Phát biểu tại Ngày hội tiếp thị (Festival of Marketing) diễn ra tại London vào tháng 10-2017, bà Sophie Blum – Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị khu vực châu Âu, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi của Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) cho biết một trong những thách thức lớn nhất của tập đoàn này là tạo dựng đội ngũ nhân sự tiếp thị tài năng để sẵn sàng cho tương lai.
Và theo bà, lĩnh vực tiếp thị sẽ cần những người lãnh đạo vừa có thể hiểu thuật toán, vừa biết cảm thông với mọi người. Đây cũng là chuẩn tuyển dụng mới của một trong những tập đoàn toàn cầu chi tiêu nhiều nhất cho tiếp thị quảng cáo.
Người khổng lồ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh cho biết tập đoàn này tiếp cận 5 tỉ người tiêu dùng mỗi ngày và xác định tầm nhìn của họ là “xây dựng những thương hiệu có thể đáp ứng hơn cả mong đợi của người tiêu dùng thông qua các kênh kỹ thuật số”. Để làm được điều này, P&G sẽ dựa vào “dữ liệu lớn” (big data) để quyết định xem người tiêu dùng thực sự muốn gì.
Các nhà tiếp thị của họ gọi chiến lược này là “cá nhân hóa theo số đông” và thương hiệu Pampers là một ví dụ. Giây phút mà người mẹ tương lai tìm kiếm các thông tin liên quan đến việc mang thai trên Google cũng là lúc P&G nhận được tín hiệu rằng có một người mẹ đang bắt đầu cuộc hành trình và sẽ dõi theo họ. Từ quý thứ ba của thai kỳ và sau khi sinh, Pampers sẽ dành cho người mẹ những lời khuyên phù hợp về tã lót.
Bà Sophie Blum “kêu gọi” những người trẻ trong ngành tiếp thị ngày nay cần đón nhận một bộ kỹ năng đa dạng. “Gánh nặng trên vai các nhà tiếp thị chưa bao giờ to lớn như thế; chúng tôi không chỉ phải thay đổi hành vi, thay đổi cuộc đối thoại với khách hàng mà còn phải là một nguồn lực cho sự phát triển tốt đẹp. Đó là vai trò và trách nhiệm của những thương hiệu lớn”.
Ngành tiếp thị đang phải liên tục thích nghi với một bối cảnh thay đổi quá nhanh, với sự hội tụ giữa tiếp thị với bán hàng và công nghệ. Lấy ví dụ ở thị trường châu Á, khi giới tiếp thị quảng cáo của khu vực này vẫn đang đối mặt và thích ứng với những thay đổi mà quảng cáo trực tuyến mang lại thì trí tuệ nhân tạo đã kịp cắm rễ vào ngành này.
Vậy người làm tiếp thị trong tương lai cần những kỹ năng gì? “Chúng ta cần những nhà tiếp thị hiểu được thương hiệu và ý tưởng sáng tạo, đồng thời có thể triển khai ý tưởng đó về mặt kỹ thuật”, Barnaby Dawe, Giám đốc tiếp thị toàn cầu của Just East (ứng dụng chuyên về gọi món ăn trực tuyến) chia sẻ tại cuộc tranh luận bàn tròn Vision 100 do tạp chí Marketing Week (Anh) tổ chức. Theo ông, một số nhà chuyên môn về kỹ thuật số bước vào ngành tiếp thị với các kỹ năng về kỹ thuật nhưng lại gặp nhiều khó khăn để có thể kết nối khả năng chuyên môn của họ với thông điệp truyền thông của thương hiệu.
Còn theo bà Patrizia Leighton, Giám đốc tiếp thị của HMV (chuỗi cửa hàng bán lẻ băng đĩa), nếu doanh nghiệp để cho đội ngũ chuyên gia về kỹ thuật số hoạt động riêng lẻ, họ sẽ mất đi phần nào sự thấu hiểu về thương hiệu mà những người làm tiếp thị cần phải có để có thể tiếp cận và kết nối với khách hàng.
Giám đốc tiếp thị Paul Davies của Microsoft Anh thì cho rằng các thương hiệu ngày nay cần đón nhận cả khía cạnh nghệ thuật và khoa học của công việc tiếp thị. Thương hiệu sẽ cần những nhân sự tiếp thị có tầm kiến thức rộng và sự kết hợp về mặt kỹ năng giữa các thành viên trong đội ngũ nhằm tạo được sự cân bằng. “Cho dù thời kỳ này đòi hỏi sự tập trung vào khoa học và ROI (lợi tức đầu tư) nhưng chúng ta cần phải gắn mọi thứ vào một ý tưởng lớn. Những người làm công việc tiếp thị hiện tại và tương lai cần phải giỏi hợp tác vì các thương hiệu cần sức mạnh từ cả hai lĩnh vực: công nghệ và sáng tạo”, ông Paul Davies giải thích thêm.
Dawn Paine, Giám đốc chiến lược và tiếp thị của Creative England (một công ty đầu tư và hỗ trợ phát triển trong ngành truyền thông kỹ thuật số) thì cho rằng thương hiệu đang cần những nhà tiếp thị linh hoạt và có kỹ năng tốt về mặt cảm xúc. Họ phải liên tục tìm hiểu về khách hàng, đón nhận sự thay đổi, sẵn sàng học hỏi những kiến thức mới và có khả năng ứng dụng nhanh.
Các chuyên gia đồng thuận rằng những nhà tiếp thị thuộc thế hệ kế tiếp phải chú tâm hơn đến khía cạnh thương mại và thấu hiểu về quy trình bán hàng. Cả hai chức năng tiếp thị và bán hàng cần phải sát cánh nhiều hơn nữa. Sẽ không còn chuyện người làm tiếp thị chỉ đơn thuần tập trung vào phát triển sản phẩm, chiến lược định giá và xây dựng thương hiệu; còn bộ phận bán hàng thì chỉ lo thuyết phục và bán được hàng.
Và cuộc tranh luận bàn tròn Vision 100 đã đi đến kết luận chung rằng: Đội ngũ tiếp thị trong tương lai sẽ cần những nhân sự vừa biết tò mò, vừa linh hoạt và sở hữu những kỹ năng cả về thương mại lẫn công nghệ.
Tiếp thị ngày càng hội tụ với bán hàng và công nghệ vì trải nghiệm khách hàng đang trở thành yếu tố khác biệt chính trong một thế giới mà người tiêu dùng “có cả kiến thức và quyền lực”. Đội ngũ tiếp thị trong tương lai gần phải đón nhận sự thật này, phải đáp ứng được yêu cầu rất rộng về kỹ năng chuyên sâu và kỹ năng tổng quát. Hoặc là trong nội bộ công ty phải giải quyết được “bài toán phối hợp và cân bằng” này, hoặc là doanh nghiệp phải thuê ngoài những đối tác hiểu được thương hiệu của họ.