Đằng sau ngày trọng đại này của đời người là cả một lịch sử tuyệt vời.
Từ lời cầu hôn đến tuần trăng mật, một lễ cưới chứa đầy những nghi thức, truyền thống và những điều mê tín dị đoan. Một số đã trở nên phổ biến, được chấp nhận ở nhiều mọi đám cưới đến nỗi mọi người đều coi là hiển nhiên. Nhưng những truyền thống này có thể lại khá lạ lẫm ở những nơi khác. Tất cả mọi thứ từ việc xin phép cha mẹ cô dâu cho kết hôn với con gái của họ đến vị trị đứng trước bàn thờ của chú rể đều mang một lịch sử và một ý nghĩa cụ thể.
Ở một vài nơi, biểu tượng và ý nghĩa còn quan trọng hơn cả đám cưới, nhưng nhiều truyền thống và mê tín dị đoan có nguồn gốc cổ xưa đã bị lãng quên. Thay vào đó, mọi người chỉ đơn giản chấp nhận các nghi lễ nhỏ hoặc xem như là một việc hiển nhiên. Họ không thay đổi bất cứ nghi thức nào trong đám cưới của chính họ và cũng không thắc mắc tại sao mọi thứ lại phải thực hiện theo cách như vậy.
Khi biết lịch sử đằng sau những nghi thức tượng trưng này, những nghi lễ này có thể trở nên có ý nghĩa hơn hoặc bị lược bỏ. Dưới đây là lời giải thích cho 6 truyền thống đám cưới phổ biến và những điều mê tín dị đoan.
Phù dâu
Hầu hết các cô dâu đều có ít nhất một hoặc hai phù dâu trong đám cưới của mình. Ngay cả những buổi lễ nhỏ, thân mật cũng có một hoặc hai phụ nữ đứng bên cạnh hoặc phía sau cô dâu. Họ thường là bạn thân nhất của cô dâu hoặc các thành viên trong gia đình cùng độ tuổi với cô dâu. Nhiệm vụ của họ là giúp cô dâu giữ bình tĩnh và chuẩn bị trong thời gian diễn ra đám cưới. Nhiều phù dâu nhận nhiều trọng trách hơn, chẳng hạn như giúp cho cô dâu trong việc lập kế hoạch hoặc hậu cần. Trở thành một phù dâu được xem như là một vinh dự, mặc dù nhiều người đánh giá công việc đó là một sự hy sinh lớn về thời gian và tiền bạc.
Nhiều thế kỷ trước, nhiều phù dâu đánh đổi nhiều thứ hơn cả tiền bạc và những ngày cuối tuần. Phù dâu có mặt trong đám cưới về thực chất là để đánh lạc hướng ma quỷ và ác thần, cố làm hại cô dâu. Các tà ma sẽ nhầm lẫn phù dâu với cô dâu và do đó tấn công các phù dâu. Với cùng một lý luận, một số phiên bản khác đề cập đến những lời nguyền và điều tiêu cực hướng vào cô dâu. Các phù dâu sẽ gánh chịu thay. Đây là lý do tại sao người ta coi việc làm phù dâu nhiều lần là dại dột. Nếu một người phụ nữ nhận quá nhiều những lời nguyền rủa, cô sẽ bị nguyền rủa và không thể lấy được chồng.
Một chút gì cũ, một chút gì mới…
“Một chút gì cũ, một chút gì mới, một chút gì vay mượn, một chút gì màu xanh và một đồng 6 xu trong đôi giày”. Một câu vè cũ dùng để mô tả những gì một cô dâu nên mặc vào ngày cưới. Ngày nay, rất ít cô dâu thực hiện theo lời khuyên dân gian cổ xưa này. Tuy nhiên, vẫn còn một số cô dâu thực hiện theo câu nói này bởi vì ý nghĩa biểu tượng của mỗi vật được nhắc đến.
Một chút gì cũ đại diện cho quá khứ của cô dâu và sự gắn kết với gia đình mình ngay cả sau khi cô kết hôn và gia nhập gia đình của chồng. Một chút gì mới đại diện cho hy vọng vào một tương lai tốt đẹp và hạnh phúc với chồng. Một chút gì vay mượn thường là những thứ quý giá của một người phụ nữ có hôn nhân hạnh phúc cho mượn. Người ta cho là cô dâu sẽ gặp may và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Màu xanh là màu của lòng trung thành, tình yêu và khả năng sinh sản, và sáu đồng xu được cho là mang lại cho cô dâu may mắn và giàu có trong cuộc hôn nhân.
Chú rể đứng ở bên trái
Tại hầu hết các đám cưới, cô dâu và chú rể trao đổi lời thề của họ trước lễ đường; nơi tất cả các vị khách mời chứng kiến giây phút họ chính thức trở thành vợ chồng. Trong nhiều nền văn hóa khác, cặp vợ chồng sắp cưới có thể đứng trước một bàn thờ hoặc ít nhất là một số nhân vật tôn giáo chính thức làm lễ kết hôn cho hai người. Lúc này, chú rể hầu như luôn đứng ở bên trái. Đây là một truyền thống, nhưng hầu hết mọi người hoàn toàn không hiểu tại sao lại phải như thế. Hành động này ban đầu mang ý nghĩa như là một cách để chú rể có thể bảo vệ chính mình và cô dâu được an toàn. Khi đứng ở phía bên trái của bàn thờ, điều này có nghĩa là bàn tay phải của anh đang đối mặt với đám đông. Như vậy, anh ta có thể chống lại những người muốn cướp hôn, những vị khách bất mãn hoặc bất kỳ mối đe dọa nào khác bằng tay phải của mình. Duy trì truyền thống này không hẳn là một ý tưởng tồi khi những kẻ điên rồ hay những thành viên trong gia đình không vui cố tình phá hỏng buổi tiệc.
Kết hôn trong mưa
Đám cưới ngoài trời ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây, đặc biệt là khi ngày càng ít người nhìn hôn nhân dưới khía cạnh tôn giáo. Kể từ khi những tòa nhà tôn giáo, chẳng hạn như nhà thờ, không còn được xem là địa điểm cần thiết cho một cuộc hôn nhân, và nghệ thuật nhiếp ảnh ngày càng phát triển và trở nên trọng yếu với cuộc sống của mọi người, nhiều cặp đôi muốn trao lời thề của họ trước khung cảnh núi non tuyệt vời, những bãi biển đẹp như tranh vẽ hoặc những khu vườn được chăm sóc tỉ mỉ. Mặc dù những địa điểm này chắc chắn là rất tuyệt vời và cho phép các cặp vợ chồng thỏa sức trang trí, hôn nhân ngoài trời có một bất lợi riêng khi so sánh với đám cưới ở nhà thờ. Lễ cưới ngoài trời phụ thuộc vào thời tiết. Đây là lý do tại sao có nhiều đám cưới trong mùa khô, và lý do hầu hết các địa điểm ngoài trời đều có hiên hoặc sân có mái che, nơi khách mời có thể trú ẩn trong trường hợp trời mưa.
Mưa trong một ngày cưới dường như là một điều khủng khiếp. Một cơn mưa có thể phá hỏng mọi kế hoạch của bạn. Tuy nhiên, theo mê tín dị đoan, mưa trong ngày cưới lại là một điềm tốt. Mưa được xem như một cách thanh tẩy bất kỳ vấn đề nào trong quá khứ của những cặp đôi, và nước thường liên quan đến khả năng sinh sản.
Tránh gặp mặt chú rể
Có lẽ điều mê tín dị đoan nổi tiếng nhất trong đám cưới là chú rể không được trông thấy cô dâu trong bộ váy cưới trước hôn lễ vì nó mang lại điềm xấu. Nhiều mê tín dị đoan về đám cưới đã không còn, nhưng điều này vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Tuy lý do của việc người phụ nữ nên tránh mặt chồng chưa cưới đã dần lãng quên, nhưng người ta vẫn cho đây là điều tốt nhất.
Phong tục không cho phép chú rể nhìn thấy cô dâu trước khi hôn lễ bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước và mở rộng cho cả những cặp đôi được hứa hôn mà chưa bao giờ gặp nhau trước lễ cưới. Buổi lễ trao lời thề, theo đúng nghĩa đen, là lần đầu tiên gặp mặt của nhiều vợ chồng. Điều này là bởi vì, vào thời điểm đó, đám cưới không phải là vấn đề của tình yêu mà là sự sắp xếp kinh doanh và chính trị. Cô dâu được giữ tránh xa chú rể và che kín mặt cho đến buổi lễ trao lời thề để đảm bảo rằng chú rể sẽ không hủy bỏ hôn ước vì cho rằng cô dâu không đủ đẹp đối với anh ta. Việc tránh gặp gỡ và che mạng kỹ lưỡng đảm bảo rằng chú rể không thể quyết định rằng anh ta không thích ngoại hình của vị hôn thê cho đến khi quá muộn.
Bế cô dâu qua ngưỡng cửa
Một truyền thống tồn tại lâu dài khác là người chồng sẽ bế vợ mới cưới bước qua ngưỡng cửa nhà của họ hoặc phòng khách sạn nơi họ đang hưởng tuần trăng mật. Truyền thống vẫn còn được duy trì đến ngày nay, nhưng ít ai biết về ý nghĩa đằng sau hành động này.
Có nhiều lời lý giải cho truyền thống này. Một trong số đó là do phụ nữ không được tỏ ra khao khát quan hệ tình dục với chồng mình; vì thế, việc được bế đến giường cưới được xem là bảo vệ đức hạnh. Một số khác cho rằng ngưỡng cửa này bị những linh hồn ma quỷ ám, có thể gây tổn hại cho cô dâu bằng cách xâm nhập vào cơ thể qua bàn chân của cô.
- Xem thêm: Chuyện… “mê tín dị đoan”!
Khi được chồng bế trong vòng tay, cô dâu sẽ được an toàn. Truyền thống này cũng giúp loại trừ khả năng cô dâu vấp ngã khi bước vào ngôi nhà mới của mình. Điều này được cho là mang lại điềm xui khủng khiếp cho cả hai vợ chồng; vì vậy, việc chú rể bế cô dâu nhằm tránh bất kỳ thảm họa tiềm năng nào có thể xảy ra.
Từ lời cầu hôn đến tuần trăng mật, đám cưới mang nhiều truyền thống và nghi thức. Mỗi hành động có một ý nghĩa tượng trưng và một lịch sử lâu dài đằng sau nó. Một số truyền thống khá thú vị và giúp ngày trọng đại trở nên ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, một số khác có lịch sử không mấy dễ chịu đằng sau, và vài cặp vợ chồng có thể quyết định không thực hiện nó. Những gì các cặp vợ chồng làm trong ngày cưới của họ tùy thuộc vào họ, nhưng bạn không thể quyết định liệu một nghi thức đó có dành cho bạn hay không cho đến khi bạn hiểu được nguồn gốc của nó.