Bước vào năm 2019, thế giới đối mặt với thách thức về an ninh lương thực, khi số người nghèo đói tiếp tục gia tăng trên quy mô toàn cầu. Theo những số liệu do Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố, hiện có đến 821 triệu người ở trong tình trạng thiếu thực phẩm thường xuyên, tăng 17 triệu người so với năm 2016. Bên cạnh sự đói kém gia tăng, tình trạng an toàn thực phẩm cũng sút giảm ở châu Phi và Nam Mỹ. Những điều này được cho là xuất phát từ sự biến đổi khí hậu, các điều kiện kinh tế bất lợi, cùng những cuộc xung đột tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới.
Trong những điều kiện đáng báo động như vậy, Diễn đàn quốc tế lần thứ 9 của Trung tâm Barilla về Thực phẩm và Dinh dưỡng (BCFN) đã diễn ra tại thành phố Milan (Ý) vào những ngày cuối tháng 11-2018 với sự tham dự của các chuyên gia về dinh dưỡng, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo truyền thông và xã hội dân sự.
Diễn đàn gồm ba phiên họp chính, phiên thứ nhất nhắm chủ yếu vào ba nghịch lý về thực phẩm: một hành tinh béo phì chết vì đói; cuộc tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên giữa con người, động vật và ôtô; sự thất thoát và lãng phí thực phẩm. Phiên thứ hai nhắm vào vai trò của nông nghiệp, dinh dưỡng và thực phẩm trong điều kiện di trú và phát triển, trong khi phiên thứ ba hướng về các giải pháp nhằm mang lại một hệ thống thực phẩm đô thị bền vững.
Diễn đàn cũng giới thiệu tài liệu nhan đề “Thực phẩm và Đô thị”, một sáng kiến kết hợp giữa BCFN và Công ước về Chính sách thực phẩm đô thị Milan (MUFPP) nhằm làm sáng tỏ một số chính sách về thực phẩm có hiệu quả của nhiều thành phố châu Âu. Người ta ước tính hiện có trên 50% nhân loại sống trong các đô thị và tỷ lệ này có thể lên đến 80% vào năm 2050. Nếu chiều hướng đô thị hóa này tiếp tục và chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu để đối phó với các hiện tượng khí nhà kính, sự nóng lên của trái đất thì việc sản xuất thực phẩm để nuôi sống con người sẽ gặp nhiều trở lực, mục tiêu xóa nghèo sẽ không thể hoàn thành được như đã vạch ra trong kế hoạch từ nay đến năm 2030.
Hiện nay, nhu cầu gia tăng về thực phẩm đòi hỏi phải có nhiều nước và đất hơn và bài toán này không dễ tìm ra đáp số. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông cũng đang giữ vai trò quan trọng trong việc quảng bá các vấn đề liên quan đến thực phẩm và sự dinh dưỡng, giúp tạo ra một mô hình phù hợp về thực phẩm bền vững.
Để mang lại một chế độ thực phẩm bền vững, giảm thiểu sự đói nghèo trong một thế giới đầy rẫy chia rẽ và bất công, cần có những nỗ lực chung không những của các nước công nghiệp hóa, mà còn đòi hỏi sự ổn định của những nước đang phát triển.
– Tổng hợp