Quốc hội trong phiên họp chiều 14-11 đã thông qua ngân sách trung ương năm 2018, trong đó quyết định tiếp tục chi một phần tiền cho Đề án 911 về đào tạo tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020.
Trong khi đó, để phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025 – tầm nhìn 2030, ngành giáo dục sẽ đào tạo 9.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ nhằm đạt tỷ lệ 35% trong tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Tổng kinh phí cho dự án này là 12.000 tỉ đồng. Đây không phải dự án mới mà là thay đổi và nâng cao chất lượng của Đề án 911.
Đó là một trong những mục tiêu của Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”.
Theo kế hoạch, từ năm 2017 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600-700 nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài và khoảng 500 tiến sĩ được đào tạo theo hình thức phối hợp, liên kết giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Đồng thời sẽ đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường đại học đã được kiểm định ở Việt Nam.
Không những thế, Nhà nước cũng đang có tham vọng thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ công tác và làm việc tại nước ngoài đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam.
Chúng ta thường nghe nói đến chất lượng đào tạo nhân lực tùy thuộc nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là giảng viên có đủ tiêu chuẩn và kinh nghiệm hay không.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số cơ sở giáo dục đại học năm học 2016-2017 ở nước ta là 235, số lượng giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học là 72.792 người, tăng 3.201 người so với năm học 2015-2016.
Trong đó số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%); trình độ thạc sĩ là 43.127 người (chiếm 59,2%); trình độ đại học và cao đẳng là 12.519 người (chiếm 17,2%); chuyên khoa I, II là 523 người; trình độ khác là 109 người.
Tổng số trường cao đẳng sư phạm là 33, số lượng giảng viên trong các trường cao đẳng là 3.493 người. Trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ là 120 người (chiếm 3,4%); trình độ thạc sĩ là 2.187 người (chiếm 64,5%); trình độ đại học và cao đẳng là 1.049 người (chiếm 30,9%); trình độ khác là năm người.
Toàn ngành giáo dục hiện có 4.687 giáo sư và phó giáo sư (chiếm 6,4% tổng số giảng viên), trong đó 574 giáo sư (chiếm 0,8%) và 4.113 phó giáo sư (chiếm 5,6%).
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục đại học chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực. Chẳng hạn như Sri Lanka, tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên của các trường đại học năm 2015 là hơn 55%. Tỷ lệ này tại Thái Lan năm 2005 là hơn 24%, của Malaysia năm 2010 là 73%. Đại đa số trường đại học trên thế giới, có bằng tiến sĩ là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên.
Có một thực tế được nhiều người thừa nhận, kể cả quan chức trong ngành giáo dục, đó là chất lượng đào tạo tiến sĩ Việt Nam còn thấp. Chất lượng luận án tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo không đồng đều, vàng thau lẫn lộn, nhiều luận án ít giá trị thực tế, không có tính khoa học, chỉ như một báo cáo tổng kết nhưng nghiên cứu sinh vẫn được cấp bằng tiến sĩ, ảnh hưởng tới chất lượng tiến sĩ Việt Nam hiện nay.
Nguyên nhân do đâu?
Trong một cuộc tọa đàm tổ chức cuối năm 2016, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết chính việc quản lý lỏng lẻo, dễ dãi trong thực hiện quy chế khiến chất lượng đào tạo giảm, dư luận xã hội không đồng tình.
Nguyên nhân chính đầu tiên thuộc về người học, với động cơ và mục tiêu không phù hợp. Đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhà nghiên cứu, phát triển, sản sinh tri thức mới, chứ không phải đào tạo kỹ năng để hành nghề.
Thứ hai là người hướng dẫn. Nhiều nghiên cứu sinh không có công trình khoa học, không có đề tài, hạn chế ngoại ngữ giao tiếp, hạn chế hợp tác quốc tế…
Thứ ba là cơ sở đào tạo không chấp hành nghiêm quy chế đào tạo tiến sĩ, dễ dãi, thành lập hội đồng bảo vệ thiếu khách quan.
Thứ tư là các quy định hiện hành về mở ngành, quy trình đào tạo, quy định về kinh phí đào tạo… không còn phù hợp, khiến cơ sở đào tạo không huy động được nguồn lực cho đào tạo tiến sĩ. Ông Thứ trưởng còn nói rõ, có nhiều nơi đào tạo chủ yếu chạy theo số lượng.
Nhìn dưới một góc độ khác, Giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, cho rằng trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải đưa ra định nghĩa đầy đủ về khái niệm tiến sĩ như các nước trên thế giới. Ông đề nghị tiến sĩ cần đòi hỏi những tiêu chuẩn cụ thể. Ví dụ với khoa học tự nhiên hay khoa học công nghệ thì phải có phát minh, yêu cầu có không dưới hai bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí ISI. Riêng khoa học xã hội và nhân văn không bắt buộc có các công bố quốc tế nhưng cũng cần những tiêu chuẩn định lượng rành mạch và phải có một bài báo quốc tế.
Ngoài ra, chi phí đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng phải nâng lên, hiện nay với chi phí mỗi năm 15 triệu đồng là quá ít, cần có mức đầu tư nhất định và đầu tư tập trung vào số lượng nghiên cứu sinh chất lượng chứ không dàn trải đầu tư.
Tiến sĩ giỏi, giáo sư giỏi, thực tài, được sử dụng đúng, trọng dụng và đãi ngộ thỏa đáng sẽ tạo được động lực cạnh tranh lành mạnh trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, trong đó có việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Nhưng tiến sĩ hư danh sẽ không còn đất sống và bị xã hội đào thải. Nếu đánh đồng bằng cấp năng lực, vàng thau lẫn lộn trong sử dụng và đãi ngộ sẽ dẫn đến hiện tượng chất lượng tiến sĩ như hiện nay.
Về vấn đề này, Giáo sư Ngô Bảo Châu trong một bài viết nhân ngày Nhà giáo năm nay dưới tựa đề “Nghịch lý 2.000 USD và 150 USD/tháng” đã cho rằng: “Điều bất hợp lý lớn nhất là Nhà nước có thể bỏ ra 2.000 USD/tháng để trả cho một người đi học tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng khi họ đã tốt nghiệp và trở lại làm việc ở đại học Việt Nam thì mức lương khởi điểm của họ lại thấp hơn 150 USD/tháng. Nếu thu nhập khởi điểm của giảng viên đại học đạt ở mức tương đương, hoặc chỉ cần bằng 70% thu nhập ở các ngành khác trong xã hội với yêu cầu trình độ tương đương, thì có lẽ không cần Nhà nước phải hỗ trợ tài chính, các bạn trẻ sẽ tự tìm cách đi học và làm tiến sĩ ở nước ngoài.
Vấn đề là đại học lấy đâu ra tiền để trả lương xứng đáng cho giảng viên? Hiển nhiên là các trường có định hướng ở phân khúc cao phải tính đủ học phí, có nghĩa là tăng học phí so với hiện nay. Các trường ở phân khúc thấp vẫn có thể duy trì mức độ học phí thấp và trả lương thấp cho giảng viên của mình.
Vậy thì vai trò của Nhà nước nằm ở đâu? Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, vai trò của Nhà nước là hỗ trợ cho các sinh viên điều kiện kinh tế khó khăn nhưng đủ trình độ học ở các trường phân khúc cao để vẫn có thể đi học ở đó. Nhà nước có thể hỗ trợ bằng chính sách học bổng hợp lý, thay vì việc cấp kinh phí trực tiếp cho các trường đại học như hiện nay tính bổ theo đầu sinh viên, bất kể sinh viên nhà nghèo hay nhà giàu, học giỏi hay học xoàng.
Đề cập đến câu chuyện dùng ngân sách để gửi 9.000 sinh viên đi làm tiến sĩ ở nước ngoài, vị giáo sư được nhiều người ngưỡng mộ này cho rằng ngân sách trên nên được sử dụng hiệu quả hơn vào hai việc như sau:
– Làm startup grant (hỗ trợ khởi nghiệp) để các trường đại học có thể tuyển những người đã có bằng tiến sĩ và có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc.
– Đào tạo tiến sĩ trong nước với chất lượng tốt, theo chuẩn mực quốc tế. Việc này có thể làm được nếu có kinh phí thông qua các hình thức gọi thầu đào tạo (application call) minh bạch, dựa trên các tiêu chí khoa học, để thành lập các chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước có chất lượng.
Theo ông, đa số các nước đều đầu tư sử dụng ngân sách để đào tạo nghiên cứu sinh ở nước mình, chứ không phải gửi đi học ở các nước khác.
Đây chính là vấn đề các nhà làm chính sách của chúng ta cần nghiên cứu nếu muốn giải bài toán nhân lực bậc đại học.
– Ảnh Đào Ngọc Thạch