Làm việc trong một công ty truyền thông được hơn 2 năm, tôi vốn không xa lạ gì với việc “work from home” hay làm việc tại nhà, thậm chí phải nói có chút yêu thích với kiểu làm việc này vì được tùy chọn không gian theo sở thích, lại không phải di chuyển nhiều.
Thế nhưng chỉ sau vài tuần liên tục làm việc ở nhà vì dịch Covid-19, cuộc sống của tôi hoàn toàn bị xáo trộn theo những cách không thể tưởng tượng nổi.
Giờ nào cũng là giờ làm việc
Những tưởng làm việc ở nhà là sẽ được “vào làm” – tức bắt đầu ngày làm việc – muộn hơn một chút và “tan làm” sớm hơn một chút, thỉnh thoảng còn có thể “giải lao giữa giờ” mà không bị quản lý nhân sự dòm ngó, nhưng ngược lại với dự đoán, tôi lại làm việc nhiều hơn bình thường, nếu không muốn nói làm việc quên ăn, quên ngủ, bất chấp ngày đêm.
Nguyên nhân chính của cớ sự này phải nói đến sự “nắm thóp” của khách hàng về việc tôi chẳng có lịch họp hành, công tác hay nghỉ phép nào cả và chắc chắn là đang ở nhà (cách ly mà). Do đó, thay vì sắp xếp để giải quyết công việc vào giờ hành chính, khách hàng muốn gọi lúc nào là gọi, nhắn lúc nào là nhắn, kể cả sau giờ làm việc hay cuối tuần cũng không ngoại lệ, tôi thì tất nhiên là không thể nói không với các “thượng đế” của mình, đặc biệt là trong thời điểm kinh tế của công ty khó khăn như hiện nay.
Kết quả là giờ làm việc của tôi từ 8 tiếng/ngày trở thành cả ngày làm việc, lúc nào cũng căng thẳng không biết khi nào thì khách hàng gọi đến, anh người yêu – vừa là đồng nghiệp cùng công ty vừa là “bạn cùng nhà” – cũng liên đới phải chịu cảnh ăn “thịt kho bóng đêm” cháy khét hoặc canh chưa nêm muối hoặc là chẳng có nổi cơm trắng mà ăn vì tôi mải việc mà quên… bấm nút nồi cơm.
Tôi và bạn trai may mắn làm cùng ngành và cùng công ty nên khá hiểu và thông cảm cho công việc của nhau. Do đó, ban đầu tôi nghĩ làm việc tại nhà sẽ không gây nhiều khó khăn cho chúng tôi. Tuy nhiên chỉ sau vài ngày, tôi nhận ra làm việc chung tại công ty và làm việc chung tại nhà lại là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Nếu như ở công ty có đầy đủ các phòng với chức năng khác nhau như phòng làm việc, phòng họp, phòng lên kế hoạch và ý tưởng, phòng ăn, phòng nghỉ… thì ở nhà, chúng tôi phải chia sẻ không gian chung cho tất cả các nhu cầu. Điều này mang đến cho chúng tôi không ít phiền phức như khi bạn trai tôi có cuộc họp (thường là qua các ứng dụng gọi video trên máy tính) thì tôi sẽ phải ra góc nào đấy khuất tầm của webcam để làm việc, đôi khi còn không thể đứng lên đi lấy ly nước hoặc ăn miếng bánh vì sợ không hình thì tiếng của mình sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc họp của “đối phương”.
Vậy nếu khách hàng của tôi gọi điện đến cùng lúc đó thì sao? Trong trường hợp bất đắc dĩ này, khách hàng của bạn trai tôi nếu tinh mắt sẽ có thể thấy một cái bóng (là tôi) chạy vụt qua, đôi khi về cửa chính, đôi khi lại về bancông, có khi vào trong cả toilet để… bàn công việc.
Đâu là thời gian dành cho nhau?
Vì chúng tôi làm chung công ty nên nếu tôi phải làm việc cả ngày thì hoàn cảnh của bạn trai tôi cũng chẳng khá hơn, nếu không muốn nói là còn bận rộn hơn cả tôi vì có nhiều công việc và trách nhiệm hơn, do lẽ dĩ nhiên là chức vụ của anh cao hơn tôi.
Vậy nên nếu trước đây sau giờ làm chúng tôi còn có thể đi đâu đó ăn một bữa ngon hoặc mua thức ăn về nhà nấu nướng, nhâm nhi vài chai bia để xả stress thì bây giờ đi ra ngoài ăn không được, nấu nướng cũng chẳng có thời gian (hoặc nấu mà… không ra món ăn), cũng may còn có các dịch vụ giao thức ăn tận nơi vẫn hoạt động mà chúng tôi còn có cái bỏ bụng.
Dù vậy, chúng tôi cũng không thể thường xuyên ăn chung mà chỉ tranh thủ ai không có việc thì ăn trước, hoặc vừa ăn vừa làm. Dường như việc không có một “giờ tan làm” nhất định khi làm việc ở nhà khiến chúng tôi dần mất đi sự rạch ròi giữa thời gian dành cho công việc và cuộc sống cá nhân.
Bằng chứng là có những ngày khi công việc dễ thở hơn một chút, chúng tôi thay vì cùng nhau nghỉ ngơi thì vẫn cứ nấn ná làm thêm cái này cái kia, không dứt ra được khỏi chiếc máy tính cá nhân…
Nhận thấy những thay đổi tiêu cực trong cách sinh hoạt của mình, tôi và bạn trai quyết định đặt ra những quy tắc để sắp xếp và cải thiện cuộc sống của cả hai như sau:
- Làm việc và nghỉ ngơi theo giờ làm việc trên công ty, không vì làm ở nhà mà cho mình nghỉ ngơi nhiều hơn, cũng không “tặc lưỡi” mà làm thêm việc sau khi đã hết giờ làm.
- Ăn uống đúng giờ và đủ bữa, ăn uống dọn dẹp xong mới làm việc tiếp. Cố gắng tự nấu nướng để bảo đảm sức khỏe và hạn chế tiếp xúc với người khác để phòng tránh dịch bệnh.
- Phân chia không gian nhà ở thành các khu chức năng tương tự như trên công ty. Mỗi người tự di chuyển đến các vị trí được định sẵn mỗi khi có nhu cầu như: điện thoại/họp từ xa với khách hàng, làm việc độc lập, thảo luận chung, ăn uống, nghỉ ngơi… để không ảnh hưởng đến công việc của người còn lại.
- Chia sẻ trước với đối phương về lịch họp của ngày tiếp theo và quyết định xem cuộc họp của ai sẽ diễn ra vào lúc nào, trong khoảng thời gian bao lâu để được ưu tiên sử dụng thiết bị và không gian.
- Luyện tập thể dục hằng ngày bằng các bài tập đơn giản để giảm bớt cảm giác bí bách và uể oải khi phải ở trong nhà nhiều ngày.
- Dành thời gian cho gia đình, bạn bè bằng việc liên lạc thường xuyên để có thể giải tỏa các tâm tư, tình cảm và cân bằng các mối quan hệ.
Có thể nói, làm việc tại nhà nghe qua thì có vẻ dễ nhưng thực chất ẩn chứa rất nhiều rắc rối khó lường, đặc biệt đối với các cặp đôi.
Để có thể dung hòa việc chung sống và làm việc, mỗi cặp đôi cần dựa vào rất nhiều yếu tố như đặc điểm, tính chất công việc cũng như thói quen, nhu cầu của mỗi người, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là cả hai có thể nhường nhịn và chia sẻ với nhau để đôi bên cùng cảm thấy thoải mái nhất có thể.
Ngoài ra, mỗi người vẫn nên duy trì các sở thích, giải trí thường xuyên cũng như các mối quan hệ cá nhân dù có nhiều hạn chế, điều này sẽ giúp giảm đi cảm giác ngột ngạt trong thời gian phải cách ly tại nhà.