Chuyện cả một đất nước bị đầu độc, hằng ngày ăn gì cũng độc bây giờ cũ rồi, không ai nói nữa. Nhưng các chuyên gia và nhà sản xuất chẳng bao giờ có thể cho ta biết được nguồn gốc thực sự của hàng hóa, kể cả nhãn mác. Trời, nói thế sao được! Tôi chưa đi Mỹ bao giờ nên đứa cháu giải thích: “Bác không bao giờ được mang những thức ăn như thịt hoặc các loại bột chẳng biết là cái gì”.
Số là tôi cứ nì nèo nó mang đi gói bột sắn Hà Nội, uống vào mát lành ai chẳng biết. Đứa cháu: “Bác ơi là bác, chỉ có người Bắc biết rõ thôi, chứ ngay người Nam biết bao người không biết đó là cái gì, làm sao đòi người Mỹ biết được!”.
Tôi bèn nói: “Cùng quá thì cho họ vứt đi thôi, có sao đâu, còn nếu như họ không vứt thì mình có chút quà quê hương”. Cháu tôi cười: “Đúng là bác già rồi bác ơi, họ vừa vứt đi, vừa ghi vào giấy tờ của mình nhận xét xấu chứ bác tưởng à”.
Tôi lầm bầm, kỹ vậy mà còn bị vụ 11 tháng 9 đó thôi, khám ở dưới đất, bọn ác bay trên trời giết không biết bao người. Ác quá mà có ngăn được đâu. Cháu tôi vẫn nghe được, nói: “Thì bây giờ ngăn kỹ đâu có muộn”. Tôi thở dài: “Giá mà cũng có cái cơ quan chức năng nào hiệu quả như thế để canh cho các thứ mình đưa vào miệng hằng ngày”.
- Xem thêm: Cuồng… thuốc
Cháu tôi nói: “Các hãng sản xuất họ có tiêu chuẩn, bao bì nhãn mác, cứ tham rẻ mua đồ vớ vẩn mà chẳng chết à?”. Tôi thở dài: “Khó lắm cháu ơi, mật ong nuôi trên Đắk Lắk xuất khẩu vào Mỹ bị trả lại, kêu là có cái chất gì gì để trừ nấm đó. Các đại lý thu mua họ khắt khe hơn, lại còn biết được nếu là mật của ong hút từ hoa điều, cà phê sẽ không mua vì sợ có chất trừ nấm.
Cái chất gì ấy nghe nói thế giới cho phép dư lượng nhỏ, còn Mỹ họ cấm hoàn toàn”. “Ờ, sao bác ngồi nhà mà biết hay vậy?”. “Thì chị con bác của cháu nuôi ong trên đó vừa xuống chơi kể cho bác nghe chứ đâu. Ông bên thông gia bác thì than là đến Nga bây giờ họ cũng muốn dừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vì có nhiều vi khuẩn, nấm men, nấm mốc…”.Số là cả họ nhà ông ấy sống nhờ nghề đánh cá.Đang than thở thì con gái út tôi về.
Nghe chuyện, cô con gái nói: “Hai bác cháu không đi chơi, ngồi làm nhà nghiên cứu kinh tế hay định làm nhà triết học đấy?”. Rồi dứt khoát: “Không bàn nhiều. Cũng chẳng nghe chuyên gia. Đây nhé, hễ có ai hỏi về bệnh tật qua báo chí hay mạng, thì thế nào cũng trả lời chung chung và khuyên “nên đi khám ở cơ sở y tế gần nhất”. Thế là huề. Mua sắm thì chuyên gia phán: “Phải mua hàng rõ nguồn gốc”.
Con hỏi má, làm sao kiểm tra được nguồn gốc, hay chỉ thấy bao bì gói kỹ là yên tâm? Cho nên, má đừng có la con sính hàng hiệu. Tiền nào của nấy, đắt nhưng xắt ra miếng”.
Trời, thì ra con gái tôi khôn thật. Hằng ngày tôi la phải tiết kiệm, mua đồ gì mắc quá đến xót hết cả ruột. Mà nhìn chẳng ra cái… khỉ gì, dây nhợ khuy cúc ở ngay cả chỗ chẳng cài gì đến.
Hỏi rằng tự nhiên lại đeo lên người làm gì cho nặng, cả hai chị em phì cười: “Đúng là bà già lẩm cẩm rồi, má ơi. Để được đẹp, người ta sẵn sàng chịu đau đớn dao kéo, con đeo vài cái khuy thì ăn nhằm gì… Thế mới “bá cháy”, mới lạ cho người nhìn theo”.
Tôi cầm cả cái hộp bự đựng mỹ phẩm của cô con gái, thỏi son nào cũng dùng dở, không biết họa sĩ có cái vali màu nhiều như thế này không. Bút kẻ mắt, kẻ môi… đó là những thứ tôi nhìn vào hiểu được, chứ có cả những cái hộp xoắn cố mở ra cũng không được, nhiều thứ hình thù chẳng đoán ra dùng để làm gì. Ngày xưa thế hệ tôi ăn trầu cho đỏ môi, bây giờ có không biết bao nhiêu thứ. Thế này thì làm sao biết rõ nguồn gốc từng ấy thứ?
- Xem thêm: Ăn… gan trời
Loài người cần nhiều thứ quá, cho nên không thể kiểm soát được hết là phải rồi. Nhất là lại cố tình làm ăn lếu láo thì chết là phải thôi. Vừa lúc đó, cô con gái vứt phịch tờ báo vừa mua về xuống ghế. Tôi thật may mắn khi nhìn thấy ngay cái tít ở bìa sau, nói về sự độc hại của son môi nhiễm chì. Họ cho chì độc vào làm gì nhỉ? À, để cho giữ màu lâu, đẹp. Tôi la lên với con gái “đọc đi này”.
Con gái tôi buồn rầu: “Con mua toàn hàng hiệu đắt tiền của nước ngoài, nếu dùng loại thượng thặng vậy mà cũng chết nữa thì… “bó toàn thân chấm com” chứ biết thế nào?”. Chẳng ai biết được cái đám sản xuất ấy làm gì. Đừng có mà nói chuyện rõ nguồn gốc. Đến lấy chồng lấy vợ tìm hiểu bao nhiêu, biết cả tông ty họ hàng, rõ nguồn gốc nhé. Thế mà có đôi về ở với nhau được một tháng đã kéo nhau ra tòa. Ai dám nói chắc cái gì!