạch lợi nhuận cả năm, qua đó tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thị phần môi giới quý III-2018 trên sàn HSX với 15,79% thị phần.
Ở vị trí thứ 2 trên bảng thị phần môi giới tại HSX là CTCK thành phố HCM (HCM) cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh ở hầu hết các mảng kinh doanh, từ tự doanh, môi giới đến tư vấn. Kết thúc ba quý đầu năm, tổng doanh thu hoạt động của HCM đạt 1.948 tỉ đồng, gấp 2,24 lần cùng kỳ 2017; lợi nhuận trước thuế tăng 64,4%, đạt 753,4 tỉ đồng; hoàn thành lần lượt 92,3% và 72,5% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra. Trên sàn giao dịch, cổ phiếu HCM được khối ngoại mua ròng đáng kể từ đầu năm với khoảng 5,3 triệu cổ phiếu. Tính đến hết phiên 12-11-2018, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại HCM đạt 61,98% tổng số cổ phiếu lưu hành.
Tại một số doanh nghiệp khác trong top các CTCK dẫn đầu về thị phần môi giới, xu hướng mua ròng nhìn chung vẫn chiếm ưu thế. Cổ phiếu VCI của CTCK Bản Việt được khối ngoại mua ròng hơn 3,6 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 276 tỉ đồng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện đạt 41,4%. Tại CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS), khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,1 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 163,3 tỉ đồng.
M&A các CTCK nhỏ
Trong khi các cổ phiếu chứng khoán đầu ngành nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, thì nhiều cổ phiếu chứng khoán nhỏ lại gần như bị lãng quên. Trên thực tế, dòng vốn ngoại đổ vào khối các CTCK thời gian qua theo hai xu hướng chính: một là mua cổ phiếu của các CTCK trên sàn, hai là mua lại toàn bộ CTCK. Đối tượng được nhắm đến trong xu hướng sau thường là các CTCK quy mô nhỏ, cơ cấu tài sản lành mạnh nhưng chưa hoạt động hiệu quả, điển hình như hai CTCK Đệ Nhất (FSC) và Maritime (MSI) gần đây.
Tháng 9-2017, FSC và MSI cùng tiến hành nâng room lên 100%. Ngay sau đó, KB Securities – công ty con của Tập đoàn KB Financial (Hàn Quốc) đã chi khoảng 33 triệu USD để mua gần 100% cổ phần của MSI và đổi tên thành công ty CP chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Với FSC, Tập đoàn tài chính Yuanta (Đài Loan) đã từng bước mua cổ phần và tiến đến nắm giữ 99,95% vốn tại FSC, sau đó đổi tên thành công ty CP chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Sau khi thâu tóm, quá trình tái cấu trúc tại các đơn vị này đã diễn ra mạnh mẽ. Tháng 9-2018, Yuanta Việt Nam đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỉ đồng. Đầu tháng 11-2018, KBSV đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn từ 300 tỉ đồng lên 1.680 tỉ đồng.
Với lợi thế có nguồn vốn rẻ, quy mô vốn lớn, thế mạnh từ công nghệ và quản trị, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các công ty mẹ là các tập đoàn tài chính lớn ở những thị trường phát triển, các CTCK ngoại được nhìn nhận sẽ là đối thủ đáng gờm với những CTCK nội đầu ngành hiện nay, đẩy cuộc chiến giành giữ thị phần, khách hàng ngày càng trở nên khốc liệt.