Tạo môi trường thông thoáng, tăng cạnh tranh và nới các giới hạn giao dịch ví điện tử nhiều hơn – đó là những góp ý từ phía doanh nghiệp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại hội thảo “Lấy ý kiến thông tư về dịch vụ trung gian thanh toán” diễn ra ngày 10-5 vừa qua.
Theo phân tích của chuyên gia tài chính – tiến sĩ Cấn Văn Lực, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ thanh toán qua ví điện tử tại Việt Nam đã tăng lên 17,6%.
Trong khối ASEAN, Việt Nam thuộc nhóm trung bình về tốc độ thanh toán điện tử, về cả số tiền lẫn giao dịch thanh toán.
Theo dự thảo thông tư, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử sang ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng trong một ngày và 100 triệu đồng trong một tháng.
Tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của tổ chức tối đa là 100 triệu đồng trong một ngày và 500 triệu đồng Việt Nam trong một tháng.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng rất nhanh để đặt ra hạn mức không kìm hãm thanh toán điện tử.
NHNN nên cân nhắc giới hạn 100 triệu đồng/tháng bởi con số này cũng chưa phải có nguy cơ cao về đánh bạc hay rửa tiền. Đây cũng là ý kiến được nhiều đại diện doanh nghiệp đề xuất.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Công ty thanh toán Momo, trước đây giao dịch qua ví Momo chưa nhiều nhưng kể từ năm 2018, giao dịch đã tăng gấp ba lần.
Nếu áp dụng hạn mức 100 triệu đồng/tháng trong vài năm tới có thể sẽ không phù hợp. Vì vậy, nên tăng hạn mức này lên 200 triệu đồng/tháng để chuẩn bị cho sự phát triển nhanh và mạnh của thị trường thanh toán.
Ông Nguyễn Bá Diệp cũng đề nghị không áp dụng việc giới hạn mức với ví điện tử của doanh nghiệp bởi có nhiều doanh nghiệp là khách hàng của Momo phải thực hiện chi trả hằng ngày cho rất nhiều đại lý, nhân viên, đối tác…
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, mặc dù thương mại điện tử có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, thanh toán điện tử đang là điểm nghẽn, do đó cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế.
Lấy ví dụ về lĩnh vực du lịch, các giao dịch đặt vé máy bay hay tour du lịch sẽ có giá trị lớn hơn nhiều so với hạn mức đề xuất tại dự thảo.
Ngoài ra, vị này cũng lo ngại quy định hạn chế mỗi người dùng chỉ được sử dụng một ví điện tử tại một tổ chức cung ứng, vì trên thực tế người dùng có thể cần nhiều tài khoản kết nối ví điện tử khác nhau để phục vụ các nhu cầu tiêu dùng, giao dịch khác nhau.
Đề xuất giải pháp linh hoạt hơn, ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng nên quy định hạn mức 100 triệu đồng/tháng là mặc định khi mở ví.
Tuy nhiên, khách hàng có nhu cầu thanh toán cao có thể chọn hạn mức cao hơn. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng ủng hộ đề xuất bỏ hạn mức giao dịch 20 triệu đồng/ngày.
- Xem thêm: Thanh toán điện tử – sẽ có cuộc đua mới
Trả lời các ý kiến này, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết hạn mức 20 triệu đồng/ngày có thể được đề xuất bỏ.
Tuy nhiên, mức 100 triệu đồng/tháng là ngưỡng cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Giới hạn này không chỉ liên quan đến việc tiêu dùng mà còn liên quan đến nhiều vấn đề trong đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán.
Tính đến ngày 31-12-2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng và trong năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý 214 triệu giao dịch, đạt giá trị 91.000 tỉ đồng, giảm 4,5% so với 2017. Thanh toán điện tử trong thời gian qua cũng phát triển mạnh.
Chỉ riêng năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý thông suốt 73 triệu tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2017, trung bình mỗi ngày xử lý được khoảng 300.000 tỉ đồng.
Theo Ngân hàng Standard Chartered, hiện tại, có khoảng 20 ứng dụng ví điện tử tại Việt Nam. Với định hướng sử dụng các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt để giảm tỷ lệ các giao dịch bằng tiền mặt xuống dưới 10% trong giai đoạn 2016-2020, dịch vụ thanh toán thông qua ví điện tử được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.