Tuần qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Phước đã yêu cầu tạm ngưng tiếp nhận các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (khu dân cư) có quy mô dưới 5ha, các dự án dân cư tại đô thị (thị trấn, thị xã, thành phố) chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt.
Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước hiện nay, chính quyền Bình Phước đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy từ việc sốt đất. Cuối năm 2018, thị xã Đồng Xoài của tỉnh chính thức được công nhận thành thành phố, kéo theo nhiều công trình, dự án góp phần chỉnh trang và khởi sắc quy hoạch đô thị.
Nhưng sự nẩy nở các dự án nhỏ, manh mún đang kéo theo hàng loạt những bất cập khiến quy hoạch tại đây bị phá vỡ, thị trường bất động sản (BĐS) rối loạn cùng các nguy cơ bất ổn xã hội tiềm ẩn.
Giá đất tăng nhanh dù hạ tầng vẫn chậm
Vừa qua tại Lâm Đồng, Bộ Giao thông Vận tải mới thống nhất triển khai tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200km.
Theo đó, dù những thông tin về tuyến cao tốc đi ngang qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa đầy đủ nhưng nhiều người đã đầu cơ, sang nhượng các khu vực được cho là cao tốc đi qua, khiến giá đất tại khu vực bị đẩy lên cao.
Tại Huế, việc đề xuất dự án đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt năm 2017, hiện chưa khởi công nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều đối tượng cò đất vẫn dựa vào dự án này để đồn thổi, tăng giá đất tại các khu quy hoạch lân cận dự án. Với thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, những thông tin về việc khởi động lại dự án làng đại học, hay thúc đẩy xây dựng khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, mở rộng TP. Đà Nẵng… đã trở thành chiêu trò để giới đầu cơ đẩy giá.
- Xem thêm: Sắp có chỉ số giá bất động sản
Mới đây, sau khi thông tin lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai họp bàn về dự án cầu Cát Lái nối quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), giá đất xung quanh khu vực cầu, đường dự kiến đi qua cũng bắt đầu “nhảy múa”.
Tương tự, khi có thông tin cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Tây Ninh) đã được lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh họp bàn phương thức triển khai, việc mua bán đất nhiều nơi tại Hóc Môn, Củ Chi và Tây Ninh bắt đầu sôi động, đẩy mặt bằng giá lên cao hơn.
Tại Việt Nam, từ khi xuất hiện thông tin về một hạ tầng mới cho đến khi hạ tầng đó đi vào hoạt động có khi kéo dài đến mấy thập niên. Người dân cũng quen với việc dự án cầu, đường trễ nằm trên giấy hàng chục năm trời.
Thế nhưng, giá đất thì không bao giờ chậm tăng. Khi xuất hiện một thông tin về hạ tầng, hay thậm chí đó chỉ là những đề xuất của các cơ quan chức năng, BĐS khu vực đó sẽ lập tức được đẩy giá. Góp phần tạo nên thực trạng này phải kể đến một số đối tượng môi giới sử dụng chiêu trò.
Chẳng hạn đầu năm 2018, giá đất ven biển ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa, Phú Yên) và một số địa phương ven biển TP. Tuy Hòa và huyện Tuy An leo thang nhanh chóng.
Nguyên nhân là do ở các địa phương trên xuất hiện một nhóm người liên kết, móc nối với nhau tạo tin đồn, thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ đến tìm đất mua để “lướt sóng”.
Tại nhiều địa phương, đã có hiện tượng môi giới đất còn sử dụng những văn bản photocopy giả mạo con dấu, chữ ký lãnh đạo cơ quan chức năng để dụ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Hệ lụy có thể nhìn thấy trước từ sốt đất
Trước hiện tượng đất tăng giá nhanh, ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam khẳng định, tất cả dự án tại Điện Nam – Điện Ngọc chỉ mới bắt đầu, phía trước còn rất nhiều thủ tục cần hoàn tất như vốn, giải tỏa đền bù…
Ông Trần Úc cũng đưa ra những cảnh báo cẩn thận trước thông tin về đầu tư các dự án trên địa bàn thị xã Điện Bàn của giới “cò” hòng đẩy giá đất kiếm lợi.
Còn dự án cầu Cát Lái và đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài tuy có thật, tuy nhiên từ quy hoạch đến thực hiện là một quá trình có thể lâu dài.
Cụ thể, tại buổi làm việc về dự án cầu Cát Lái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh mới chỉ đề xuất hình thức đầu tư để thống nhất với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, từ đó kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ phê duyệt.
Theo lãnh đạo hai địa phương, dự án thì quả là cần thiết, cấp bách nhưng thủ tục không thể nhanh được, nhất là những hạng mục phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, phải rất chặt chẽ.
Hay dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cả hai địa phương cũng chỉ mới thống nhất phương thức đầu tư và kiến nghị các bộ ngành trung ương xem xét.
Tại phiên họp của UBND TP. Hồ Chí Minh ngày 10-5 vừa qua, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư, cho biết trong bốn tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đăng ký vốn cao nhất, chiếm gần 33% tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Tương tự, các doanh nghiệp nước ngoài cũng tập trung vốn vào lĩnh vực BĐS (gần 47% vốn đầu tư), trong khi vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ chiếm gần 7%.
Ngoài hệ lụy nhìn thấy ngay là BĐS sẽ hút một phần nguồn vốn lẽ ra cần đổ vào sản xuất, sốt đất còn làm tăng khả năng vi phạm quy hoạch hoặc phá vỡ quy hoạch đất đai.
Theo ý kiến của người trong ngành, do sốt giá, không loại trừ việc nhóm lợi ích (cơ quan công quyền/đại gia/nhà môi giới) lũng đoạn, câu kết hình thành nhiều tham mưu, đề xuất, quyết định triển khai nhiều dự án kinh doanh BĐS với tầm nhìn và lợi ích cục bộ, bất chấp tiêu chuẩn quy hoạch dài hạn.
Do hiện tượng sốt giá phần lớn tập trung vào các dự án phân lô bán nền nên dễ kéo theo xu hướng quy hoạch manh mún, xé lẻ, để lại hậu quả lớn cho quá trình chỉnh trang phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.