Phôi thai từ sự kết hợp giữa âm nhạc cổ truyền Việt Nam và ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, cải lương đã lớn lên thành một hình thái nghệ thuật đáp ứng được thị hiếu của nhiều tầng lớp xã hội. Năm 1931, đoàn Phước Cương với diễn viên chủ lực là cô Năm Phỉ đã có cơ hội quảng bá nghệ thuật sân khấu của Nam bộ đến khán giả nhiều nước tại Hội chợ Quốc tế ở Paris. Qua một số phát hiện từ nguồn tư liệu Pháp, bài viết sẽ mở ra một góc nhìn mới về nghệ thuật sân khấu cải lương trong chuyến lưu diễn lịch sử “đem chuông đi đánh xứ người”.
NGUYỄN LÊ TUYÊN
Nhạc sĩ, nhà soạn nhạc; giảng viên World Music tại Đại học Quốc gia Australia
Một chi tiết mới được tìm thấy là tuồng cải lương Xử án Bàng quý phi của đoàn Phước Cương đã được đổi tên thành La Favorite (Sủng phi) trong dịp trình diễn tại Paris. Với tựa đề Những giọt nước mắt của Sủng phi, báo L’Intransigeant ngày 25.6.1931 cho biết tuồng cải lương được trình diễn trong Khu triển lãm Đông Dương và mô tả vai trò của từng nhân vật trong cốt truyện bi thương từ đầu đến đoạn kết Sủng phi uống độc dược và ngã gục dưới chân vua Nhơn Tôn.
Một tháng sau, nhật báo Le Figaro là một tờ báo uy tín và lâu đời nhất của Pháp đã đăng tường thuật chi tiết toàn bộ tuồng Sủng phi bằng một cái tên đầy đủ La Favorite du Roi (Sủng phi của vua) trong mục Sử biên niên kịch nghệ Paris (Chronique des Théâtres de Paris). Tác giả bài báo với bút danh Gérard d’Houville là nhà văn và nhà phê bình nghệ thuật Marie de Régnier đã ca ngợi đoàn Phước Cương, đặc biệt là cô Năm Phỉ, và đưa ra những cảm nhận sâu sắc về cải lương:
“Thật là kinh ngạc! Và các diễn viên của vở bi kịch đã diễn với trạng thái thật mạnh mẽ, với kỹ năng, với sự trang nhã làm chúng tôi hiểu tất cả sự thăng trầm trên sân khấu nơi tình yêu và cái chết không ngừng kết hợp… Bi kịch này là một sự thống khổ vĩ đại. Chúng tôi không hiểu được bản văn, nhưng ngôn ngữ đã được chuyển thể với tiếng khóc đầy diễn cảm đi theo với tình tiết cảm xúc, sự khủng bố, cơn giận dữ, sự van nài, niềm hy vọng và sự tuyệt vọng, làm khán giả bị say mê theo sự quyến rũ của kịch biến như là họ hiểu được từng chữ. Các diễn viên, chúng tôi không biết tên, là tài năng lớn. Cô diễn viên trẻ tuổi đã phô diễn một nghệ thuật làm kinh ngạc để cầu xin vua mà cô đã phản bội, nhưng cô tôn thờ, và cô chết với sự chịu đựng khắc kỷ và đúng đắn của một trang nhã hoàn toàn Đông phương”.
Một phát hiện đặc biệt hơn là tuồng cải lương Xử án Bàng quý phi được truyền thông Paris so sánh với vở bi kịch kinh điển Bérénice của Jean Racine, nhà biên kịch hàng đầu của Pháp thế kỷ XVII. Báo L’Ouest-Éclair đăng hình chụp một cảnh trên sân khấu với diễn viên đoàn Phước Cương và chú thích là buổi trình diễn “Bérénice ở An nam” tại Hội chợ Quốc tế Paris. Ký giả Douglas d’Estrac của L’Intransigeant thì thương mến gọi cô Năm Phỉ là “Bérénice An Nam bé nhỏ đáng thương” và kép Bảy Nhiêu trong vai vua Nhơn Tôn là “Titus của phương Đông”.
Nhà phê bình André Delacour nhìn xa hơn và thấy hình ảnh cô Năm Phỉ và diễn viên huyền thoại Julia Bartet của Pháp tuy hai mà là một, cùng phản ánh số phận của người phụ nữ một đời hy sinh. Và thật bất ngờ, Delacour đã nghe những lời ai oán giọng Nam bộ dường như đã được thông hiểu từ trước bằng âm hưởng và nỗi niềm của Bérénice phương Tây: “Trong một ngôn ngữ khác, với một giọng khác, công chúa nhỏ bé Á châu chắc chắn đã nói lên điều giống vậy. Và chúng tôi đã nhận ra rằng không thể có hai cách để diễn đạt nỗi bi thảm của tình yêu bất hạnh”. Cái chết của nhân vật Sủng phi trên sân khấu Paris đã không chỉ làm thổn thức con tim của khán giả mà còn đem lại những suy gẫm sâu lắng về số phận chung của con người bị trói buộc với hoàn cảnh của thời đại.
Trong bài viết Bérénice vĩnh hằng, nhà văn Francis de Miomandre rất xúc động khi nhắc đến đoạn kết của tuồng Sủng phi và nói rằng đã tìm thấy từ cải lương một góc cạnh mới trong triết lý nghệ thuật của Racine: “Tuồng An nam này đã làm cho tôi hiểu tác phẩm của Racine như tôi đã không bao giờ biết: trong đó có một thể loại kích thước mới trong không gian và thời gian. Và theo tôi dường như khán giả, cũng bị lôi cuốn như tôi cảm nhận, trải nghiệm, giống tôi, sự thăng hoa trong một qui luật lớn của tâm linh”.
Một chi tiết khác rất đáng chú ý, Le Figaro đưa ra nhận xét là mặc dù chủ đề có nhiều điểm tương đồng với bi kịch Bérénice của Racine, thông điệp về mãnh lực của cái ác, mức độ vô nhân đạo và sự trái ngang tàn nhẫn được thể hiện trong Sủng phi lại rất giống tinh thần bi kịch của Pierre Corneille, nhà biên kịch nổi tiếng cùng thời với Racine. Tuy nhiên, qua những thông điệp tang thương u tối này, cải lương đã nâng cao nghệ thuật sân khấu phương Đông và đạt được sự cảm thông của khán giả khác màu da và tiếng nói.
Nhà phê bình André Delacour đã cảm nhận được bước tiến của cải lương tại Paris: “Các diễn viên rõ ràng là một chủng tộc khác, ngôn ngữ họ thì chúng tôi không hiểu được… nhưng trang trí sân khấu, phân cảnh bố cục và trang phục của họ làm cho chúng tôi bất ngờ, dẫn dắt chúng tôi có một cái nhìn vừa chính xác vừa thơ mộng của miền Viễn Đông. Chúng tôi cũng không thể không thấy mình đang hiện diện trước những con người là các anh em gần gũi, vì chúng tôi đang thấy họ đứng trước mặt chúng tôi, họ đang yêu thương và đau khổ giống chúng tôi”.
Nghệ thuật biên kịch của cải lương đã đóng góp một phần lớn đem lại sự cảm thông xuyên qua bức tường ngôn ngữ. Giới chuyên gia kịch nghệ Pháp đã nhìn thấy sự tinh tế trong kỹ thuật xử lý kịch tính trong tuồng Sủng phi, đặc biệt nhất là phương pháp dẫn dắt đến sức mạnh vĩ đại của sự thinh lặng. Kỹ thuật này đòi hỏi sự cân bằng chính xác trong tổng thể của tình tiết, lời thoại và diễn xuất trong hành trình cùng đến một đỉnh cao không gian và thời gian. Nhà phê bình Delacour đã chứng kiến đỉnh điểm đó trong tuồng cải lương đầu tiên trên sân khấu Paris:
“Sự thinh lặng này nhấn mạnh cách diễn đạt một màn trên sân khấu, hay chiều sâu của sự bất động. Lời thoại chỉ được sử dụng để đạt tới sự thinh lặng này, hoặc tuôn trào ra từ sự huyền bí của nó, giống như tiếng hót của con họa mi trong một đêm hè thanh vắng. Chính trong lúc sự bất động và sự thinh lặng chạm trán hay nở rộng, là lúc vở kịch của ý thức diễn ra, đạt đến cường độ, làm xúc động khán giả trực tiếp nhất; và chúng ta có thể thấy, một lần nữa, không có gì bi thảm cho con người bằng cảm giác của con người, và sự tàn phá niềm đam mê của họ”.
Tiếng vang từ Paris về đoàn Phước Cương và thiên tài diễn xuất của cô Năm Phỉ đã thu hút khán giả người Pháp ở Đông Dương tìm đến nghệ thuật sân khấu cải lương. Khi trở về nước, đoàn Phước Cương rất nổi tiếng và lưu diễn khắp nơi. Báo Pháp L’Éveil Économique de l’Indochine xuất bản ở Hà Nội đã đề cao cô Năm Phỉ là một đại minh tinh của An Nam, tương xứng như hai ngôi sao Marguerite Georges và Sarah Bernhard của Pháp. Bài báo cho biết có người ca ngợi cải lương như là “một cuộc cách mạng của sân khấu cổ điển”, đồng thời nêu ra rằng cải lương đang và sẽ tiếp tục thay đổi cái nhìn tiêu cực thờ ơ của các thế hệ Pháp kiều trước đây đối với nghệ thuật sân khấu An Nam.
Các phát hiện từ nguồn tư liệu Pháp đã mở ra một góc nhìn hoàn toàn mới về cải lương xuyên qua lăng kính của giới trí thức phương Tây. Chuyến lưu diễn lịch sử của các sứ giả cải lương lần đầu tiên đến với khán giả quốc tế đã để lại ấn tượng sâu sắc cho báo chí và giới phê bình nghệ thuật của Paris. Mặc dù sử dụng tiếng Việt, bằng thiên tài diễn xuất, cô Năm Phỉ đã chinh phục được trái tim khán giả, trở thành diễn viên Việt Nam đầu tiên được phương Tây ca ngợi so vai với các ngôi sao sân khấu châu Âu. Góc nhìn từ Paris cho thấy khác với các hình thái sân khấu Việt Nam trước đây, cải lương đã xóa đi biên giới quốc gia, ngôn ngữ, chủng tộc; đem lại nhận thức về giá trị nhân bản, sự tôn trọng và niềm cảm thông từ một truyền thống văn hóa nghệ thuật phương Tây.
Báo chí quốc ngữ ở Đông Dương cũng tường thuật việc truyền thông Pháp ca ngợi cô Năm Phỉ và so sánh với hai ngôi sao của Nhật
“Dư luận Pháp công nhận cô Năm Phỉ là một vị đào hát tài tình” – Ngọ Báo Hà Thành, 2-7-1931: “Báo Comédia kêu cô Năm Phỉ “là một cô đào rất tài tình, có những điệu bộ khéo léo đến nỗi muốn dắt người đem đi đâu cũng được cả”. Còn báo Intransigeant thì phê bình rằng: “Tại cuộc đấu xảo, tôi đã được trông thấy một vị đào hát An nam và nếu đem so sánh với các vị đào của nước ta thì cũng không một vị nào hơn được”.
“Cô Năm Phỉ được tiếng khen ở Paris” – Phụ Nữ Tân Văn, 16-7-1931: “Báo Intransigeant bình phẩm rằng “Tôi thấy ở trường Đấu xảo, có một cô đào-hát Việt-nam, về đường mỹ thuật chẳng có cô đào nhà ta ăn đứt được”. Báo Coemedia cũng khen ngợi cô Năm Phỉ, có câu rằng: “…cô đào thiệt hay, muốn dẫn người ta đi đâu cũng được”. Báo ấy lại so sánh cô Năm Phỉ với Sada Yakko và Kanako là đào hát có danh ở nước Nhật bây giờ”.