Từ tháng 5, lượng du khách đến Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt do tình hình căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông. So với bốn tháng đầu năm, các hãng lữ hành Trung Quốc đã hủy hoàn toàn các tour, tuyến bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển với Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường du khách tiếng Hoa như Hongkong, Macau, Đài Loan và thị trường ASEAN có dấu hiệu sụt giảm 30% theo báo cáo của ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch vào ngày 30-5 vừa qua, tình hình này đã đặt ra yêu cầu với các công ty du lịch phải nhanh chóng điều chỉnh để thay thế bằng những thị trường tiềm năng khác.
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là thị trường có lượng khách quốc tế dẫn đầu của ngành du lịch Việt Nam, chiếm 25% tổng số khách quốc tế đến và là nguồn khách chính của các tỉnh phía Bắc nơi có cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, khách Trung Quốc qua đường bộ này thuộc phân khúc thấp, thời gian lưu trú ngắn vì đi theo các tour nghỉ của cơ quan, đơn vị; đi du lịch cá nhân thường kết hợp với mua bán, làm ăn…, nên số lượng tuy đông mà chi tiêu không cao. Con số chi tiêu theo thống kê của Tổng cục Du lịch là trung bình khoảng 500 USD/người/ngày so với 1.200 USD của du khách các nước khác. Vì thế, theo đánh giá chung đến hết năm 2014, mất đi 1 triệu khách Trung Quốc thì ngành du lịch Việt Nam thiệt mất 500 triệu USD, tương đương khoảng gần 11.000 tỉ đồng. Nếu so sánh với tổng thu dự kiến của ngành du lịch Việt Nam trong năm nay là 230.000 tỉ đồng (tương đương với 10,5 tỉ USD) khi đón được 8 triệu lượt khách quốc tế và trên 37 triệu lượt khách nội địa, thì nguồn thu từ du khách Trung Quốc chưa tương xứng với số lượng. Nhưng dù là như thế thì đây vẫn là nguồn thu giúp cho ngành du lịch phía Bắc phát triển.
Chịu tác động trực tiếp mức sụt giảm này là khu vực chuyên phục vụ khách nói tiếng Hoa tại TP.HCM ở Q.5, Chợ Lớn như Công ty Du lịch Chợ Lớn, Lien Bang Travelink, Lê Phong… kèm theo là hệ thống khách sạn, nhà hàng cùng các dịch vụ phục vụ khác.
Ông Lý Tất Vinh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Du lịch Chợ Lớn cho biết: “Lượng khách ở các thị trường truyền thống giảm buộc chúng tôi phải tính toán lại kế hoạch, khởi động việc tiếp thị các thị trường thay thế khác như chuyển trọng tâm sang các nước ASEAN, Ấn Độ lâu nay đã có giao dịch nhưng chưa phát triển mạnh”. Du lịch Chợ Lớn có hai khách sạn ba sao, thường dành cho khách quốc tế thì nay sẽ mở rộng đón du khách nội địa đi công tác hoặc khách tour, khách đoàn. Cùng một phương cách như vậy, ông Dương Duy Mỹ, Tổng giám đốc Windsor Plaza cho biết: “Đến nay thì lượng khách Trung Quốc đã hủy toàn bộ 100% các booking đặt phòng nên chúng tôi phải tăng cường thị trường nội địa. Nếu tình hình xấu hơn thì cũng phải nghĩ đến việc giảm giá phòng nghỉ, nhà hàng để duy trì hoạt động”.
Tuy vậy, ông Vinh cho rằng đây là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch xem xét cũng như cơ cấu lại hướng kinh doanh, nguồn khách để phòng chống rủi ro. Bởi du lịch là ngành nhạy cảm, dễ bịảnh hưởng với các yếu tố kinh tế, chính trị, thiên tai hay dịch bệnh và cũng không thiếu những rủi ro đột xuất cũng như các nguy cơ bất ngờ. Vì thế, mất khách Trung Quốc sẽ làm cho các công ty từ trước đến nay chỉ chuyên về một thị trường, thiếu đa dạng lĩnh vực hoạt động bịảnh hưởng nặng nề.
Đối với nhiều công ty du lịch như Saigontourist, Vietravel, Benthanh Tourist, Fiditour, Hòa Bình… thì tuy khách nói tiếng Hoa không chiếm số lượng chi phối, nhưng vẫn là nguồn khách nhiều tiềm năng. Từ năm 1996, Saigontourist phát triển hình thức du lịch tàu biển, cho đến năm 2013 đã đạt con số gần 100 tàu đến Việt Nam mỗi năm với hơn 100.000 khách. Thoạt đầu đa phần là khách châu Âu nay phát triển thêm nhiều tour châu Á, như tàu SuperStar Vigo đến cảng Hạ Long vào ngày 3-6 xuất phát từ Hongkong nên có 150 khách Trung Quốc. Ông Lương Mỹ Hưng, Giám đốc Kinh doanh khối Inbound cho biết: “Chiến lược kinh doanh của công ty là khai thác đồng đều các thị trường trọng điểm của du lịch quốc tế như Tây Âu, Đông Bắc Á, du lịch tàu biển, biên giới… Trong thời gian tới, Lữ hành Saigontourist sẽ xúc tiến mạnh và quảng bá các khu vực Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand, Đông Âu… thông qua các hội chợ, xúc tiến riêng. Do vậy, thiệt hại từ nguồn khách tiếng Hoa trước mắt chưa thực sự lớn, nhưng tầm ảnh hưởng ra sao tùy thuộc vào mùa khách inbound vào cuối năm”.
Lượng khách nói tiếng Hoa tại Công ty Du lịch Vietravel cũng không phải là nguồn khách đến quan trọng so với khách Nhật Bản, châu Âu, Trung Đông, nhưng từ tháng 3, Vietravel đã mở hướng khai thác thu hút du khách Trung Quốc phân khúc cao cấp bay thẳng từ Thượng Hải đến Đà Nẵng 2 chuyến/tuần bằng các chuyến bay riêng. Nếu không có sự kiện Biển Đông diễn ra thì loại hình du lịch hợp tác này sẽ phát triển tốt với nhiều địa phương ở Trung Quốc đến Đà Nẵng, TP.HCM… bằng đường bay trực tiếp và đó là nguồn thu không nhỏ. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Khối truyền thông của Công ty Vietravel giới thiệu các phương án thay thế là xúc tiến mạnh hơn các thị trường nói tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha để thu hút du khách châu Âu; tiếp tục mở rộng văn phòng đại diện tại các nước và các thị trường trọng điểm Mỹ, Úc, Pháp, Hongkong, Singapore, Malaysia…; tiếp tục tham gia các hội chợ du lịch quốc tế định kỳ, tổ chức các đoàn famtrip…
Hiện nay chưa phải là mùa cao điểm của du lịch outbound, chưa đủ yếu tố để đánh giá về những thiệt hại cũng như sự chuyển hướng thị trường có tác dụng đến đâu. Vì vậy, theo ông Võ Anh Tài, Chủ tịch Hội Lữ hành TP.HCM, Tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist thì Việt Nam phải đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về một điểm đến an ninh, an toàn và thân thiện với du khách quốc tế, kể cả khách Trung Quốc. Chiến dịch truyền thông này phải được quảng bá mạnh mẽ, đa dạng, tranh thủ các hội chợ, road show ở thị trường quốc tế… Chính phủ cần miễn giảm thị thực cho các thị trường bổ sung, như khi Nhật miễn giảm visa cho du khách Thái thì lượng khách tăng lên 100% hay hiện nay ở Singapore hay Malaysia tràn ngập du khách Ấn Độ.
Việc bị động trước chuyện bị hủy toàn bộ các tour đến và đi từ Trung Quốc đã bộc lộ nhiều nhược điểm của ngành du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel thì cho rằng, kinh nghiệm lớn nhất rút tỉa được là công tác định hướng thị trường để xúc tiến, quảng bá của chúng ta trong thời gian qua còn chủ quan, không tính toán đến những trục trặc hoặc sai sót có thể xảy ra. Làm thị trường nhưng không có kế hoạch dài hạn, căn cơ, nên khó tiến xa trong việc mở rộng thị trường.
Kim Phi