Hiện không ít người có biểu hiện rối loạn tâm thần như: trầm cảm, hoang tưởng, ám ảnh, ảo giác… chưa được sự quan tâm đúng mức của người thân. Những biểu hiện loạn thần này ngày càng trầm trọng hơn, nó không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh mà còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của những người xung quanh. Cả thế giới đã từng bàng hoàng khi máy bay của hãng Germanwings (Đức) lao vào vùng núi ở Pháp làm 150 người thiệt mạng, người gây ra tai nạn này là cơ phó Andreas Lubitz, người bị trầm cảm và rối loạn cảm xúc do khủng hoảng. Ở Việt Nam, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ trọng án mà người gây án có dấu hiệu tâm thần. Mới nhất là vụ thảm sát ba người ở Vĩnh Phúc, hung thủ chính là người em trai bị bệnh không được điều trị trước đó…
Bệnh nhân rối loạn tâm thần có thể gây nguy hiểm
Đời sống hiện đại với những áp lực căng thẳng từ công việc và cuộc sống làm cho chúng ta dễ bị các bệnh rối loạn tâm thần hơn. Đó là những rối loạn liên quan đến chức năng cao cấp của hệ thần kinh gồm: cảm giác, tri giác, ý thức, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng… dẫn đến những bất thường trong lời nói, tình cảm, hành vi. Bình thường, ai trong chúng ta thỉnh thoảng cũng trải qua các cảm giác căng thẳng, buồn rầu, mệt mỏi, lo lắng, sợ hãi… nhưng đến khi cảm giác này trở nên mạnh mẽ và thường trực, gây xáo trộn cuộc sống hằng ngày và dẫn đến những suy nghĩ, hành vi bất thường thì đó có thể là biểu hiện của bệnh rối loạn tâm thần.
Kết quả một cuộc điều tra năm ngoái cho thấy tỷ lệ mắc bệnh rối loạn tâm thần trong xã hội hiện nay là từ 20 – 25% dân số và tỷ lệ mắc bệnh ở học sinh ngày càng tăng do áp lực học hành và sự thiếu quan tâm của gia đình. Nguyên nhân gây ra các bệnh tâm thần rất đa dạng. Người bệnh có thể bị những tổn thương do chấn thương sọ não, các bệnh mạch máu não, nhiễm trùng thần kinh, nhiễm độc thần kinh do chất kích thích, chất hóa học hoặc các dị tật bẩm sinh. Đáng lưu ý là ngày càng nhiều người bị rối loạn tâm thần do các yếu tố tâm lý như: stress, căng thẳng, lo âu, ám ảnh… Phụ nữ sau sinh có thể bị trầm cảm hoặc mắc bệnh rối loạn nhiễm sắc thể nên thường bị mất ngủ, sa sút tinh thần thoáng qua, buồn phiền, hay cáu gắt, dễ rơi vào khủng hoảng…
Người bệnh có dấu hiệu sống thu mình, thờơ, vô cảm, không quan tâm đến những người xung quanh. Họ hay mơ hồ, ảo tưởng, xa rời với thực tại, tránh tiếp xúc với người khác. Một số người trở nên sợ hãi hay nghi ngờ người khác có ý muốn làm hại mình khiến họ có sự thay đổi cảm xúc và tính khí thất thường.
Nếu người bệnh không được điều trị, các triệu chứng sẽ ngày càng trầm trọng, dẫn đến ý nghĩ tự tử hay hành vi bạo lực đối với những người xung quanh. Nghiêm trọng nhất là những phụ nữ mới sinh con đã có hành vi bạo lực với đứa con của mình, thậm chí giết con rồi hối hận, khủng hoảng tinh thần. Đây là trường hợp có thật đã xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Giúp bệnh nhân được điều trị càng sớm càng tốt
Hầu hết các căn bệnh tâm thần đều có thể được chữa trị hiệu quả nếu nhận biết các dấu hiệu và các triệu chứng sớm. Mặc dù Bộ Y tế đã có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, tập trung vào xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng nhưng một số bệnh rối loạn tâm thần vẫn chưa được quản lý trong mô hình. Vì vậy, một số người mắc bệnh này không nhận được sự chăm sóc và điều trị đầy đủ tại cộng đồng thậm chí tại các cơ sở y tế. Hiện cũng chưa có quy định nào bắt buộc người bị tâm thần phải đi chữa bệnh. Các bác sĩ chỉ khuyến khích mọi người nên quan tâm để ý những biểu hiện rối loạn tâm thần ở người thân để giúp họ được điều trị sớm.
Hầu hết các bệnh tâm thần đều không thể tự khỏi mà thường diễn biến ngày càng xấu đi theo thời gian nếu không được chữa trị một cách nghiêm túc. Bệnh nhân rối loạn tâm thần thường bị hoang tưởng, ảo giác, kích động, không chăm sóc được bản thân nên gia đình cần quan tâm để giúp đỡ họ, đưa họ đến bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ điều trị. Chú ý nhất là cần phát hiện suy nghĩ tự sát hoặc hành vi bạo lực với người khác để có thể ngăn chặn và điều chỉnh kịp thời. Bệnh nhân cũng cần được khuyến khích tham gia các hoạt động cộng đồng, thể dục thể thao. Hoạt động thể chất và tập thể dục có thể giúp quản lý nhiều triệu chứng như stress, trầm cảm, lo âu và hạn chế những suy nghĩ tiêu cực cho bản thân và người khác.
Bệnh nhân rối loạn tâm thần rất dễ bị những tổn thương về tâm lý nên người trong gia đình cần có thái độ tôn trọng, giúp đỡ, không phân biệt đối xử đối với bệnh nhân, lắng nghe ý kiến, thực hiện các yêu cầu, nguyện vọng của họ trong điều kiện cho phép. Chúng ta cũng chú ý giúp người bệnh tuân thủ các chỉ định của nhân viên y tế, không tự ý cho người bệnh dùng thuốc và kịp thời báo cáo những biểu hiện bất thường cả về cơ thể và tâm thần. Thái độ tích cực và đầy hy vọng của gia đình, bạn bè và cộng đồng đối với người mắc bệnh tâm thần là điều cốt yếu nhằm đảm bảo cho cuộc sống an vui của người bệnh tâm thần và hỗ trợ tích cực trong việc điều trị cho người bệnh.
- TS-BS Trần Đình Quý