Sau nhiều năm thực hiện kế hoạch trỗi dậy hòa bình mà mục tiêu là nhanh chóng cường thịnh về mọi mặt, song song với sách lược ngoại giao bàn tay sắt bọc nhung, vừa ru ngủ vừa gây sức ép đối với lân bang và sách lược kinh tế hấp thu ngoại lực phát triển nội lực, Trung Quốc đã dùng nội lực tích tụ để bành trướng thế lực xâm lược phi vũ trang trên cơ sở học thuyết “Biên giới mềm”. Giờ đây với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có một khối lượng dự trữ ngoại tệ đứng đầu thế giới, Trung Quốc đang nghĩ rằng mình đã đủ mạnh cả về quân sự lẫn kinh tế để thực hiện một bước ngoặt lớn, công khai tiến hành chiến dịch bành trướng lãnh thổ bằng vũ lực, sử dụng chính sách ngoại giao kiểu pháo hạm rất tự tin và ngạo mạn, với ý đồ buộc các nước trong khu vực và trên thế giới phải cúi đầu chấp nhận sự xuất hiện hùng mạnh của một đế chế Trung Hoa mới.
Đây là một bước đi táo bạo nhưng đã được sắp xếp theo một lộ trình rõ rệt từ nhiều năm qua nhằm đạt đến nhiều mục tiêu đã vạch sẵn, có tính toán đủ mọi kịch bản khả dĩ dựa trên kết quả đo lường, đánh giá ý chí chống trả và mức độ phản ứng của các nước có quyền lợi bị xâm phạm trực tiếp, các nước có quyền lợi bịảnh hưởng gián tiếp trong khu vực và các siêu cường quốc tế. Việc chọn địa điểm đầu tiên để lấn chiếm (vùng đặc quyền kinh tế thuộc thềm lục địa của Việt Nam) cho thấy Trung Quốc chọn một nơi mà họ nghĩ là yếu nhất để tạo nên một “sự đã rồi” (de facto) làm cơ sở cho việc triển khai trong lâu dài yêu sách đường chín đoạn ngang ngược của họ theo chiến thuật tằm ăn dâu, nhằm từng bước chiếm trọn Biển Đông, biến vùng biển có vị trí chiến lược xung yếu này thành ao nhà của họ.
Tàu Trung Quốc dày đặc và luôn mở bạt che súng đe dọa vũ lực, phía xa là giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc
Tham vọng của Trung Quốc không chỉ cho thấy sự khao khát tài nguyên và nguồn năng lượng hóa thạch của họ đã đến mức cấp bách, mà còn muốn thế giới công nhận Trung Quốc đang là ông trùm không tranh cãi của vùng Đông Á. Nếu kiểm soát được Biển Đông, kiểm soát được nguồn năng lượng hóa thạch giàu có tại đây và khống chế huyết lộ giao thương hàng hải Nam Bắc Đông Á, Trung Quốc tin chắc sẽ nắm chặt yết hầu các nước Đông Bắc và Đông Nam Á, đe dọa đến lợi ích kinh tế sống còn của họ. Như vậy, với hành động lấn chiếm Biển Đông, Trung Quốc đồng thời cũng tỏ rõ quyết tâm mạnh mẽ thách thức mô hình thế giới đơn cực của Mỹ, buộc Mỹ phải thừa nhận Trung Quốc như một siêu cường quân sự và kinh tế toàn cầu, một đối trọng tương xứng để đi tới một sự phân chia ảnh hưởng chính trị và quyền lợi kinh tế trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Trung Quốc nghĩ rằng đối với một nước Mỹ giàu có nhưng sợ chiến tranh – con hổ giấy như họ thường ví von – cuối cùng việc phân chia vùng ảnh hưởng để đổi lấy sự bình an có vẻ là một sự chọn lựa dễ chịu cho Mỹ hơn là đối đầu quân sự. Nếu điều này xảy ra như các tính toán đầy tham vọng của các ông chủ tại Trung Nam Hải, nó sẽ dẫn đến những thay đổi trong các quan hệ xuyên quốc gia, hệ quả là những đồng minh của Mỹ tại khu vực Đông Á có thể phải trở thành chư hầu của Trung Quốc để được ban cho một nền hòa bình Đông Á theo kiểu Trung Hoa, tương tự như hòa bình theo kiểu La Mã (Pax Romana) 2 ngàn năm trước đây tại khu vực Địa Trung Hải. Tuy nhiên ước muốn là một chuyện, còn thực tế có thể khác hẳn. Việc Trung Quốc chọn thời điểm hiện nay để giương nanh múa vuốt quả là không thích hợp, khi họ có quá nhiều vấn đề nội bộ phải giải quyết và khi họ vẫn thực sự chưa đủ mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự như họ tưởng tượng. Ngay như nếu họ đủ mạnh, thời đại ngày nay cũng không cho phép họ ngang nhiên hành động bá quyền, bất chấp đạo lý, công lý và luật quốc tế. Đơn giản vì Trung Quốc không phải là thế giới, mà chỉ là một bộ phận của thế giới.
Đối với Việt Nam, thách thức rất nghiêm trọng này lại có thể trở thành một phép lạ mở ra một cơ hội lịch sử lớn chưa từng có cho việc đi đến mục tiêu cường thịnh. Trong nhiều thế kỷ qua, trên tiến trình phát triển về phương Nam, khi lãnh thổ đất nước trải dài ra và cộng đồng dân tộc mở rộng, những thay đổi về địa kinh tế chính trị đã tạo ra lực ly tâm, gây nên những trở ngại không nhỏ cho sự thống nhất lãnh thổ và sự đồng tâm hiệp lực của một cộng đồng dân tộc ngày càng đông lên. Trong vòng ba trăm năm trở lại đây, thời gian đất nước bị chia cắt tạm thời không ít. Có thể nói về mặt lịch sử, sự chia rẽ dân tộc, đôi lúc được ngoại bang khoét sâu thêm, chính là nguyên nhân quan trọng nhất trong mọi nguyên nhân đã ngăn cản, triệt tiêu, làm suy yếu, làm hao mòn các nỗ lực tiến đến cường thịnh của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam. Từ khi đất nước thống nhất đến nay gần bốn mươi năm, hòa giải hòa hợp dân tộc vẫn chỉ là điều mơước. Nhưng giờ đây, khi phải đối mặt với thách thức xâm phạm bờ cõi và chủ quyền quốc gia từ phương Bắc, cơ may hòa giải hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc lại xuất hiện, với một tầm vóc lớn lao hơn cả Hội nghị Diên Hồng gần ngàn năm trước. Hàng chục triệu trái tim Việt Nam, trong và ngoài nước, đang hướng về một mục tiêu chung: bảo vệ bờ cõi và chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Bây giờ nước ta đã có một dân số đứng vào hàng 14 trên thế giới, một lãnh thổ dài hàng ngàn dặm và một thềm lục địa trù phú rộng hàng triệu cây số vuông với hàng ngàn đảo lớn nhỏ. Chúng ta không còn là một nước nhỏ và càng không thể là một nước yếu hèn. Khi cơ may cho một sự đoàn kết vĩ đại, một sự đồng tâm hiệp lực của trên 90 triệu người Việt của một nước Việt thống nhất đang xuất hiện, cơ may ấy không thể bị bỏ lỡ. Đó là cơ hội ngàn năm có một cho dân tộc Việt. Đó là cơ hội để Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, có một chỗ đứng xứng đáng trên thế giới này.
Cơ hội đoàn kết sẽ mở ra cơ hội cường thịnh. Khi một dân tộc đã thống nhất được ý chí, thống nhất được mục tiêu, dân tộc đó sẽ nhận thức được rằng hòa bình, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, cuộc sống an lành hạnh phúc của mọi người dân phải được bảo vệ bằng chính sức mạnh của mình. Phát triển kinh tế làm nền tảng bền vững cho tương lai cường thịnh lâu dài của đất nước phải là ưu tiên số một. Muốn vậy, chiến lược quốc gia về sung dụng tài nguyên phải rõ ràng: các nguồn lực quốc gia phải được đặt vào tay những nhà đầu tư, những doanh nghiệp sử dụng chúng hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất, không phụ thuộc vào những đãi ngộ mang tính chất chính trị. Bộ máy hành chính phải hỗ trợ đắc lực cho mọi người dân, cho mọi doanh nghiệp, là lực đẩy cho phát triển thay vì là lực cản. Hệ thống giáo dục, hệ thống xã hội, hệ thống chính trị phải phát huy dân chủ và công bằng xã hội, tạo điều kiện cho tư duy sáng tạo nảy nở sinh sôi, cho nhân tài, hào kiệt đất nước xuất hiện. Bậc hiền tài được trọng dụng, tham nhũng bị đẩy lùi, cơ hội thăng tiến được tạo ra đồng đều cho mọi người, hệ thống an sinh phúc lợi xã hội được xây dựng và phát triển, môi trường sống được bảo vệ, đạo đức và văn hóa được giữ gìn và phát huy, đất nước sẽ nhanh chóng cường thịnh. Khi Nhà nước ta, nhân dân ta trên dưới một lòng, kinh tế nước ta phát triển, tiềm lực quốc phòng vững mạnh, sẽ không có ngoại bang nào dám dòm ngó, xâm phạm đến bờ cõi, chủ quyền của đất nước.
Thách thức hiện nay cũng thúc đẩy Việt Nam quyết tâm thay đổi chiến lược ngoại giao theo hướng độc lập tự chủ, bảo vệ những lợi ích lâu dài của đất nước dân tộc, như người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã khẳng khái tuyên bố: “Việt Nam không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng để nhận lấy thứ hòa bình hữu nghị viển vông, lệ thuộc…”. Đây là một cơ hội vàng để Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng bất lợi của Trung Quốc, một láng giềng lớn nhưng tâm địa nhỏ nhen và không bao giờ muốn Việt Nam cường thịnh, để tiến về phương Nam, sát cánh với những bạn bè đồng cảnh ngộ và những nước mà lợi ích của họ cần một Việt Nam hùng mạnh, nhân tố quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng ở Biển Đông, để cùng họ thịnh vượng. Đó chính là hướng đi lịch sử mà hàng ngàn năm nay các triều đại của nước ta, nhân dân ta kiên trì theo đuổi. Còn đối sách với Trung Quốc không ra ngoài bốn chữ thể hiện cách xử thế của người quân tử: “hòa nhi bất đồng”. Giữ gìn hòa bình hữu nghị với Trung Quốc nhưng không lệ thuộc họ, không bị họ đồng hóa và luôn luôn cảnh giác phòng bị chính là cốt lõi đối sách ngoại giao với Trung Quốc của nước ta từ ngàn năm nay. Nhờ đó, bất cứ dã tâm xâm lược nào từ phương Bắc cũng bị đập tan tành, như lịch sử đã chứng minh.
Ngay bây giờ, việc Trung Quốc đem tàu chiến và giàn khoan xâm phạm thềm lục địa của Việt Nam phải được ngăn chặn. Lý thuyết về cửa sổ bị phá vỡ cho thấy rằng một cánh cửa vỡ phải được vá lại, nếu không muốn những cửa sổ khác tiếp tục bị phá vỡ. Con tằm phải bị loại trừ ngay khi ăn chiếc lá dâu đầu tiên. Chúng ta cần áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn hiệu quả, không loại trừ việc đưa kẻ xâm lược ra trước tòa án quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, quan điểm về liên kết ngoại giao quân sự cũng cần thay đổi. Chúng ta không liên minh với một hay nhiều nước để chống lại nước khác, nhưng chúng ta có quyền liên minh để tự vệ. Đây là quyền phòng vệ tập thể chính đáng của các nước nhỏ yếu.
Để kết luận, chúng tôi xin mượn phát biểu của Heny John Temple, một nhà chính trị người Anh, vào giữa thế kỷ XIX: “Chúng ta không có đồng minh vĩnh cửu, chúng ta không có kẻ thù vĩnh cửu, chỉ có lợi ích của tổ quốc là vĩnh cửu và chúng ta có nghĩa vụ phụng sự điều đó”.
Huỳnh Bửu Sơn