Hay cũng từ những thông tin mà cuộc họp đưa ra, người dân mới có dịp kiểm chứng xem doanh nghiệp nhà nước có đúng là công cụ chủ yếu để điều tiết kinh tế vĩ mô như sự khẳng định của Chính phủ hay không. Nói tóm lại, người dân muốn biết khu vực này đang sử dụng nguồn lực của Nhà nước, mà thực chất là tiền thuế của dân, ra sao, hiệu quả thế nào. Thế nhưng, nhu cầu chính đáng này xem ra vẫn còn lâu mới thực hiện được.
Tại cuộc họp hôm 16-1 vừa qua, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tổng doanh thu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty năm 2012 đạt trên 1,621 triệu tỉ đồng, tuy chỉ bằng 92% so với kế hoạch năm, nhưng tăng 2% so với mức thực hiện năm 2011.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp đại diện các doanh nghiệp trong Hội nghị chính phủ với các tập đoàn kinh tế
Chưa hết, năm 2012, tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đạt 127.510 tỉ đồng, tổng nộp ngân sách đạt 294.000 tỉ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, giảm 12% so với năm 2011.
Đây là những con số nói lên thành tích của 19 tập đoàn và tổng công ty 91 trong năm 2012, tuy nhiên nó lại không đủ minh bạch, rõ ràng để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp này. Vì sao? Đơn cử một con số thôi, đó là chỉ tiêu nộp ngân sách 294.000 tỉ đồng. Thực ra mấy ai biết được trong chỉ tiêu này gồm có những gì.
Theo diễn giải của một vị lãnh đạo ngành thuế, các khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp nhà nước gồm có thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… Trong số này, chỉ có thuế TNDN phản ánh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, còn lại là những loại thuế gián thu (như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt), tức là người tiêu dùng phải trả, doanh nghiệp chỉ là người thu hộ. Tuy nhiên, nếu gộp chung vào một chỉ tiêu là nộp ngân sách thì nó lại trở thành thành tích của doanh nghiệp.
Quả thực nếu đối chiếu với những số liệu của ngành thuế công bố hôm tổng kết năm 2012, diễn ra sau cuộc họp nói trên, người dân có thể thấy rõ hơn đằng sau con số nộp ngân sách này là gì.
Theo Tổng cục Thuế, nguồn tăng thu ngân sách năm 2012 (vượt 4% so với dự toán) chủ yếu đến từ thuế tài nguyên, như dầu khí tăng 53.100 tỉ đồng, thu từ sử dụng đất tăng 8.000 tỉ đồng. Trong khi đó thu từ sản xuất kinh doanh giảm 34.000 tỉ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu giảm 26.000 tỉ đồng. Riêng với khu vực DNNN năm 2012, ngành thuế chỉ thu được hơn 144.000 tỉ đồng, hụt hơn 11.000 tỉ đồng so với kế hoạch.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng: “Thu tài nguyên khoáng sản, đất đai là thu vào đời sau, vào tương lai chứ không phải tích lũy từ bản thân nền kinh tế. Nó thể hiện sự khó khăn, thách thức và có nhiều yếu tố thiếu bền vững về nguồn thu”.
Đúng vậy, nếu tách bạch hơn nữa các con số thì sẽ thấy tính bền vững của nguồn thu ngân sách, hay ở một góc nhìn khác là hiệu quả của các tập đoàn, không như những thành tích được báo cáo.
Chẳng hạn, trong số 294.000 tỉ đồng nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty, Tập đoàn Dầu khí đã đóng góp đến 58% và một phần cũng nhờ giá dầu thô tăng. Vậy các tập đoàn, tổng công ty còn lại đã “ăn theo” khá lớn vào thành tích nộp ngân sách chung.