YouTuber PewDiePie (tên thật Felix Kjellberg) nổi tiếng trên kênh YouTube với các vLog và bình luận videogame.
Nay anh đang phải chiến đấu vất vả với kênh T-Series của Ấn Độ để duy trì vị trí “YouTuber số 1 có nhiều người đăng ký theo dõi nhất”.
Trong không gian ảo của thời đại internet, những “con ngựa biết nói chuyện” và những “khuôn mặt hoàn hảo không tì vết” đều có thể trở thành nổi tiếng.
Các “YouTuber ảo” mang khuôn mặt hoạt hình, được kiểm soát bởi người dùng thật nhưng thường là nặc danh.
Một thế hệ mới người nổi tiếng trên internet đang trỗi dậy. Đó là những “nhân vật ảo” biết trò chuyện, đi lại, hay phô bày trên YouTube, trên mạng xã hội Instagram như người thật, hành động thật.
Từ cuộc chiến giữa hai người khổng lồ trên không gian ảo…
Gần đây, một fan hâm mộ đã hỗ trợ PewDiePie bằng cách hack 50.000 máy in để in ra tin nhắn kêu gọi mọi người hãy đăng ký kênh của PewDiePie.
T-Series có thế mạnh là chia sẻ những trailer và video nhạc phim Bollywood tại một đất nước có hơn 1 tỉ dân.
Hacker có bí danh Hacker Giraffe, cho biết anh ta đã đột nhập được vào 800.000 máy in có cài đặt an ninh lỏng lẻo và chọn trước 50.000 máy hỗ trợ PewDiePie.
Theo trang web tin công nghệ The Verge: “Hacker có thể đánh cắp các file, cài malware và gây ra thiệt hại lớn cho máy in, thậm chí dùng máy in như trung gian để xâm nhập mạng internet nội bộ của một công ty!
Nhưng điều khủng khiếp nhất mà chúng ta chưa từng gặp trước đó là tiến trình xâm nhập, download và in tin nhắn để phát tán chỉ mất không tới 30 phút”.
Các YouTuber khác như Mr Beast và Markiplier với 33 triệu người đăng ký cũng làm những video kêu gọi những người theo họ (follower) hãy đăng ký thêm trang của PewDiePie.
Trong một video đưa lên YouTube, PewDiePie vừa nói về cuộc chiến đế giữ “ngôi vua” vừa bày tỏ niềm vui khi nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đồng nghiệp và fan hâm mộ.
“Chính sự ủng hộ này đã giúp tôi duy trì được vị trí số 1. Rất vui với chiến thắng, nhưng chúng ta không nên tự mãn và cũng đừng có những hành động vi phạm pháp luật như tin tặc chẳng hạn” – anh nói.
Hiện nay kênh của PewDiePie và kênh của T-Series đều có hơn 73 triệu người đăng ký, nhưng kênh của PewDiePie nhỉn hơn vài trăm ngàn.
Theo trang web Social Blade, hiện PewDiePie đạt được bình quân 144.656 người đăng ký/ngày so với 157.656 của T-Series.
Nguy cơ PewDiePie bị vượt qua là rất cao. T-Series không nói gì về cuộc đối đầu nhưng một số nhà quan sát xem đây là “Trận chiến giữa chú nhóc David và người khổng lồ Goliath”.
“T-Series khai trương từ thập niên 1980 đã trở thành một thương hiệu hợp pháp tại Ấn Độ, quốc gia có dân số 1,3 tỉ người. Lực lượng nhân sự của nó rất đông. Nhờ sự góp sức của các ngôi sao âm nhạc và điện ảnh., mỗi ngày có khoảng nửa tá video mới được đưa lên kênh. Trong khi đó, PewDiePie chỉ đủ sức sản xuất một video mỗi ngày!” – Matt Binder viết trên trang web công nghệ Mashable.
Đã thế, PewDiePie từng bị chỉ trích về một số video nhạy cảm anh đưa lên YouTube. Ví dụ, năm 2017, hãng Disney cắt đứt quan hệ với PewDiePie sau khi nhiều video và livestream anh đưa lên mạng có nội dung thân Quốc xã Đức và bài Do thái.
Hệ quả là những lời xin lỗi. Năm 2018, PewDiePie lại phải xóa một post báng bổ Demi Lovato khi ca sĩ này vừa nhập viện vì dùng ma túy quá liều.
Video cho thấy cảnh Demi xin mẹ tiền mua hamburger nhưng dùng nó để mua… heroin! Sau đó, PewDiePie biện minh là “không ý thức được vấn đề và độ nhạy cảm của video”.
…Đến “ngôi sao thế thân” trên không gian ảo
Hiện tượng “người nổi tiếng ảo” báo hiệu thế hệ mới các “ngôi sao”, nhưng là “ngôi sao thế thân” cho người sáng tạo ra chúng và không có khả năng như chúng. Xấu, đẹp và giới tính cũng khác.
YouTuber Kizuna AI thuộc trường hợp cá biệt. Tài khoản của “cô” có 2,3 triệu người theo trên YouTube.
Hầu như ngày nào Kizuna AI cũng đưa video tự làm lên mạng và trò chuyện trên camera về cuộc sống, tình yêu và video game.
Chủ nhân của Kizuna AI là một cự phách về hiệu quả đặc biệt CGI trên máy tính và biết tận dụng tốt ưu thế của công nghệ để thêm thắt hay sửa chữa các clip video “tự biên tự diễn”.
Anh tạo ra một nhân vật ảo trông rất giống một thiếu nữ xinh đẹp với giọng nói quyến rũ của một diễn viên. Đây chính là sản phẩm trí khôn nhân tạo (AI) tiến bộ mà anh rất hãnh diện.
Nhưng kênh YouTube Kizuna AI chỉ là một phần của xu hướng đang phát triển nhanh tại Nhật Bản khi trên mạng internet xuất hiện ngày càng nhiều cái gọi là “YouTuber Ảo” (Virtual YouTuber hay VTuber).
Sinh hoạt như những YouTuber thật, các nhân vật ảo này cũng tán gẫu về các chủ đề chúng ta thường gặp hằng ngày, từ quan hệ nam nữ, bạn bè đến chương trình truyền hình, những bộ phim chiếu rạp.
Chúng ẩn dưới lớp vỏ “avatar hoạt hình” được làm cho sống động nhờ “hiệu quả đặc biệt” CGI và AI. Từ Instagram đến YouTube, trên các mạng xã hội xuất hiện đông đảo những người nổi tiếng ảo, sản phẩm của công nghệ. Đã hình thành một thế giới những người nổi tiếng ảo (virtual celebrities) trên Instagram với sức hấp dẫn đặc biệt.
Các VLogger ảo đua nhau chiếm lĩnh YouTube, cạnh tranh quyết liệt với các VLogger thật và thu hút được lượng người theo đông đảo.
Đầu năm nay, công ty tìm kiếm dữ liệu User Local Inc trụ sở tại Tokyo cho biết số VTuber ảo đã vượt quá 4.000, gấp đôi con số cách nay hai tháng rưỡi. Tốc độ phát triển này chưa từng xảy ra trong thế giới VLogger thật.
Rõ ràng, nhờ tiến bộ của công nghệ, ai cũng có thể trở thành người nổi tiếng ảo mà không cần ngoại hình hay tài năng đặc biệt nào khác.
…Và cơn lốc “người nổi tiếng ảo”
Nhưng không chỉ có người Nhật là quan tâm đến thế giới ảo nằm bên dưới thế giới thật mà ở nhiều nước cũng có hiện tượng này.
“Năm 2018, phong trào người nổi tiếng ảo đã nhận được các xung lực mới để đi lên mạnh mẽ – Minoru Hirota, người điều hành trang web Panora chuyên về tin thực tại ảo của Nhật nói – Hiện nay YouTuber ảo Kizuna AI đã có nhiều fan tại châu Âu, Mỹ, Thái Lan và Hàn Quốc. Hơn phân nửa trong 2 triệu người đăng ký theo dõi kênh này đến từ nước ngoài.
Từ khi Kizuna AI bắt đầu post video lên kênh YouTube của mình vào năm 2016, nay đã có nhiều kênh VTuber phổ thông khác theo chân “cô”, ví dụ kênh Kaguya Luna, kênh Baacharu với ảnh đại diện là một con ngựa mặc đồ lớn hay kênh Nekomasu của một “cô gái thông minh” nhưng nói giọng đàn ông làm việc bán thời gian tại một cửa hàng tiện lợi.
VTuber Ami Yamato bản doanh tại London có thế thân là một nhân vật tạo thành từ CGI thường được “phù phép” để xuất hiện tại các vị thật bên cạnh nhưng con người bằng xương bằng thịt trong các video đưa lên mạng. Sự chồng chéo giữa thế giới thực và ảo đang là chủ đề nóng.
Tháng 8-2018, Công ty thu âm Nhật Sacra Music đã tổ chức một buổi hòa nhạc cho VTuber Kaguya Luna bên trong một khán phòng ảo có sức chứa 200 người.
Khán giả thật tại nhà có thể tham gia nhờ chiếc mũ thực tại ảo (virtual reality headset) để hóa thân thành một nhân vật (avatar) màu nâu cầm cặp gậy phát sáng ngồi dưới hàng ghế khán giả.
Đám đông thế thân (avatar) này sẽ xem thế thân Kaguya Luna biểu diễn! Nhưng trước các VTuber Kaguya Luna và Kizuna AI đã có vài tiền lệ.
Năm 2007, Công ty truyền thông Nhật Crypton Future quyết định biểu tượng đại diện của nó sẽ được đưa vào phần mềm tổng hợp giọng nói (voice synthesiser software) do hãng phát triển. Kết quả là sự ra đời của Hatsune Miku.
Đó là một con rùa đuôi heo 16 tuổi xuất hiện trong truyện tranh, phim hoạt hình Nhật (manga, anime), video game, và dĩ nhiên có mặt trong những buổi hòa nhạc dưới dạng ảnh ảo ba chiều “hologram”.
Các công ty tận dụng cơ hội
Ở phương Tây, cùng lúc với sự nổi lên của các VTuber tại Nhât, các nhân vật ảo bắt đầu xâm nhập vào mạng xã hội Instagram và trở nên nổi tiếng. Ví dụ nhân vật ảo Lil Miquela với những bức ảnh tự chụp CGI đã có có 1,5 triệu người theo.
Cũng giống như Ami Yamato, “cô nàng” có lúc xuất hiện ngoài đời thật, bên cạnh những con người thật.
Tự nhận mình là người mẫu Mỹ gốc Brazil 19 tuổi, Lil Miquela có cả những tình bạn thân thiết và thù địch với các người nổi tiếng ảo khác, con đẻ của CGI trên Instagram.
Điều thú vị là tất cả bạn bè và địch thủ của cô đều do một công ty tạo hình CGI tại Los Angeles tạo ra với sự hợp tác của các công ty đầu tư lớn.
Một ngôi sao Instagram ảo đáng chú ý khác là Shudu Gram, kẻ gây ra lắm rắc rối từ khi xuất hiện trên mạng xã hội này vào năm 2017 với những bức ảnh ăn mặc cực kỳ phong cách gồm cả những chiếc vòng cổ truyền thống của thổ dân Ndebele ở Nam Phi.
Bộ ảnh này lập tức làm “nóng” thế giới thời trang và được trình diễn trên sân khấu thời trang, bất chấp việc chúng là sản phẩm của phần mềm 3D.
Nhãn hiệu thời trang Balmain đã dùng Shuzu và những người mẫu 3D khác trong chiến dịch quảng cáo bộ thiết kế thời trang mới nhất của họ.
“Thời trang ảo 3D của Shudu Gram trông rất khác với những gì chúng ta thấy trên đường phố nên chúng có sức hấp dẫn đặc biệt – Cameron-James Wilson, nhiếp ảnh gia có công đưa thời trang Shudu Gram ra đời thực, nói – Chúng ta thường đánh giá quá cao sự hoàn hảo của các siêu mẫu, khi siêu mẫu 3D cũng hoàn hảo không kém, nhiều người sẽ bị sốc”.
Không giống Lil Miquela, mọi hình ảnh Shudu được CGI tạo ra đều được Wilson chỉnh sửa lại. Là người da trắng sống tại Anh, ông tạo ra một ngôi sao Instagram ảo nữ, da màu nên bị chỉ trích là “làm méo mó hình ảnh phụ nữ da đen mà không phải trả tiền cho người mẫu!”.
- Xem thêm: Thêm khách hàng nhờ YouTube
“Tôi hiểu các ý kiến tiêu cực này nhưng tôi hoàn toàn minh bạch trong quá trình sáng tạo của mình. Nghệ sĩ nào cũng muốn có cuộc tranh luận mang tính xây dựng. Tôi không hề tránh né những cuộc phỏng vấn hay tranh luận về những đứa con của mình” – ông giải thích.
Trong thế giới của các nhân vật ảo, sự “nặc danh” có quyền lực riêng của nó. Phản ứng với Shudu Gram sẽ rất khác nếu chủ nhân thực của nó bị lộ diện.
Kizuna AI có còn nổi tiếng nếu không có sự giúp sức của CGI và AI? Chắc chắn là không; vì người sáng tạo ra nó sẽ không bao giờ có sức hấp dẫn như nó.
Vẫn còn trong vòng tranh cãi
Hirota gọi thế giới ảo nằm sau thế giới thực này là “Virtual-Bishoujyo-Juniku” (Hóa thân người đẹp ảo) và “chúng được tạo ra bởi những người đàn ông biết tận dụng công nghệ với sự trợ giúp của phần mềm tạo giọng nói”.
Từ lâu, internet đã giúp con người tạo ra các thế thân và giới tính ảo khác nhau. Hirota so sánh hành vi này như vở kịch Onnagata biểu diễn tại nhà hát kịch truyền thống Kabuki của Nhật Bản, trong đó các diễn viên nam đóng vai nữ.
Tiến sĩ Griseldis Kirsch, giảng viên văn hóa đương đại Nhật tại SOAS, tin rằng nặc danh cũng là thế mạnh của các VTuber chính trị tại Nhật.
“Nhật Bản có luật rất chặt chẽ về internet và phát thanh truyền hình – bà nói – Nhưng nếu bạn xuất hiện như một nhân vật hoạt hình, bạn sẽ lách được luật”.
- Xem thêm: Tiếp thị bằng những người ảnh hưởng
Năm 2017, báo cáo đặc biệt về tự do ngôn luận của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh: “Có những dấu hiệu rất đáng lo ngại về cách nước Nhật ứng phó với quyền tự do ngôn luận khi luật cho phép chính phủ rút giấy phép đài phát thành và truyền hình nào phát tán thông tin sai để bị lạm dụng.
Luật khiến việc đưa các thông tin chính trị nhạy cảm trở nên rất khó khăn. Tuy nhiên, số VTuber đi vào chính trị không nhiều.
Theo Hirota, VTuber ảo tạo ra cơn sốt chỉ vì nhiều người Nhật không muốn khuôn mặt thật của mình xuất hiện, nhất là khi cần phát biểu về một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, theo các nhà theo dõi hiện tượng người nổi tiếng ảo, động cơ chính vẫn là tiền.
Kirsch nhắc lai “văn hóa Otaku” của truyện tranh và phim hoạt hình Nhật là lực đẩy để đi vào thế giới ảo vì “sẽ thu hút được nhiều người xem hơn trong không gian hoạt hình của các avatar hơn là người thật”.
Nhiều công ty cũng nhờ các VTuber ảo quảng cáo sản phẩm cho mình. Cụ thể, Kizuna AI và Lil Miquela đang được sự quan tâm của các công ty lớn, sẵn sàng trả khoản tiền đáng kể để quảng cáo sản phẩm trên kênh video của những người nổi tiếng ảo.
“Dùng avatar CGI sẽ linh hoạt hơn dùng người mẫu thật” – Lauren Hunter, một tín đồ truyện tranh và ăn mặc như các nhân vật truyện tranh, nói.
Wilson cũng đồng ý như thế và ông tin rằng các công ty thời trang sẽ sớm có các nhân vật CGI riêng và xây dựng sự nổi tiếng trên những kênh mạng xã hội riêng.