Phiến quân ủng hộ Nhà nước Hồi giáo (IS) trên đường phố Indonesia
Nhiều người dân theo đạo Hồi trong khu vực Đông Nam Á đang bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên truyền, chiêu mộ và huấn luyện, điều này đã gây một mối lo ngại cho các nước trong khu vực.
Tại nhiều nơi trên khắp Indonesia, những nhóm nhỏ người Hồi giáo tham gia chính trị đã “công khai cam kết lòng trung thành” với IS.
Một trong những người lên tiếng ủng hộ IS là Abu Bakar Bashir, người sáng lập nhóm khủng bố cực đoan Indonesia Jemaah Islamiyah (JI). Nhóm này từng là thủ phạm các vụ đánh bom chết người trong những năm 2000, trong đó có vụ đánh bom hộp đêm Bali năm 2002, Khách sạn Marriott năm 2003, Đại sứ quán Australia năm 2004, Bali lần hai năm 2005 và các khách sạn ở Jakarta năm 2009.
Sự thâm nhập của IS vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương không phải là điều bất ngờ. Số liệu thống kê của khu vực mang đến nỗi lo sợ về sự trỗi dậy của các chiến binh Hồi giáo. Gần 62% dân số Hồi giáo trên thế giới sống tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Indonesia là quốc gia có số người theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, với 209 triệu người, tương đương 87,2% dân số.
Jakarta ước tính có khoảng 60 công dân nước này đang chiến đấu cho IS, nhưng con số thực tế có thể cao hơn. Một trong những mục tiêu có nguy cơ bị tấn công là ngôi đền Borobudur ở Java, một điểm thu hút du lịch và là di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Một trang Facebook có liên quan đến IS vào tuần trước đã bày tỏ hy vọng rằng ngôi đền “sẽ bị chiến binh Hồi giáo phá hủy”, như Taliban từng tàn phá các tượng Phật Bamiyan ở Afghanistan vào tháng 3-2001.
Các chiến binh Hồi giáo dày dạn kinh nghiệm, từng chiến đấu ở Trung Đông, khi trở về nước sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh lớn với hậu quả nghiêm trọng. Theo Sri Yunanto, một cố vấn của Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia, những chiến binh này có thể “thắp lại mối đe dọa khủng bố trong nước bằng cách thiết lập liên kết với các nhóm jihad được tài trợ, trang bị vũ trang và tổ chức tốt ở Trung Đông”.
Philippines cũng phải đối mặt với mối đe dọa giống như Indonesia. Nếu các thành viên của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), một nhánh của Al-Qaeda đóng tại Philippines, đến Syria hay Iraq để chiến đấu và trở về nước, MILF có thể sẽ trỗi dậy. Mặc dù một thỏa thuận giữa chính phủ Philippines và MILF vào tháng 3-2014 đã kết thúc 45 năm xung đột giữa hai bên, tình hình hòa bình rất mong manh ở nước này. Những đội quân MILF và các nhóm chiến binh Hồi giáo vẫn là mối đe dọa thổi bùng lên những căng thẳng về tôn giáo và chia rẽ đất nước.
Điểm nóng khác trong khu vực là Malaysia. Cảnh sát cho biết đã bắt giữ 19 chiến binh được IS truyền cảm hứng, lên kế hoạch tấn công các quán rượu, vũ trường và nhà máy bia trong và xung quanh Kuala Lumpur. Bốn nhóm khủng bố Hồi giáo Sunni mới nổi tại đây tuyên bố đòi chủ quyền trên nhiều lục địa Đông Nam Á. Cảnh sát đã truy bắt thêm năm người đàn ông Malaysia chạy trốn sang Philippines, nơi họ được cho là lẩn trốn với phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf.
Tại Malaysia, việc tuyển dụng cho IS đang diễn ra qua mạng xã hội, bao gồm Facebook. Một nhà phân tích đã lấy ví dụ về Lotfi Ariffin, một thành viên của đảng Hồi giáo PAS cứng rắn ở Malaysia. Với tầm ảnh hưởng lớn trên mạng khi có đến gần 25.000 người theo dõi, Ariffin có thể tuyên truyền để những người dân theo đạo Hồi tham gia vào phong trào jihad.
Các nước trong khu vực đã tiến hành một số biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono mới đây tuyên bố IS là “nỗi nhục” của người Hồi giáo. Ông ra lệnh cấm việc viện trợ cho nhóm và yêu cầu cảnh sát tăng cường nỗ lực chống tuyên truyền cực đoan trên mạng. Lãnh đạo Malaysia Najib Razak đã lên án IS “mượn danh Hồi giáo để thực hiện tội ác”, trong khi chính phủ nước này tăng cường giám sát những người Malaysia xuất ngoại.
Australia thì thắt chặt giám sát hải quan và ban hành luật tăng cường theo dõi tình báo các mạng xã hội. Nước này yêu cầu các nhà cung cấp viễn thông phải lưu giữ dữ liệu điện thoại và internet trong vòng hai năm của các cá nhân để phát hiện đối tượng khủng bố.
Các nước cũng mở rộng con đường hợp tác để đương đầu với mối đe dọa. Indonesia và Australia hôm 28-8 ký kết thỏa thuận cho phép hai nước khôi phục và mở rộng chia sẻ thông tin tình báo.
T.K