Sao bây giờ nói tới đảm đang, dịu dàng, nội trợ là các nàng trẻ tuổi chỉ muốn… nổi khùng lên. Tha chửi cho là may! Cả bao nhiêu thế hệ cụ, bà, mẹ, chị khổ thế nào ai cũng biết rồi, khoác cho họ cái áo “hy sinh, đảm đang” khổ một đời vì cái chung, vì cái “ta”.
Cứ đọc tất cả các hồi ký của xứ ta mà xem, hầu hết đều nói “tôi sinh trưởng trong gia đình nghèo, mẹ tôi khổ suốt đời hy sinh cho chồng con…”. Bây giờ xây dựng xã hội mới là để cho thế hệ sau được sung sướng hơn, chứ khổ như trước thì có mà… đi giật lùi à.
Thế nên nghe bên Tàu sắp sang ta xây viện Khổng Tử, mọi người ngờ ngợ, có học cụ Khổng thật không, hay là chuyện gì đây? Có người nói đùa, cứ xây cho thật lớn vào, đạo đức thời cụ chẳng ma nào theo đâu, cứ xây đi, may ra lại… bán được đất.
Khỏi nói đâu xa, khỏi nói xấu người trẻ, mà ngay nhà tôi đây, người của thời đảm đang, nay đã cho tôi “ăn quả đắng”. Ngày xưa do tôi làm ăn được ở cái thời mới mở cửa đầu tư vào nhiều, tiền của rủng rỉnh. Mỗi lần đi mua sắm, cô ấy muốn thứ gì là đem thứ đó về. Hằng năm, cô ôsin mừng rỡ khi bà chủ trẻ “tổng vệ sinh” cái tủ trang điểm.
- Xem thêm: Làm hư cả nhà
Thôi thì nước hoa còn phân nửa, các lọ, hộp xinh xinh, son môi, phấn nền, toàn hàng cao cấp cũng “ra đi” để có cả một bộ đồ trang điểm mới, đỡ phải mua lắt nhắt. Cô ôsin thì cần gì hạn sử dụng, son phấn để cả mấy năm dùng có sao đâu, lâu lắm đi đâu cưới xin lễ tết mới bôi nhè nhẹ chứ đâu có kỳ công hằng ngày như bà chủ.
Đồ nhà bếp mới gọi là hoành tráng. Mua theo chuyên đề. Dao các loại sáng bóng đủ số từ lớn đến nhỏ. Muỗng nĩa cũng vậy. Đến cái thớt cũng “chuyên đề” luôn. Thớt gỗ màu sáng có vân để xắt đồ chín ăn ngay như thịt luộc, còn thớt nâu để làm đồ tươi sống…
Ban đầu tôi thấy cầu kỳ quá. Sau cũng vui vì cô ấy mê ở trong bếp, cái bếp chuyên nghiệp như vậy, gia đình hưởng lợi chứ ai. Cỗ bàn không kể, ngay ăn cơm thường cũng khá nhiều món cầu kỳ, rau củ quả chế biến, xay, ướp chứ không hề chém to kho mặn.
Đùng một cái, bà xã “giác ngộ” vào đúng lúc tôi không còn là trai trẻ nữa, đã có sự nghiệp, đã đi ăn uống giao tiếp bên ngoài, đi nghỉ mát các nơi, quen nhà hàng khách sạn… Thì bà xã tuyên bố: “Từ nay đơn giản thôi. Mình làm hư cả nhà rồi”.
Tôi tìm mãi mới ra lý do. Thì ra, thủ phạm chính là cậu… con rể Tây. Cả nhà nó về bà ngoại ăn cơm Chủ nhật. Cháu ngoại đòi… ị, thì bà hết hồn thấy con gái mình cứ ngồi ăn, còn rể Tây đứng dậy vui vẻ lo cho con xong mới tiếp tục vào bàn tiệc.
Bà xã kể: “Vậy đã ăn thua gì. Đến nhà chúng xem, chúng đãi khách thế nào. Một đĩa nhỏ có vài khoanh dưa leo, cà chua, hành tây. Thế là rau đó. Ăn xong, tiếp đến đĩa có lát bánh mì, ít thịt nguội xắt mỏng, có khi thêm đĩa nhỏ cá hộp. Uống chút rượu vang. Thế là xong.
Chứ không phải mâm cỗ của ta, tô to tô nhỏ, đĩa rau đĩa chả, tô canh, cứ chen nhau không còn chỗ xếp. Nấu gần chết. Rửa chén mệt nghỉ. Thôi, từ nay ta chẳng dại. Nào bún riêu bún thịt nướng, chả giò, xúp nọ riêu kia, làm xong là muốn… đi nằm, ăn gì nổi. Sau mỗi bữa tiệc, cứ như xong một trận đánh. Thôi, chính mình làm hư cả nhà”.
- Xem thêm: Vợ bệnh
Đứa con trai thì đi làm về khuya nhưng không bao giờ chịu ăn đồ nguội. Đứa em gái tan học về, mở mâm cơm ra xong bĩu môi, lại thịt gà à, chán quá! Khổ nhất là tôi. Xưa có về trễ, ngồi ăn có cô ấy ngồi xới cơm, chỉ món này món kia mời mọc. Nay thì đi về muộn, tự nấu lấy. Mệt quá, phụ nữ giác ngộ rồi. Họ tìm ra cái tôi rồi.
Tôi rất ghét ai cứ viết báo nói rằng phải đi tìm cái tôi đã mất, phải sống cho cá nhân. Đó là thời xưa, thời chiến tranh gian khổ, thời bao cấp, cái gì cũng chủ nghĩa tập thể, không giải phóng cá nhân. Thời các cụ Nguyễn Khải mới có quyền nói thế, chứ bây giờ cái tôi lộng hành, toàn một đám ích kỷ mà còn “tôi, tôi” cái gì.
Thế nên, khẩu hiệu bây giờ phải là, đi tìm cái ta đã mất.