Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của chúng ta kể từ ngày mở cửa, hội nhập và đã có một thời gian dài hoạt động đầu tư nước ngoài mang lại hiệu quả cao. Thế nhưng từ vài năm trở lại đây tình hình đã không được như trước, một phần do ảnh hưởng tình trạng suy thoái của kinh tế thế giới, phần khác do chưa khắc phục được các nhược điểm cố hữu để hoạt động đầu tư nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn.
Trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 (VBF 2012) do Ngân hàng Thế giới cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hồi đầu tháng 12 tại Hà Nội, lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới chính phủ đề cập nhiều vấn đề khiến môi trường kinh doanh tại Việt Nam kém hấp dẫn.
Lao động giá rẻ không còn là ưu thế trong thu hút đầu tư nước ngoài
Đại diện Phòng thương mại Hoa Kỳ và châu Âu đã nói về những trở ngại trong môi trường kinh doanh khiến Việt Nam có thể không còn là bến đỗ của các nhà đầu tư nước ngoài nếu chính phủ không cam kết cải cách các thủ tục và có hành động thực tiễn.
Ông Christopher Twomey, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, (AmCham) nói về các thách thức Việt Nam đang đối diện trong bối cảnh mậu dịch song phương Mỹ-Việt đạt 24,5 tỉ USD trong chín tháng đầu năm 2012 và có khả năng đạt 50 tỉ USD vào năm 2050 nếu đà giao thương vẫn được tiếp tục. Theo ông, hồi tháng 2-2012 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố chính phủ sẽ tập trung vào ổn định kinh tế thay vì dồn cho tăng trưởng. Đây là điều AmCham và các đối tác khác rất ủng hộ. Tuy nhiên chính phủ cần cải cách khẩn cấp và có hành động quyết đoán nhằm tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn.
Nhiều thành viên của AmCham nhận thấy kinh doanh tại đây khó khăn hơn những năm trước khiến nhiều nhà đầu tư phải nghĩ lại các kế hoạch mở rộng kinh doanh của họ tại Việt Nam.
Tham nhũng là hiện tượng phổ biến tại Việt Nam và gây ảnh hưởng tiêu cực tới quản trị công, bào mòn nhà nước pháp quyền, cản trở tăng trưởng kinh tế và làm méo mó điều kiện kinh doanh cũng là vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài. Họ nói tuy Việt Nam đã nhiều lần phát động chiến dịch chống tham nhũng kể từ năm 2004 nhưng tiến bộ trong tám năm qua là quá ít.
Trong một khảo sát gần đây của AmCham, hơn 80% hội viên nói rằng tham nhũng là một trong hai mối quan ngại lớn nhất tại Việt Nam. Các thành viên của AmCham cảm thấy tham nhũng ngày càng tồi tệ trong mọi lĩnh vực kinh doanh tại nước ta.
Trong phần kết luận tại diễn đàn này, Chủ tịch AmCham Christopher Twomey nói “Các nước cần có chính sách kinh tế tốt, hạ tầng pháp luật tốt và minh bạch cũng như các cơ quan chính phủ làm việc hiệu quả nhằm thu hút đầu tư. Chúng tôi muốn các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam thay vì chuyển sang Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh hay Myanmar”.
Trong khi đó, cũng tại diễn đàn này, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), mở đầu bài thuyết trình bằng cách dẫn chứng một khảo sát môi trường kinh doanh mà họ thực hiện hồi tháng 10 năm nay cho thấy lòng tin kinh doanh và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp tục giảm với mức thấp kỷ lục. Đặc biệt là nếu việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không được thực hiện rốt ráo, các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ không đưa công nghệ vào và như vậy Việt Nam sẽ vẫn là cạm bẫy của kinh tế dựa vào lao động rẻ.