“Hai mươi lăm năm theo dòng kinh tế Việt Nam” – đó cũng là thời gian mà tác giả Huỳnh Bửu Sơn – chuyên gia kinh tế – với tư cách người cầm bút đã ghi lại những trải nghiệm sống động và biết bao trăn trở của một trí thức từ ngày đất nước đổi mới.Là một chuyên gia ngân hàng từ năm 1967, ông được biết đến không chỉ là người giữ chìa khóa của kho vàng 16 tấn do chính quyền cũ để lại, mà còn vì sau năm 1975 đến nay đã liên tục hoạt động trong lĩnh vực này qua nhiều vị trí khác nhau. Từ những hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông đã tham gia vào đời sống báo chí với hàng trăm bài bình luận và phân tích tình hình kinh tế sâu sắc.
Các bài viết của tác giả với ngôn từ duyên dáng nhưng lập luận chặt chẽ, văn phong bay bướm nhưng tính thuyết phục cao, trình bày những vấn đề gai góc bằng tất cả tâm tình, đã lôi cuốn một số lớn độc giả của các báo mà ông từng cộng tác như Tuổi Trẻ, Lao Động, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần…
Là một thành viên tích cực trong Nhóm chuyên viên kinh tế “Thứ Sáu”, ông từng chủ trì nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn như “Giá-Lương-Tiền” vào năm 1986, hay “Đổi mới Hệ thống Ngân hàng” vào năm 1989 làm tiền đề cho sự ra đời sau đó của Pháp lệnh Ngân hàng mà ông đã có phần đóng góp tích cực trong quá trình soạn thảo. Cùng với ba chuyên viên khác trong Nhóm “Thứ Sáu”, ông cũng được mời tham gia vào Tổ tư vấn của chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mà ông từng bộc bạch “Tôi bị ông thu hút bởi đức độ, một trái tim bao dung nhân hậu, lòng yêu nước yêu dân sâu đậm và một sự minh triết đáng kinh ngạc”.
Cuốn sách “Hai mươi lăm năm theo dòng kinh tế Việt Nam” ra đời từ gợi ý của một số thân hữu, là một tập những sự kiện và vấn đề theo dòng thời sự kinh tế – xã hội gần một phần tư thế kỷ qua, mà tác giả vừa là người trong cuộc vừa là chứng nhân.
Phần 1 của “Hai mươi lăm năm theo dòng kinh tế Việt Nam” với tựa đề chung “Đồng bạc Việt Nam, vàng và đôla” sẽ đưa người đọc tìm đến sự tương quan giữa các phương tiện thanh toán trong đời sống kinh tế – xã hội hiện nay qua một nhận định mở đầu đầy hình tượng “Đồng bạc Việt Nam, người lữ hành cô đơn” đang còng lưng cần mẫn gánh trên đôi vai gầy yếu của mình sức nặng trì trệ để lại từ thời bao cấp. Sau buổi bình minh của kinh tế thị trường là một chặng đường dài thử thách với những cơn lốc lãi suất, lạm phát, tỷ giá, vậy đâu là bài toán tiền tệ để giúp đồng bạc làm tròn vai trò của mình. Phần đầu của tập sách sẽ dừng lại với những bài viết góp ý về một hệ thống ngân hàng hoạt động có hiệu quả trong cơ chế thị trường.
Phần 2 của cuốn sách có tựa đề “Mở cửa và giấc mơ hóa rồng” là một tập hợp những trăn trở và mong ước không chỉ của tác giả mà là của bất cứ ai trông chờ vào những giải pháp có tính chiến lược nhằm đưa đất nước ra khỏi vòng xoáy của nghèo nàn lạc hậu, mà trong chừng mực cứ như đang nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Đó là những thách thức của chiến lược thời mở cửa, những giải pháp “khai thông huyệt đạo” để đi đến một tương lai thịnh vượng, cũng như đâu là những bước ngoặt trên con đường làm giàu đưa nền kinh tế đất nước vượt vũ môn.
Trải qua một thời tuổi trẻ đầy biến động, thân phận gắn liền với một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nhưng tác giả luôn giữ sự thanh liêm của người trí thức độc lập trong nhận thức, mạnh dạn nói đúng những điều mình nghĩ, viết đúng những điều còn băn khoăn chỉ nhằm đóng góp hiểu biết khiêm tốn của mình cho sự phát triển của đất nước, cho một xã hội hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay.
Với ông, làm được phần nhỏ điều mình mong muốn cho cái chung đã là rất hạnh phúc rồi. Suy nghĩ đó chúng ta có thể nhìn thấy xuyên suốt qua các bài viết trong tập sách này.
Trần Trọng Thức (Nhà báo)