Việc sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử quy mô nhỏ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm. Đây được xem là cơ hội cho các nhà mạng lấn sâu vào lĩnh vực FinTech. Tuy vậy, theo giới chuyên gia, cần sớm xác định cơ chế kênh thanh toán mà các nhà mạng sẽ sử dụng, để từ đó xây dựng quy chế, hệ thống pháp luật liên quan.
Như đã biết, sau khi vụ đường dây đánh bạc ngàn tỉ qua Internet của Công ty CNC bị phanh phui, từ tháng 4-2018 Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã chỉ đạo siết chặt quản lý sử dụng thẻ cào để thanh toán các dịch vụ nội dung số. Quyết định này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông cũng như các nhà cung cấp nội dung số (theo báo cáo của các doanh nghiệp, doanh thu sụt giảm từ 40-90%).
Đến ngày 8-9-2018, trong buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ TT-TT, cả ba nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone đã có kiến nghị cho phép dùng thẻ cào viễn thông để thanh toán các dịch vụ nội dung số. Ngày 15-1-2019, tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ TT-TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đồng ý việc thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ nội dung số và các khoản hàng hóa nhỏ lẻ.
Thúc đẩy không dùng tiền mặt và kinh doanh trực tuyến
Theo lập luận của đại diện các doanh nghiệp viễn thông, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam những năm qua diễn ra khá chậm, trong khi thế giới đã đi trước từ rất lâu. Nguyên nhân do muốn thanh toán không dùng tiền mặt người dân cần phải có tài khoản ngân hàng, song độ phủ của tài khoản ngân hàng hiện chỉ chiếm khoảng 30-40% dân số. Mặt khác, không phải ai có tài khoản ngân hàng cũng có thể thanh toán trực tuyến. Ước tính khoảng 70-80% dân số chưa được tiếp cận với thanh toán điện tử qua điện thoại. Vì vậy, với độ phủ gần 100% dân số, việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt bằng tài khoản viễn thông sẽ trở nên khả thi đặc biệt cho những chi tiêu nhỏ lẻ.
Hiện 40% dân số Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn có tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, và 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng.
Chia sẻ bức tranh thương mại điện tử (TMĐT) và thanh toán trực tuyến tại Việt Nam, ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty Công nghệ Sapo (nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh), cho rằng TMĐT Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Dữ liệu từ Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam đang ở mức 25% mỗi năm, thuộc hàng nhanh nhất khu vực, trong đó có nhiều ngành tăng vượt bậc như bán lẻ trực tuyến, dịch vụ chuyển phát… Nhưng về thanh toán trực tuyến, thống kê từ Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực và chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%. Hiện 40% dân số Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn có tới 90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt, và 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng.
Xét về thanh toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tháng 1-2019, theo kết quả khảo sát của Sapo với hơn 5.000 chủ cửa hàng, thì hình thức thanh toán phổ biến nhất của các cửa hàng là chuyển khoản ngân hàng (hơn 90% cửa hàng được khảo sát có sử dụng), nhưng trả tiền trực tiếp tại cửa hàng lại là hình thức thanh toán được sử dụng thường xuyên nhất (tối thiểu 1-2 lần/tuần) – 75% cửa hàng sử dụng thường xuyên. Còn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ tín dụng, ghi nợ, ví điện tử và QR code, chỉ khoảng 17-40% các cửa hàng được khảo sát có sử dụng.
Dự báo đến năm 2020, thị trường FinTech Việt Nam tăng lên mức 7,8 tỉ đô la Mỹ. Các giải pháp thanh toán số đang chiếm tới 89% thị trường FinTech tại Việt Nam. Lĩnh vực tài chính cá nhân và doanh nghiệp cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng lần lượt 31,2% và 35,9% vào năm 2025 – theo nghiên cứu của Công ty Tư vấn Solidiance. Tất cả số liệu trên cho thấy, còn nhiều tiềm năng và lắm thách thức để thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam phát triển trong thời gian tới, tiến tới mục tiêu đến hết năm 2020, tiền mặt chỉ chiếm dưới 10% tổng phương tiện thanh toán trong “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020”.
Nhận định cơ hội của các nhà viễn thông trong cuộc chơi mới này, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ, cửa hàng, chủ cửa hàng bán hàng trực tuyến đều cho rằng, với việc độ phủ của các mạng viễn thông rộng hơn rất nhiều so với thẻ ngân hàng hay các hình thức thanh toán phi tiền mặt khác, sự tham gia của các mạng viễn thông trong công cuộc đẩy mạnh thanh toán phi tiền mặt sẽ dễ dàng hơn, đây có thể xem là một cú huých cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn mới này.
Cần xây dựng cơ chế thanh toán song hành với hệ thống pháp luật
Thanh toán điện tử bằng tài khoản điện thoại (Mobile Money) là xu thế tất yếu toàn cầu. Được thông qua thí điểm tham gia thanh toán điện tử các khoản nhỏ lẻ bằng tài khoản viễn thông là cơ hội rất lớn cho các nhà mạng phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư vào lĩnh vực công nghệ trong tài chính tiềm năng. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hầu hết đều là các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về khoa học, công nghệ, tài chính, có hạ tầng và các kênh bán hàng rộng khắp trên cả nước nên hoàn toàn có thể tận dụng những thế mạnh của mình để phát triển thanh toán điện tử.
Ông Ngô Trung Lĩnh – CEO của Vietunion (kênh thanh toán Payoo) cũng đồng quan điểm, cho rằng việc cho phép sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán chắc chắn các nhà mạng sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với những đơn vị khác như ngân hàng hay các trung gian thanh toán đang được cấp phép. Tuy nhiên, thanh toán điện tử là một loại dịch vụ đặc thù cần xem xét kỹ do phải tuân thủ rất nhiều quy định về phòng/chống rửa tiền và các giao dịch phi pháp khác. Cho đến thời điểm này, chỉ có các ngân hàng và các trung gian thanh toán (cũng phải qua ngân hàng) mới được phép cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.
Thanh toán di động vốn dĩ sẽ đặt ra nhiều thách thức liên quan đến khuôn khổ pháp lý, sự an toàn trong giao dịch, bảo mật thông tin, giao dịch giữa các nước… Về mặt quản lý, có rất nhiều thách thức như giao dịch bất thường, nhiều kẻ gian, tội phạm công nghệ cao tận dụng cơ hội, kẽ hở để trục lợi, hay những rủi ro, bảo mật an toàn cho người dùng. Bởi trên thực tế, người dùng Việt Nam khá xem nhẹ vấn đề bảo mật trên điện thoại của mình.
Việc phát triển thêm nhiều điểm thanh toán trên khắp cả nước cũng là một bài toán đặt ra cho các nhà mạng. Bên cạnh việc phải đa dạng hóa dịch vụ và đảm bảo yếu tố công nghệ, bảo mật an ninh, quản trị rủi ro, các nhà mạng còn phải phát triển công tác truyền thông, đào tạo thói quen mới cho người dùng.
Dự đoán, sau thời gian thí điểm, cơ chế thanh toán và hành lang pháp lý đã xây dựng rõ ràng, các nhà mạng sẽ tham gia vào một cuộc đua mới mang tên thanh toán điện tử. Việc thanh toán qua điện thoại, bằng thẻ cào điện tử sẽ buộc các nhà kinh doanh phải giảm giá thành, hạ phí sử dụng và chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ nhiều hơn.