Ngày nay có nhiều công nghệ cho phép họp, cùng làm việc chung, giao tiếp qua Internet nên chuyện ngồi nhà vẫn hoàn thành công việc không có gì khó. Điều quan trọng là làm sao để làm việc hiệu quả khi ở nhà – nơi đầy cám dỗ ăn chơi ngủ nghỉ và thiếu cái không khí hối thúc như ở văn phòng.
Làm việc từ xa đang là từ khóa nóng ở Mỹ, sau khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến cáo tránh tụ tập nơi đông người và khuyến khích người lớn tuổi nên “ở nhà nhiều nhất có thể”. Nhiều công ty, trong đó các tên tuổi lớn như Apple, Facebook, Twitter, Microsoft, Amazon và Google, đều đã có các chính sách cho nhân viên làm việc từ nhà.
Làm việc tại gia tưởng như là mơ ước của bao người. Khỏi phải ngược xuôi ngày hai bận đến và rời chỗ làm, ngồi nhà muốn mở nhạc gì tùy thích, âm lượng thế nào cũng chẳng ai phiền. Nhưng theo Brian Barrett, người có kinh nghiệm làm việc từ xa gần 10 năm, mọi thứ không đơn giản như thế.
Viết trên WIRED ngày 3-3, Barrett cho rằng bên cạnh những thứ khoái lạc đó, làm việc tại nhà cũng khiến ta dễ mất tập trung. Ở thời điểm mà ai cũng có thể sẽ được (hay buộc) làm việc từ xa, cần chuẩn bị vài bí kíp để giữ được hiệu quả khi làm việc tại văn-phòng-nhà-ta.
Các chiến thuật gói gọn trong nguyên tắc: đừng để phần “ở nhà”, tức sinh hoạt và tận hưởng cuộc sống, lấn át phần “làm việc”. Nói cách khác, trong cụm làm việc ở nhà, cần tránh để hai thứ làm việc và ở nhà lẫn lộn với nhau.
Nếu đã từng ngồi nhà làm việc, hãy nhớ lại bạn thường ăn mặc thế nào; phải chăng là vận đồ ở nhà và cứ thế ngồi trước máy tính mà làm? Theo Barrett, nếu ví não ta là con ngựa, thì khi bạn ngồi vào bàn làm việc trong bộ đồ ngủ hay đồ mặc nhà, con chiến mã này sẽ khó phi nước kiệu mà cứ rề rề. Vì thế, dẫu không cần phải đến chỗ làm, hãy cứ thực hiện quy trình như mọi ngày – thức dậy, rời khỏi giường, tắm rửa vệ sinh, lên đồ chỉn chu, mở máy tính và bắt đầu một ngày làm việc, dù ta chẳng phải bước ra khỏi cửa.
Tương tự, cần có không gian làm việc rõ ràng. Nhà ta có thư phòng thì tốt, nhưng không có cũng không sao, miễn là ta quy định được vị trí nào trong nhà là không gian làm việc. Việc này cũng đáp ứng được quy tắc vạch ranh giới: ta biết mình phải hoàn thành công việc khi ngồi vào đó. Thay vì bôn ba trên đường đến chỗ làm, thì mỗi sáng ta cứ ngồi vào đúng chỗ làm của ta, và rời đi khi xong việc.
Mấu chốt của việc nghiêm túc ngay cả khi ở nhà này là nếu ta cứ xuề xòa, mặc gì cũng được, chỗ nào trong nhà cũng ngồi làm việc được, não sẽ nghĩ về phần “ở nhà” nhiều hơn phần “làm việc”. Như thế không gọi là làm việc tại gia, mà chỉ là ở nhà và thi thoảng ngó đến công việc. Điều này cũng không hại mấy nếu thảng hoặc ta mới phải ở nhà, nhưng nếu công ty bắt buộc làm việc từ xa dài ngày trong mùa dịch, ta sẽ phát hoảng vì năng suất bị ảnh hưởng bởi việc mất tập trung. Và thử nghĩ nếu đang bận đồ ngủ lôi thôi mà sếp muốn họp qua video call gấp thì sẽ thế nào?
- Xem thêm: Làm việc từ xa
Một lưu ý quan trọng khác: những gì không làm khi ở văn phòng thì đừng làm ở nhà. Ta đâu có đang làm thì mở TV lên xem hay ngồi chơi game một chút, thậm chí là đọc sách – những thứ dễ cám dỗ kiểu định “chỉ một chút thôi mà” nhưng thực tế là dính vào không dứt ra được. Vậy thì làm việc tại gia cũng thế, hãy tránh xa chúng cho đến khi “tan sở”.
Nhân nhắc đến tan sở. Làm sao để có cảm giác “tan sở” nếu cả ngày ta vẫn ở trong nhà, và không còn cái cảm giác khoan khoái tắt máy, gom đồ đứng dậy, lấy xe ra về? Riêng khoản này thì chính Barrett cũng hơi lúng túng, không có giải pháp nào gọi là hoàn hảo. Cách khả dĩ nhất là thoát khỏi phần mềm làm việc từ xa, tắt chương trình chat nhóm. Khi tên ta không “sáng đèn” trong danh sách chat, đó là tín hiệu để người khác không làm phiền ta nữa.
Được làm việc từ xa có thể là điều xa xỉ với những người mà tính chất công việc buộc họ vẫn phải ra đường trong mùa dịch. Cách để tận dụng tốt nhất sự xa xỉ này là cân bằng giữa sự thoải mái của việc ở nhà và tính kỷ luật khi ở văn phòng.