Phải chăng đã đến lúc thị trường này cần sớm có giải pháp dứt khoát sau một thời gian doanh nghiệp chờ đợi chính sách từ Nhà nước, còn phía cơ quan hữu trách thì đang tìm kiếm khả năng giải cứu. Tình hình ảm đạm của thị trường nhà đất suốt năm qua vẫn chưa có gì sáng sủa hơn, nếu không muốn nói là ngày càng như đi vào mê hồn trận.
Có thể hình dung bức tranh của thị trường này qua các mảng màu xám xịt mà ngay từ đầu dù đã có nhiều cảnh báo nhưng dường như tất cả những người tham gia, cả người bán lẫn người mua, đều như lao vào một cơn say. Hậu quả là sau một thời gian tăng trưởng bong bóng, thị trường bất động sản được xem là tội đồ không chỉ gây nợ xấu nặng nề cho nền kinh tế mà còn kéo theo sự suy thoái của các ngành nghề liên quan, góp phần làm tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế.
Một cao ốc đang xây dựng dở dang
Mới đây, dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” vừa công bố bản tin quý I-2013, trong đó đáng chú ý là những phân tích sâu về việc “giải cứu” bất động sản và tình trạng nợ xấu của ngân hàng mà chủ yếu là do tác động của thị trường này gây ra. Bản tin trên được xem là một tài liệu quan trọng được thực hiện trong khuôn khổ phối hợp giữa dự án và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để gửi đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng tham khảo trong việc lập chính sách.
Qua bản tin vừa nói, chúng ta có thể nhận ra những nét chính yếu như sau:
– Quan hệ cung cầu bất động sản về nhà ở đã có sự sai lệch lớn, khi nguồn cung các sản phẩm nhà ở trung cấp và cao cấp với giá trị cao chiếm tỷ trọng lớn và do vậy hoàn toàn sai lệch với cơ cấu cung cầu của thị trường.
– Tình trạng đầu cơ diễn ra trên diện rộng và kéo dài đã làm sai lệch hoàn toàn các tín hiệu thị trường, tạo ra kỳ vọng về “giá đất và bất động sản chỉ có tăng chứ không thể giảm”. Cho dù thị trường đã bị đóng băng một thời gian khá dài, nhưng không ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn cho rằng khó khăn của thị trường bất động sản – kể cả ở phân khúc nhà trung và cao cấp – chỉ là tạm thời và giá cả đã chạm đáy nên sẽ chóng hồi phục.
Cơ quan xây dựng bản tin cho rằng điều này là không đúng, bởi giá bất động sản ở các thành phố lớn của Việt Nam thuộc loại cao ở trên thế giới trong khi thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm thấp ở trên thế giới. Theo thông tin mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thu thập được thì giá nhà đất của chúng ta đã tăng lên hơn 100 lần trong vòng 20 năm, giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân hằng năm của người lao động. Đồng thời giá nhà ở Việt Nam gấp hơn năm lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với nước chậm phát triển. Trong khi đó, so với thu nhập, giá bất động sản trung bình ở các nước châu Âu chỉ bằng bảy lần, Thái Lan là 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần.