Hiếm CLB nào không muốn có những ngôi sao hàng đầu. Tuy nhiên, không phải cứ đưa ngôi sao tên tuổi về với CLB là mọi chuyện tốt đẹp. Có quá nhiều dẫn chứng cho thấy một ngôi sao thành danh chưa chắc bảo đảm được vị trí chính thức cho mình, chưa nói đến việc đem đến thành công cho CLB. Di Maria là cái tên mới nhất, khi buộc phải rời Manchester United (M.U) để chuyển sang thi đấu cho Paris Saint Germain. Lý do thì nhiều. Có thể do ngôi sao đột ngột xuống phong độ, như trường hợp của Fernando Torres sau khi rời Liverpool. Thường xảy ra hơn là ngôi sao không hòa nhập được với môi trường bóng đá khác, vì bóng đá Tây Ban Nha thiên về kỹ thuật, Ý mạnh chiến thuật, trong khi Đức và Anh thích hợp với lối chơi thể lực, cống hiến. Thế nên đa phần các ngôi sao từ Serie A (giải vô địch Ý) rất khó hòa nhập khi chuyển đến Premier League (giải ngoại hạng Anh) và ngược lại. Cũng có những ngôi sao ra đi do không thể thích ứng với lối chơi, chiến thuật mà huấn luyện viên áp dụng cho CLB.
Những năm gần đây, việc các ngôi sao thường xuyên được chuyển nhượng qua lại giữa Anh và Tây Ban Nha khiến cho sự tương đồng giữa hai giải đấu cũng tăng lên. Tuy nhiên, mối quan hệ chuyển nhượng ấy không bình đẳng. Đa số những ngôi sao sáng nhất dù đang thi đấu ở bất cứ đâu sẽ lần lượt tìm đến hai gã khổng lồ của Tây Ban Nha (Real Madrid và Barcelona). Những ngôi sao không trụ lại được tại hai CLB này hoặc kém sáng giá hơn sẽ tìm đến các ông lớn của bóng đá Anh (M.U, Manchester City, Arsenal, Chelsea, Liverpool), hay Bayern Munich (Đức) và Paris Saint Germain (Pháp). Sau nữa mới đến các CLB còn lại, trong đó có những tên tuổi như Juventus (Ý) hay Atletico Madrid (Tây Ban Nha).
Các CLB cần ngôi sao để xây dựng thương hiệu, hình ảnh lung linh của CLB, nhằm thu hút thêm cổ động viên, có thêm hợp đồng tài trợ. Ngôi sao còn giúp CLB được tham gia Champions League, vừa được chia phần miếng bánh bản quyền béo bở của giải đấu này, vừa thu thêm tiền thưởng, bán vé… Với các cầu thủ bóng đá, có lẽ ước mong lớn nhất của họ chỉ là tìm được CLB phù hợp, để có thể ra sân thường xuyên, chứng tỏ năng lực thực sự của mình. Khoác áo một CLB lừng danh để làm gì khi không có tên trong đội hình chính mà chủ yếu để làm nền cho người khác nổi tiếng? Đó là lý do mà những Cesc Fabregas, Alexis Sanchez, Thiago… và mới nhất là Pedro chấp nhận chia tay Barcelona. Tương tự, những Robben, Mesut Ozil, Di Maria… lần lượt rời Real Madrid. Họ ra đi, không chấp nhận sự bấp bênh, để tìm đến một CLB cần họ hơn, nơi họ có thể ra sân và tỏa sáng mỗi tuần.
Dĩ nhiên, như đã nói, những tên tuổi hàng đầu sẽ luôn đặt mục tiêu sự nghiệp là khoác áo Real Madrid hoặc Barcelona. David De Gea là một cái tên như thế. Thủ thành xuất sắc hàng đầu thế giới hiện nay chấp nhận bị HLV Van Gaal của M.U trừng phạt vì chỉ muốn chuyển sang thi đấu cho Real Madrid. Ông Van Gaal lập tức “đẩy” De Gea lên khán đài, cho Sergio Romero – cái tên còn xa lạ với bóng đá Anh và chân ướt chân ráo đến với M.U trong mùa hè này bắt chính những trận đấu đầu tiên của M.U. Cơ hội được trao cho Sergio Romero và anh không bỏ lỡ. Anh đã chứng minh mình là người phù hợp với M.U, ít nhất là trong thời điểm hiện tại và buộc De Gea phải cạnh tranh sòng phẳng với mình nếu không thể chuyển đến Real Madrid trong mùa hè này và muốn quay lại đội hình chính. Xem Sergio Romero giữ sạch lưới, giúp M.U đoạt được số điểm tối đa sau hai vòng đấu đầu tiên của giải Ngoại hạng Anh, nhiều người mới chợt nhớ rằng anh đang là thủ thành số 1 của á quân thế giới Argentina. Sergio Romero từng là học trò của chính HLV Van Gaal khi cả hai góp sức giúp CLB AZ Alkmaar vô địch Hà Lan năm 2009. Biết rõ tài năng của cậu học trò cũ, HLV Van Gaal đưa Romero về với M.U dù thủ thành 28 tuổi này mùa giải vừa qua chỉ bắt dự bị tại CLB hạng hai Sampdoria (Ý). Quan trọng là phù hợp, đôi khi chỉ cần như vậy!
- Địch Vân