“Tất cả Hà Nội trí thức, thanh lịch và phong lưu sẽ tới Nhà hát Lớn tối 19 Novembre để xem Thế Lữ trong vai Ông Ký Cóp, hài kịch ba hồi của Vi Huyền Đắc và để nghe những khúc du dương của nhạc sĩ Lê Thương” – đó là lời quảng cáo trên tờ Ngày Nay 19-11-1938, đã giới thiệu bên cạnh vở kịch nói một sản phẩm hãy còn rất mới mẻ mang tên “tân nhạc”. Năm 1938 có thể nói là mốc quan trọng của sự ra đời tân nhạc, nhờ sự ủng hộ của giới văn nghệ sĩ, báo chí và sinh viên.
Khái Hưng khi bình luận về đêm diễn vở Ông Ký Cóp, đã nhắc tới các bài ca của Lê Thương: “Buổi diễn kịch có giá trị ấy, ngoài công giới thiệu tác phẩm mới của một soạn giả có tài, còn cho ta được thưởng thức những bài hát êm ái của ông Lê Thương nhưng điệu cảm động vì diễn tả một thứ văn chương ly tao nhất của tâm hồn. Giọng hát mềm mại của ông Lê Thương được một tay danh cầm họa đàn theo. Ông Trần Đình Khuê một nhạc sư ai cũng yêu tài, đã làm nổi tình cảm của ông Lê Thương trong những ngón đàn ý tứ và đằm thắm”.
Thoạt đầu khi bắt tay dàn dựng vở kịch, Thế Lữ dự định cho hát bốn câu bài Tiếng đàn âm thầm của Lê Thương. Tuy nhiên ông đã nhận xét: “Nó ‘tây tây’ thế nào ấy!” và cuối cùng một bài hát ru (theo hồi ký Song Kim, 1983). Phần âm nhạc đã được tách riêng thành một màn biểu diễn mở đầu với lời quảng bá: “Một cuộc diễn ca của một nhạc sĩ tương lai: Ông Lê Thương. Những bài ca có giá trị (hầu hết chưa xuất bản): Tiếng đàn khuya, Một ngày xanh, Xuân năm xưa, Trên sông Dương Tử, Khúc ly ca… Cả một bầu trời thơ nhạc du dương sẽ gợi lên trong tiếng ca hiếm có của nhạc sĩ”. Nhưng đây không phải là lần đầu hiện diện của tân nhạc, bởi lẽ dấu mốc này được gắn với sự kiện buổi giới thiệu tân nhạc tại hội quán Trí Tri ở Hà Nội tối 9.6.1938 và sau đó là Hải Phòng của Nguyễn Văn Tuyên.
Bản thân Thế Lữ cũng đóng vai trò then chốt trong việc ghi dấu mốc này khi nhận xét về buổi ra mắt của Nguyễn Văn Tuyên: “Mấy bài đàn và bài ca của ông soạn, có lẽ chưa được toàn mỹ như ý ông muốn, song ông là một nghệ sĩ có tài và có một giọng hát rất quý để nâng đỡ tác phẩm của mình” (Thế Lữ, “Một hy vọng trong làng âm nhạc: Ông Nguyễn Văn Tuyên”, Ngày Nay 116, 26-6-1938).
Phạm Duy cho biết ba bài được hát lên trong buổi vận động này là: Bông cúc vàng, Anh hùng ca và Một kiếp hoa. Lê Thương có ghi nhận rằng buổi hát của Nguyễn Văn Tuyên không thành công cho lắm, vì ồn ào và giọng Huế của ông khó nghe, và nhất là sự phản ứng của nhiều thanh niên Hà Nội cho rằng loại nhạc cải cách ở ngoài Bắc đã có rồi, tuy nhiên như Phạm Duy đánh giá, sự mạnh dạn của Nguyễn Văn Tuyên mang ý nghĩa quan trọng trong việc kích thích các thanh niên trẻ thử sức ở loại hình âm nhạc mới mẻ này. Quan trọng hơn cả, sự kiện được tuần báo thế lực nhất khi đó là Ngày Nay hết lòng ủng hộ.
- Xem thêm: Khi màn nhung mở ra
Sau khi đăng hai bài đầu tiên, Bình minh (Nguyễn Xuân Khoát, lời Thế Lữ), Một kiếp hoa (Nguyễn Văn Tuyên, lời Nguyễn Văn Cổn) và bản nhạc Âm điệu không lời (Nguyễn Văn Tuyên), báo Ngày Nay tiếp tục nhận được các bài hát gửi về. Lời nhận xét, có lẽ do Thế Lữ viết, nhấn mạnh việc đòi hỏi một “tính cách Việt Nam”: “Đọc bài của các bạn gửi tới gần đây, chúng tôi nhận ra rằng phần nhiều không có tính cách Việt Nam. Đó thường là những âm điệu đàn tây, nhanh nhẹn, vui vẻ, nhưng không có dấu vết của tâm hồn Việt Nam phổ theo một cảm hứng mới” (“Cùng các nhạc sĩ”, Ngày Nay 124, 21-8-1938).
Sau đó, cho đến hết năm 1938, Ngày Nay đã đăng các bài hát Tiếng đàn đêm khuya (Lê Thương), Đám mây hàng (Phạm Đăng Hinh, lời Phạm Văn Xung), Khúc yêu đương (Thẩm Oánh), Đường trường (Trần Ngọc Quang, lời Phạm Văn Xung), sau đó đăng vào số Xuân 1939 hai bản Xuân yêu đương (Lê Thương) và Hồn xuân (Nguyễn Xuân Khoát, thơ Thế Lữ). Số báo Xuân cuối cùng của Ngày Nay năm 1940 in bài Bản đàn xuân của Lê Thương.
Bài hát Đám mây hàng như lời giới thiệu cho biết được Phạm Đăng Hinh viết ở Hồng Kông tháng 6-1937, được đoàn làm phim Trận phong ba ghi hình tại đây mượn để hát trong phim với tên Cám dỗ. Đây cũng có thể coi như bài hát trong phim đầu tiên của Việt Nam.
Cuộc ra mắt những bài hát tân nhạc có thể coi những bài ca trên là những mốc khởi đầu, thậm chí bài Đường trường được Ngày Nay cho biết Trần Ngọc Quang đã viết nhạc từ tháng 8.1934 cho một vở kịch của Hội kịch Bắc Kỳ diễn vào ngày 7 và 8-12-1934, nghĩa là rất sớm so với các bài khác. Đây là một bài hành khúc nhịp 2/4, với lời ca do Phạm Văn Xung viết ở dạng một bài hát hướng đạo: Nào đi lên đi! Ta tiến lên đi! Tuy đường dài, nào lo chi: Ta đồng tâm tiến luôn trên đường trường, ta cùng nhau yêu thương… Một vài từ ngữ trong lời ca có thể thấy sự gần gũi với lời ca một bài hành khúc xuất hiện trong thập niên 1930 là Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu): Cùng nhau đi hồng binh, đồng tâm ta đều bước, đừng cho quân thù thoát, ta quyết chí hy sinh…
Hai bài hành khúc nói trên cũng tạo ra một cuộc “cạnh tranh” trong giới nghiên cứu âm nhạc xem đâu là bài hành khúc đầu tiên, và hơn thế nữa là bài hát tân nhạc đầu tiên thực sự của Việt Nam. Bài hát sau lan truyền trong bí mật, có một ưu điểm nổi bật là cấu trúc âm nhạc và lời ca mạch lạc, dễ thuộc và thông điệp hết sức rõ ràng đối với quần chúng được kêu gọi làm cách mạng.
- Xem thêm: Trầm bay nhạt khói
Tập san Le Monôme của Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương cũng không bỏ qua các trào lưu thu hút tập thể này. Cùng thời gian những bài tân nhạc đầu tiên được giới thiệu trên Ngày Nay, tờ Le Monôme số tháng 9-10 năm 1938 đăng bài hát Việt Nam bất diệt của Hoàng Gia Lịnh. Lời tựa của tập san cho biết “bạn tác giả muốn sáng tác một bài hát có thể đưa những người trẻ tuổi cùng nhịp bước với nhau hơn trong tình bạn thân thiết chân thành”: Cùng ngày nay ta nghiêm trang ra thề vang với nhau, cùng đồng tới lúc có đức tính cần thiết biết bao.
Bài hát nhất quán với chủ đề cổ động tinh thần tập thể trong các bài viết của tập san sinh viên. Điểm đặc biệt của bài hành khúc là ở tên gọi dù không có ca từ nào hô ứng. Vào thời gian này, tên gọi đất nước chính thức vẫn là An Nam hoặc cụ thể hóa bằng ba kỳ của Đông Dương thuộc Pháp hoặc như trong tên ngôi trường bằng chữ Hán ở sảnh ra vào là “Đông Pháp đại học”. Việc dùng danh đề “Việt Nam bất diệt” dễ gợi nhớ đến các cuộc khởi nghĩa hay vận động cách mạng đầu thập niên 1930 như của Việt Nam Quốc dân đảng mà theo một số văn bản ghi lại, trước khi bị Pháp xử tử, Nguyễn Thái Học đã hô “Việt Nam vạn tuế”.
Tập san của sinh viên cũng hưởng ứng bằng việc đăng các sáng tác và phê bình âm nhạc. Số tháng 10-11 năm 1939 dành đăng bản nhạc bài hát Trời thanh của Thẩm Oánh, tuy đề marche (hành khúc) nhưng ca từ lãng mạn kiểu Thơ Mới: Trời thanh đắm tâm hồn ta, sóng yêu đương tràn cõi lòng đầy tình. Màu thắm, hoa cười trong lá, hầu như xui chim hót trên cành… Cùng số này có bài viết “Propos sur la musique” [Bàn về âm nhạc] của Đinh Gia Trinh, nhắc tới các sáng tác của Thẩm Oánh, Lê Thương, Dương Thiệu Tước hay giọng ca Ái Liên: “… Bài hát được xuất bản sau cùng và đã nổi tiếng, Hồ xưa, là một điệu valse chậm, có một giai điệu rất riêng, gợi nên cả ngôn ngữ Á Đông và sự dữ dội của đam mê Tây phương. Xuân về, đã được thể hiện trên đài phát thanh qua tiếng hát tuyệt vời của cô Ái Liên, nằm trong số những khúc ca đẹp đẽ này…
- Xem thêm: Gặp ca sĩ đầu tiên của tân nhạc
Những tài năng khác có mặt cùng chúng tôi ở đây hôm nay, bên cạnh ông Thẩm Oánh, cũng là các nhạc sĩ. Bài hát Tiếng đàn đêm khuya của ông Lê Thương cũng là một tác phẩm hay, có âm hưởng rất Á Đông. Ông Dương Thiệu Tước trong ban nhạc Myosotis cũng sáng tác những tác phẩm đầy tinh tế cho cây đàn guitar Hawaii. Chúng tôi hi vọng tài năng trẻ của chúng ta sẽ cống hiến cho nền tân nhạc An Nam những tác phẩm thật hay chuyển tải được tâm hồn Á Đông trong cái khuôn khổ của kỹ thuật Tây phương”.
Cùng số tập san này có một quảng cáo các bản nhạc của Thẩm Oánh như Hồ xưa, Thanh niên, Có ai sang đò, Trong bóng chiều rơi, Hoa tàn và Arpèges. Bài viết trên tờ Le Monôme dường như nhắc lại ý kiến của tờ Ngày Nay, khi nhấn mạnh mối bận tâm tìm ra “tính cách Việt Nam” hay “tâm hồn Á Đông”, cho thấy sự tương đồng về thẩm mỹ âm nhạc của cả hai nhóm văn hóa tân thời của trí thức và thị dân. Năm 1938 đã có được một bối cảnh thuận lợi trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1935-1939, để từ đó các ý niệm về một thực thể văn hóa Việt Nam được bồi đắp cho dù thận trọng và có tính chất những viên đá dò đường, đặc biệt từ những thể loại tân thời như kịch nói và tân nhạc.