Nhắc đến nội soi tiêu hóa, nhiều người liên tưởng ngay đến cảm giác đau đớn và buồn nôn như bị tra tấn. Có người còn sợ hãi đến thốt lên: “Thà chết chứ không nội soi lần thứ hai”. Trong một số trường hợp sự lo lắng thái quá của người bệnh làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp cao đến nỗi không thể thực hiện nội soi vì nguy hiểm đến sức khỏe.
Nội soi đau đớn thường do tình trạng quá tải hoặc thao tác của bác sĩ
Nội soi tiêu hóa là phương pháp chẩn đoán rất phổ biến trong y tế, cho kết quả chẩn đoán chính xác và có thể phát hiện ung thưở giai đoạn rất sớm. Số người được nội soi ngày càng gia tăng do nhu cầu chẩn đoán, điều trị qua nội soi và tầm soát ung thưống tiêu hóa. Thực tếở các trung tâm lớn trên cả nước, hầu như lúc nào cũng có khá đông người bệnh chờ được bác sĩ nội soi.
Nội soi tiêu hóa là cách gọi chung của nội soi nhiều cơ quan trong ống tiêu hóa như: dạ dày, tá tràng, ruột non, ruột già. Thông qua nội soi, khi quan sát thấy thương tổn nào đó, bác sĩ nội soi có thể lấy nhiều mẫu mô ở nơi thương tổn (gọi là sinh thiết) gởi đến đơn vị giải phẫu bệnh lý để khảo sát vi thể về mô học, tế bào học, dựa vào đó bác sĩ lâm sàng sẽ có hướng điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Việc nội soi là rất cần thiết để phát hiện sớm các thương tổn trong dạ dày, đường ruột, đặc biệt là tầm soát ung thư ruột già từ việc tầm soát polyp và ung thư ruột già, nhất là người từ 50 trở lên. Nhờ thủ thuật nội soi, bác sĩ có thể phát hiện tổn thương trực tiếp được truyền tải qua camera, đồng thời có thể đưa dụng cụ vào xử lý các tổn thương như điều trị viêm, loét dạ dày, gắp sỏi trong mật – tụy, cắt polyp (u lành) trong ruột già…
Thủ thuật nội soi, ngay từ ban đầu, khó tránh khỏi cảm giác khó chịu cho bệnh nhân vì đưa ống soi từ miệng xuống thực quản, dạ dày, ruột khó tránh cảm giác trào ngược. Còn nội soi đại tràng thường gây đau đớn, đặc biệt những trường hợp khó soi, khi ống soi đi qua các chỗ gập góc. Ngoài cảm giác đau, người bệnh có cảm giác căng tức ở bụng, cảm giác mót đi cầu khi ống soi đi vào trực tràng.
Nhưng trên thực tế, cảm giác nhiều hay ít phụ thuộc vào kỹ thuật của bác sĩ nội soi và tùy thuộc vào cảm nhận của từng người. Nếu bác sĩ thao tác không đúng kỹ thuật và mạnh tay, gây va chạm mạnh vào thành ống tiêu hóa sẽ làm tăng khó chịu cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là thái độ của bác sĩ với bệnh nhân. Trong tình trạng bệnh viện quá tải như hiện nay, số lượng bệnh nhân mà bác sĩ buộc phải phục vụ mỗi ngày quá đông. Vì thế, người bác sĩ thay vì thể hiện sự quan tâm, chia sẻ bằng cách dành thời gian trò chuyện, tìm hiểu từng bệnh nhân thì họ phải làm việc một cách nhanh chóng để giải quyết nhanh số lượng bệnh nhân đang chờ đợi, trong thủ thuật nội soi cũng không ngoại lệ. Có lẽ quá tải là nguyên nhân của việc nội soi gây đau đớn như hiện nay.
Cách nào để giảm đau trong nội soi tiêu hóa?
Ngoại trừ nội soi không dây không gây khó chịu cho người bệnh, tất cả các kiểu nội soi ống mềm đều ít nhiều gây cảm giác khó chịu cho người bệnh. Nội soi không dây hay còn gọi là nội soi viên nang, khi soi người bệnh sẽ nuốt một camera tí hon kích thước chỉ bằng một viên thuốc. Bên trong viên nang nội soi có camera, pin, hệ thống phát tín hiệu qua sóng truyền hình. Một đầu thu sẽ được mang bên người để thu nhận tín hiệu hình ảnh do viên nang gửi ra. Nội soi không dây hoàn toàn không đau nhưng giá trị chẩn đoán của nó kém nhiều so với nội soi bằng ống soi mềm mà giá thành lại cao hơn gấp nhiều lần. Chính vì vậy, bác sĩ thường chọn nội soi bằng ống mềm và sử dụng một trong các biện pháp vô cảm như: gây tê tại chỗ, gây mê toàn diện hoặc dùng thuốc giảm đau và thuốc ngủ.
Thứ nhất, phương pháp gây tê tại chỗ bằng cách xịt thuốc tê vào họng và bôi thuốc tê dạng gel vào ống soi khi nội soi dạ dày. Còn khi nội soi trực tràng, đại tràng thì thuốc tê sẽ được thoa vào trong ống hậu môn nhưng không có tác dụng giảm đau nhiều như mong đợi.
Thứ hai, phương pháp dùng thuốc giảm đau và thuốc ngủ (thường gọi là giảm đau có an thần): Bác sĩ sẽ cho thuốc giảm đau và thuốc ngủ qua đường truyền tĩnh mạch để người bệnh đi vào giấc ngủ, hầu như không hay biết gì trong lúc bác sĩ nội soi. Khi có kích thích đau thì người bệnh sẽ có phản ứng, có thể thức dậy và người bệnh tự duy trì chức năng hô hấp và tuần hoàn, không giống như trong gây mê. Trong gây mê người bệnh ngủ rất sâu, không có phản ứng với kích thích đau và không tự thở được, phải thở bằng máy thở. Để an toàn cho người bệnh thì bác sĩ và điều dưỡng thực hiện an thần phải có kiến thức về cách sử dụng thuốc an thần và kiến thức về hồi sức tim phổi nâng cao, phải có phương tiện theo dõi, phương tiện cấp cứu… Việc tính sai liều có thể đưa người bệnh vào tình trạng mê sâu với suy sụp chức năng tuần hoàn và hô hấp.
Thứ ba, nội soi gây mê toàn diện được thực hiện khi cần thiết chỉ trong một số trường hợp rất đặc biệt được thực hiện ở trong phòng mổ, trước khi gây mê người bệnh phải được đánh giá về tình trạng sức khỏe và có đầy đủ các xét nghiệm tiền phẫu.
Như đã nói, cảm giác đau trong khi nội soi ở các bệnh nhân là không giống nhau, có người vì tâm lý quá lo lắng mà ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp, gây các nguy cơ khác cho sức khỏe. Vì vậy trước khi nội soi chúng ta nên trao đổi với bác sĩ và yêu cầu được thực hiện các biện pháp vô cảm khi quá lo lắng. Ngoài ra, trước khi tiến hành nội soi, bác sĩ nội soi sẽ khám lại bệnh nhân, kiểm tra tổng quát sức khỏe của người bệnh. Bác sĩ cũng cần tư vấn cho bệnh nhân về cảm giác của từng giai đoạn nội soi ra sao, người soi cần phải làm những gì để dung nạp cảm giác đó. Khi được giải thích trước về cảm giác sẽ xảy đến, người bệnh sẽ không hốt hoảng khi cảm nhận nó. Quan trọng hơn, việc nội soi sẽ trở nên dễ dàng và dễ chịu hơn khi bệnh nhân lựa chọn một bác sĩ giàu kinh nghiệm và một dịch vụ khám không quá tải.
- BS Nguyễn Phước Lâm, Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa – Bệnh viện quốc tế Thành Đô