Hiện nay, việc đăng video clip lên YouTube để kiếm tiền không chỉ dành cho những người chuyên nghiệp mà đã trở thành mô hình kinh doanh phổ biến và ngày càng được đầu tư bài bản hơn.
YouTube được thành lập vào năm 2005 dưới dạng một trang web hẹn hò. Sau khi Google mua lại với giá 1,65 tỉ USD, YouTube trở thành mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất hiện nay, cho phép những người tham gia xem, đăng tải, bình luận và chia sẻ các nội dung video lên internet hoàn toàn miễn phí.
Với hàng ngàn lượt truy cập mỗi ngày thì dịch vụ quảng cáo đi kèm (Google Adsense) cũng phát triển theo. Người chia sẻ video lên YouTube được gọi là Vloger, họ tạo ra những đoạn nhật ký video ngắn hoặc là các chương trình video thủ công mà mọi người đều có thể tự thực hiện bằng máy quay và chỉnh sửa bằng các phần mềm trên máy tính.
Thực tế, từ nhiều năm qua, một số nhân vật trên thế giới đã có thu nhập khá lớn từ việc đăng video bình luận game, làm tiểu phẩm hài hay hướng dẫn lắp ráp đồ chơi. Chẳng hạn như Felix Arvid Ulf Kjelberg, một người bình luận game nổi tiếng của Thụy Điển, kiếm khoảng 15 triệu USD trong năm 2016. Các video của anh trên kênh PewDiePie có 23,9 triệu người đăng ký theo dõi và 3,69 tỉ lượt xem.
Hay nữ diễn viên kiêm vũ công người Canada Lilly Singh kiếm khoảng 7,5 triệu USD mỗi năm nhờ thường xuyên đăng tải các video thuộc nhiều lĩnh vực như hài kịch, âm nhạc, giải trí. Đặc biệt, không ít vấn đề của cuộc sống cũng được nghệ sĩ 28 tuổi này giới thiệu trên kênh YouTube hút hơn 10,4 triệu người theo dõi.
Việt Nam hiện là quốc gia đang đứng thứ 4 thế giới về thời gian xem trên YouTube. Điều này đã thúc đẩy việc sử dụng YouTube như một công cụ kinh doanh giải trí dần trở nên phổ biến.
Phần lớn nghệ sĩ Việt đều trở thành đối tác của kênh YouTube với kênh YouTube riêng mang tên mình, từ những ngôi sao đình đám đến những ngôi sao trẻ, cả những nhóm hài, thậm chí cả những nhân vật ít người biết đến.
Từ một cô gái gốc Việt vô danh, Michelle Phan trở thành tỉ phú nổi tiếng nhờ sản xuất video chia sẻ bí quyết trang điểm đăng trên YouTube. Với số lượng người theo dõi lên đến hơn 7,2 triệu cùng các clip thu hút đông đảo người xem, cô hiện kiếm được hàng triệu USD mỗi năm từ kênh này.
- Xem thêm: Bí quyết tiếp thị trên YouTube
Jvevermind là một trong những Vlogger đầu tiên tại Việt Nam, tạo nên trào lưu thực hiện các video blog trên YouTube. Jvevermind là kênh YouTube của anh chàng Trần Đức Việt, sinh năm 1992, nhân vật được xếp vào Top 30 gương mặt nổi bật của Forbes Việt Nam.
Kênh YouTube của JVevermind có hơn 1,3 triệu người theo dõi, mỗi đoạn video của anh nhận được từ 1 đến 3 triệu lượt xem. Theo ước tính của công cụ theo dõi và phân tích dữ liệu Social Blade, thu nhập hằng tháng của anh chàng này có thể từ 1.300 đến 10.700 USD.
Trên YouTube Việt Nam còn có một nhân vật nhỏ tuổi khá nổi tiếng là bé Nguyễn Ngọc Bảo An, sinh năm 2006. Từ lúc 5 tuổi, Bảo An đã có được những sản phẩm âm nhạc thiếu nhi dành cho riêng mình và được nhiều khán giả yêu thích.
Trong đó có một số đoạn clip của Bảo An hiện đạt hơn 46 triệu lượt view trên YouTube, các clip còn lại cũng đạt ít nhất từ 1 triệu đến hơn 10 triệu view. Nếu tính một video clip có 100 triệu view có thể nhận được khoảng 700 triệu đồng thì số tiền mà cô bé này kiếm được là không hề nhỏ.
Có thể thấy, khả năng kiếm tiền từ thị trường YouTube là rất lớn và đây cũng là một môi trường phát triển tốt của các nhà sáng tạo video.Tuy nhiên, không dễ để khai thác thị trường này.
Nhà sáng tạo phải xây dựng một kênh video riêng trên YouTube, video của bạn cũng phải có chất lượng thật sự để khán giả có thể ngồi xem trọn vẹn video của bạn, nhiều người bấm thích hoặc bình luận. Ngoài ra, nhiều tài khoản có thể bị Google khóa nếu bị nghi là tài khoản rác.
Vì vậy, nhiều người không đăng ký tài khoản trực tiếp với YouTube mà thông qua các đại diện trung gian gọi là Network.
Bên thứ ba này sẽ đứng ra cung cấp các dịch vụ, phát triển kênh, hỗ trợ sáng tạo nội dung, giúp các nhà sáng tạo quản lý vấn đề bản quyền, đồng thời hỗ trợ tăng doanh thu từ các kênh YouTube và họ được toàn quyền quản lý về bản quyền, kinh doanh, quảng cáo, phát triển trên sản phẩm video.
Một số Network được xem là trung gian đáng tin cậy cho các nhà sáng tạo hiện nay là METUB, Yeah1… Kênh Yeah1 Network được thành lập từ giữa năm 2015, hiện đứng ở vị trí số 22 trong 30 network có lượng người xem lớn nhất thế giới. Còn METUB Network là mạng lưới có hơn 400 kênh nội dung, tạo ra hơn 600 triệu lượt xem hằng tháng, tiếp cận hơn 12 triệu người trẻ theo dõi tại Việt Nam.
Ngành công nghiệp giải trí số tại Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển rất lớn cả về nội dung và cách thức tiêu thụ, với lợi thế dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet, thiết bị di động và mạng xã hội vào hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, các “ông lớn” nước ngoài khá quan tâm đến Việt Nam và ngày càng có nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này.
Cuối năm ngoái, thị trường đã chứng kiến thương vụ công ty Trung Quốc Asia Innovations Group (AIG) mua lại công ty chuyên về video online Big Cat với giá hơn 1 triệu USD. Mới đây, METUB được công ty giải trí số hàng đầu châu Á WebTVAsia đầu tư một nguồn vốn lớn, với mục tiêu phát triển doanh nghiệp này thành đơn vị số một về phát hành nội dung số chất lượng cao và hệ thống đa kênh YouTube tại Việt Nam.
Theo đó, các nhà sáng tạo nội dung trên internet, bao gồm ca sĩ, nghệ sĩ, Vlogger… sẽ được METUB Network hỗ trợ nguồn vốn, thiết bị, kinh nghiệm sản xuất, phát hành và quảng bá tại thị trường trong và ngoài nước.
Đài truyền hình Việt Nam VTV cũng sẽ hợp tác với METUB Network về việc quản lý và phát hành nội dung trên YouTube. Hai bên sẽ phối hợp sản xuất nhiều chương trình chất lượng cao để phát hành trên cả YouTube và nền tảng nội dung số riêng của VTV. Đây có thể được xem như bước đi tiên phong của METUB Network trong việc phát triển mạng lưới hợp tác chiến lược với các đơn vị truyền thông.